EC chọn 8 công ty xuất khẩu giày da làm mẫu điều tra

Theo Bộ Thương mại, sau khi xem xét hơn hồ sơ xin lấy mẫu điều tra của hơn 100 công ty sản xuất xuất khẩu giày da của Việt Nam, Ủy ban Châu Âu (EC) đã chính thức thông báo lựa chọn 8 công ty sản xuất xuất khẩu giày da của Việt Nam làm mẫu điều tra trong vụ kiện chống bán phá giá giày có mũ da của Việt Nam.

Trong số các công ty này có 4 công ty có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty Pou Yuen Vietnam, Công ty Pou Chen Vietnam, Công ty Taekwang Vina, Công ty liên doanh Kainan và 4 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước là Công ty Giày 32, Công ty Dona Biti’s, Công ty xuất nhập khẩu Bình Tiên, Công ty Giày da Hải Phòng.

Theo quy định của Pháp luật Châu Âu về chống bán phá giá thì việc lấy mẫu dựa trên số lượng sản phẩm và doanh thu bán hàng vào Cộng đồng Châu Âu của từng doanh nghiệp. 8 công ty được lựa chọn nêu trên sẽ phải trả lời bản câu hỏi chống bán phá giá của EC đưa ra và gửi cho EC trong vòng 30 ngày kể từ ngày EC đưa ra thông báo.

Tuy EC không bắt buộc các doanh nghiệp không nằm trong diện điều tra phải trả lời bản câu hỏi chống bán phá giá nhưng các doanh nghiệp này có thể gửi bản trả lời các câu hỏi chống bán phá giá để xin hưởng mức thuế riêng biệt.

Bộ Thương mại khuyến cáo các công ty nằm trong diện lấy mẫu điều tra cần xem xét một cách kỹ lưỡng hồ sơ, sổ sách và trả lời một cách nghiêm túc và đầy đủ các câu hỏi của EC đưa ra cũng như sẵn sàng cho việc EC tiến hành kiểm tra tại chỗ (dự kiến vào cuối tháng 9 tới).

Bộ nhấn mạnh, nếu bỏ sót các thông tin mà EC yêu cầu trong Bản câu hỏi thì doanh nghiệp bị coi là không hợp tác với EC trong quá trình điều tra và sẽ bị áp mức thuế chống bán phá giá cao. Các doanh nghiệp cần có sự đoàn kết, thống nhất dưới sự hướng dẫn của Hiệp hội Da giày Việt Nam để đối phó với vụ kiện một cách hiệu quả.

Theo TTXVN