“Đường lui” cho FED
(Dân trí) - Quy tắc sinh tồn đầu tiên của một người lính cứu hỏa là biết lối ra. Điều tương tự có thể áp dụng với chính sách cứu ngành tài chính sao cho hiệu quả.
Cùng với nhiều Ngân hàng Trung ương khác, FED đang chịu nhiều áp lực để giải thích cách thức giảm dần các biện pháp cứu ngành tài chính như thế nào bởi thị trường ngày một lo ngại về khả năng các biện pháp trên sẽ khiến lạm phát tăng cao.
Ngày 2/6, Thủ tướng Đức đã chính thức tấn công vào chính sách của FED, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về việc duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo.
Việc phía Đức đưa ra những luận điểm đanh thép như trên đã khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu không khỏi bối rối khi lẽ ra vào ngày 4/6 sẽ công bố chi tiết kế hoạch 86 tỷ USD mua trái phiếu.
Chỉ trích của Thủ tướng Đức mục tiêu chính tới Ngân hàng Trung ương Anh và Cục dự trữ liên bang Mỹ, bà nói: “Tôi cảm thấy hết sức hoài nghi về cách thức hành động của FED và Ngân hàng Trung ương Anh”.
Bất chấp phàn nàn từ nhiều phía, ngày 18/3/2009, FED công bố mua thêm 300 tỷ USD trái phiếu Bộ Tài chính, 200 tỷ USD trái phiếu phát hành bởi Fannie Mae và Freddie Mac - hai công ty cho vay thế chấp bất động sản hàng đầu của Mỹ, ngoài ra FED sẽ mua khoảng 1.250 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp.
Mục tiêu của một loạt chính sách trên là hạ tỷ lệ lãi suất dài hạn và thực tế ban đầu các chính sách trên đã phát huy tác dụng. Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ thời hạn 10 năm rơi xuống 2,5% từ mức 3%, thế nhưng đến ngày 3/6, tỷ lệ này lại lên mức 3,5%.
Một phần nguyên nhân khiến lợi tức tăng là do kỳ vọng lạm phát tăng. Số liệu từ Barclays cho thấy tỷ lệ lạm phát kỳ vọng đối với trái phiếu chính phủ ngừa lạm phát hiện nay là 2%, cao hơn rất nhiều so với mức 0% vào năm 2008.
Ngày 3/6, chủ tịch FED Ben Bernanke cho rằng nguyên nhân khiến lợi tức tăng là do những lo ngại về việc chính phủ vay tiền ngày một nhiều.
FED quy nguyên nhân lợi tức tăng là do nhà đầu tư từ bỏ sự an toàn của trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ để chuyển sang loại hình đầu tư có độ rủi ro cao hơn khi niềm tin vào nền kinh tế tốt hơn. Như vậy đó không phải là lý do khiến FED đẩy mạnh mua trái phiếu - một khả năng cho đến nay vẫn còn để ngỏ.
Giải pháp cho FED sẽ là phát hành trái phiếu ngắn hạn riêng giống như các Ngân hàng Trung ương khác. Việc này có thể giành được sự quan tâm của nhiều loại hình nhà đầu tư chứ không chỉ là các nhà kinh doanh trái phiếu cấp 1. FED sẽ bớt khó khăn hơn trong việc duy trì bảng cân đối kế toán.
Ngọc Diệp (theo Economist)