Đường "lậu" đe doạ ngành mía đường
(Dân trí) - Hiệp hội Mía đường Việt Nam đánh giá, tình hình đường nhập lậu và cung đường dư thừa đang là áp lực lớn cho ngành mía đường Việt Nam.
Theo báo cáo của Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối (CB TM NLTS&NM- Bộ NN&PTNT), năm 2012 - 2013 diện tích mía cả nước là 298.200 ha, tăng hơn vụ trước 15.000ha; năng suất mía bình quân cả nước đạt 63,9 tấn/ha, tăng so với vụ trước 2,2 tấn/ha; sản lượng mía cả nước được 19,04 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn so với vụ trước.
Cả nước có 40 nhà máy đường hoạt động, sản xuất được 1,530 triệu tấn đường, trong đó đường tinh luyện là 700.000 tấn. So với vụ trước, sản lượng đường tăng 224.000 tấn (17,1%).Do thừa đường nên giá bán đường niên vụ 2012 - 2013 thấp hơn vụ trước từ 1.500 - 2.000 đồng/kg, có những giai đoạn nhiều nhà máy đường đã bị lỗ. Tính từ ngày 15/8/2012 đến 15/7/2013, tổng lượng đường các nhà máy bán ra là 1,269 triệu tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 200.000 tấn; tổng lượng đường nhập khẩu là 68.000 tấn; mức tiêu thụ bình quân trong 11 tháng khoảng 100.000 tấn.
Ông Đoàn Xuân Hòa- Cục phó Cục CB TM NLTS&NM- cho biết, tính đến 15/7/2013, lượng đường tồn kho tại các nhà máy còn 426.000 tấn, cao hơn cùng kỳ vụ trước đến 187.000 tấn. Nếu mức tiêu thụ vẫn giữ như năm trước, lượng đường hiện nay dư so với nhu cầu tiêu dùng khoảng 200.000 tấn.
“Từ nay đến khi vào vụ mới, cung đang vượt cầu, đây sẽ là áp lực rất lớn của các nhà máy đường. Đồng thời, niên vụ mới tình hình cung đường vẫn dư thừa như năm nay, nếu tổ chức sản xuất không tốt, lượng cung đường trong nước thừa sẽ dẫn tới khủng hoảng, giá đường giảm sút, sản xuất thua lỗ như năm trước”, ông Hòa đánh giá.
Trong khi đó, ông Đỗ Thành Liêm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam- cho rằng, hiện nay chúng ta còn phải tồn dư một lượng đường tương đối khá lớn so với cân đối giữa cung cầu (khoảng 500.000 tấn), chưa kể là hàng ngày lượng đường nhập lậu từ biên giới Tây Nam, từ Campuchia, Thái Lan để vào Việt Nam cũng rất lớn.
“Phương thức chuyển đường lậu rất phong phú, vận chuyển đường, tải đường không phải vác từng bao đường trên vai của những người lao động nữa mà đối tượng buôn lậu chuyển bằng băng tải, mỗi ghe chở từ 50- 100 tấn đường và chuyển từ các băng tải lên các kho nằm dọc bờ sông”, ông Liêm nói.
Theo ông Liêm, đường lậu được hợp thức vào Việt Nam bằng những cơ sở sản xuất như tại tỉnh An Giang, TP Cần Thơ….Các cơ sở này được cấp phép sản xuất và kinh doanh đường nên số lượng đường bao đó là bao trắng được đóng gói từ bên Campuchia và chuyển qua Việt Nam là bao không nhãn mác, không bao bì, đối tượng buôn lậu chỉ kèm một cái tem nhỏ xíu của cơ sở đó là có thể hợp thức hóa để đi sâu vào nội địa của Việt Nam tiêu thụ.
“Khi bị các cơ quan chức năng kiểm tra, đối tượng buôn lậu trình tất cả các giấy phép sản xuất và hóa đơn xuất hàng để cho lô hàng đó đi. Các cơ quan chức năng biết chắc là đường lậu nhưng cơ sở pháp lý không đủ để tịch thu. Biết là đường lậu vì cơ sở được cấp phép nhưng không có nhà máy sản xuất đường, cũng không chứng minh được nguồn gốc đường. Họ chứng minh bằng cách rất lạ là mua đường của các nhà máy đường trong nước, sau đó về trộn lại rồi đóng bao để bán”, ông Liêm cho hay
Cũng theo ông Liêm, chất lượng của các nhà máy đường khác nhau, do đó khi trộn lại nó trở thành một chất lượng không kiểm soát được. “Các cơ sở kinh doanh đường mua một ít của các nhà máy đường nội địa và họ cứ sử dụng cái hóa đơn đó họ chứng minh mãi. Có những lô đường họ mua của năm 2012 nhưng đến năm 2013 họ mới chứng minh lô đường đó được trộn để sản xuất trong 2013. Chi phí tồn kho, lãi vay nó đẩy giá đường lên rất cao làm sao họ kinh doanh có lãi được nhưng mà họ chứng minh với các cơ quan luật pháp là như vậy”, ông Liêm nói.
Theo ông Liêm, mặt hàng đường là sản thực phẩm sử dụng trực tiếp nhưng việc kiểm soát lưu thông còn nhiều lỏng lẻo, việc pha trộn phẩm màu, việc đóng gói bao bì không được quy định và kiểm soát chặt chẻ. Việc cấp phép cho các cơ sở được sản suất kinh doanh đường của các địa phương đã góp phần công khai hóa, hợp thức hóa đường nhập lậu. Ngoài ra, thị trường đường thiếu ổn định, nhiểu rủi ro, độ minh bạch không cao đã làm cho các nhà đầu tư dè dặt trong đầu tư phát triển chiều sâu cho mía lẫn nhà máy chế biến. Đây là nguy cơ lớn làm cho ngành đường bị chựng lại và tụt hậu nhanh chóng.
Đưa ra biện pháp khắc phục tình trạng trên, ông Liêm cho biết, Hiệp hội Mía đường kiến nghị với các cơ quan nhà nước rằng, việc cấp phép sản xuất kinh doanh đường phải đi đôi với việc có nhà máy, có vùng nguyên liệu chứ không thể sản xuất bằng cách phối trộn rồi gọi là sản xuất. "Việc phối trộn đường trên thế giới là không có hoặc rất hiếm. Không ai lấy đường A trộn với đường B để ra một loại đường khác", ông Liêm quan điểm.
Đánh giá tình hình vụ mía đường năm 2013- 2014, ông Đỗ Thành Liêm cho rằng, dự báo sản lượng đường trong nước vụ tới vẫn trên 1,5 triệu tấn đường các loại. Với mức tồn kho cao như hiện nay thì nguồn cung sẽ lớn hơn vụ trước, cộng với đường nhập lậu và gian lận thương mại chưa được ngăn chặn có hiệu quả, nguy cơ nguồn cung sẽ còn lớn hơn rất hiều.
Do đó, ông Liêm kiến nghị, Bộ Tài chính cần ban hành mẫu hóa đơn mà các mẫu hóa đơn đó các thương nhân không được sử dụng để quay vòng, gian lận thương mại một cách trái phép. Các ngành chức năng cần quy định rõ việc quản lý lưu thông đối với mặt hàng đường, cấp giấy phép sản xuất kinh doanh đường tại các địa phương cũng như kiểm tra chất lượng tiêu chuẩn trong lưu thông, không để tình trạng việc xảy ra rồi mới tìm cách tránh. “Cái này phải cầu cứu tới Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế bởi vì mẫu hóa đơn là được phát hành từ các cơ quan này”, ông Liêm nhấn mạnh.
Ông Đoàn Xuân Hòa- Cục phó Cục CB TM NLTS&NM- đề nghị, Bộ Công thương cần có thông tư cá biệt quy định việc in nhãn mác trên bao gói đối với sản phẩm đường để khắc phục tình trạng các đối tượng buôn lậu hợp pháp hóa đường lậu bằng nhãn mác của các cơ sở đóng gói.Huỳnh Hải