Được nới room, ngân hàng có đủ tiền để cho vay?

Việt Đức

(Dân trí) - Các chuyên gia nhận định bài toán huy động vốn mùa cuối năm để đảm bảo nguồn cho vay với các ngân hàng là không dễ dàng.

Vẫn đủ nguồn nhưng khó giải ngân ào ạt

Sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố chính thức nới hạn mức tín dụng thêm 1,5-2%, khối nghiên cứu của SSI đánh giá áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các ngân hàng thương mại là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động vốn và tín dụng ở mức âm. 

Quan điểm trên được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) của các ngân hàng niêm yết đang ở mức rất cao trong 10 năm trở lại đây, theo dữ liệu của Công ty Chứng khoán Mirae Asset. Theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi ở mức tối đa là 85%. Trong khi đó, đến hết quý III, chỉ số này của toàn ngành đã ở mức 84,2%, suýt soát mức trần.

Theo thống kê của Dân trí riêng trên thị trường 1 (giao dịch giữa tổ chức tín dụng với doanh nghiệp, người dân), tính đến hết quý III, trong 18 ngân hàng niêm yết có lợi nhuận lớn nhất, có 5 ngân hàng ghi nhận dư nợ cho vay vượt huy động tiền gửi (bao gồm giấy tờ có giá). Ngân hàng có tỷ lệ này cao nhất là VPBank với 115%, sau đó là Techcombank (113%), SeABank (110%). Chỉ 4 nhà băng có tỷ lệ này dưới 90%. Còn lại 9 nhà băng duy trì LDR thuần ở ngưỡng 90-100%.

So với quý trước đó, riêng tỷ lệ cho vay trên huy động tiền gửi của 14/18 nhà băng nhích lên với mức từ 1% đến 12% trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi riêng trong quý III của hệ thống ngân hàng ghi nhận mức âm 0,6%. Đây là lần đầu tiên thị trường ghi nhận hiện tượng này từ năm 2008, theo WiChart.

 

Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Việt Nam (MSVN) - đánh giá, dư nợ cho vay trên huy động trên của các ngân hàng đang ở mức cao nếu chỉ nhìn trên thị trường 1 nhưng khi tính đầy đủ các nguồn khác trên thị trường 2 (giao dịch liên ngân hàng, giữa các định chế tài chính với nhau, giao dịch với Ngân hàng Nhà nước), thanh khoản của các ngân hàng vẫn ổn, đủ để cho vay.

Tuy nhiên, ông Thành cũng đánh giá việc cho vay sẽ khó ào ạt sau đợt nới room tín dụng đầu tuần này. "Khả năng tín dụng mới sẽ giải quyết được một số vấn đề về thanh khoản cho ngắn hạn nhưng theo tôi tiền sẽ chưa được bơm quá mạnh cho nền kinh tế theo kiểu các khoản vay đều dễ được giải ngân", ông Thành chia sẻ quan điểm.  

Bài toán huy động tiền gửi cuối năm

Ông Thành cũng nhận xét sau các đợt tăng lãi suất vừa rồi, huy động tiền gửi đã tăng trở lại thì huy động đã tăng trở lại nhưng chưa tạo thành một xu hướng đáng kể. Theo ông, thông thường giai đoạn cuối năm, ngân hàng luôn khó huy động tiền gửi hơn bình thường do doanh nghiệp và người dân cần tiền mặt để thanh toán, chi tiêu.

Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất cao như hiện tại, tổ chức, cá nhân sẽ càng phải ưu tiên vấn đề dòng tiền, giảm việc sử dụng đòn bẩy, hạn chế vay nợ để thanh toán cho đối tác, thay vào đó rút tiền mặt từ tài khoản để sử dụng. Lượng tiền mặt doanh nghiệp, người dân sẵn sàng đem gửi vào ngân hàng sẽ ít hơn.

Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại, thông thường, các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa của đối tác nước ngoài sẽ được nợ, có một khoảng thời gian để thanh toán. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài cũng cần tiền mặt nên không cho nợ, khiến các doanh nghiệp trong nước khi mua hàng hóa phải thanh toán ngay. Vì vậy, dòng tiền của doanh nghiệp trong nước lại thiếu hụt, dẫn đến việc phải rút bớt tiền gửi từ ngân hàng để thanh toán. 

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Thị trường Tài chính - Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế TPHCM, nhận xét việc các kênh đầu tư khác như trái phiếu, bất động sản, chứng khoán gặp vấn đề cũng khiến dòng tiền của doanh nghiệp, người dân khó khăn hơn. Khi tiền bị "chôn" trong trái phiếu, bất động sản do thanh khoản giao dịch kém, các khoản đầu tư vào cổ phiếu lỗ nặng, tiền mặt của người dân cũng vơi đi, ngân hàng lại khó khăn thêm trong việc huy động tiền nhàn rỗi.

Trong bối cảnh nền kinh tế thiếu tiền mặt, các ngân hành lại càng phải cạnh tranh với nhau về lãi suất để hút tiền. Do đó, ông Huân bày tỏ lo ngại với đợt nới room lần này, chưa chắc các ngân hàng đều có thể có nguồn để cấp tín dụng và cuộc đua lãi suất có khả năng chưa hạ nhiệt. 

Thực tế, Ngân hàng Nhà nước trong tuần qua cũng liên tục bơm tiền thông qua nghiệp vụ trên thị trường mở. Ngoài ra, ông Thành cũng cho biết việc Ngân hàng Nhà nước cũng đã mua kỳ hạn lên đến 91 ngày bên cạnh các kỳ hạn ngắn sẽ hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng thương mại với thời gian dài hơn, qua Tết Nguyên đán.

Về dài hạn, ông Thành nêu quan điểm các chính sách quản lý chỉ số vận hành của ngân hàng thương mại như LDR nên sớm được thống nhất, hợp lý, không quá chặt, tính hết các nguồn tiền khả thi của tổ chức tín dụng. Khi đó, các ngân hàng sẽ tự quản lý vấn đề thanh khoản để đảm bảo nguồn cho vay của mình.