Được đà tăng cước 3G, nhà mạng tăng cước quốc tế
Ngày 12/1, các doanh nghiệp viễn thông đã đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông cho tăng cước gọi di động và cố định quốc tế chiều về từ 6,1 cent lên 8,1 cent một phút, nhằm thu về khoảng 12 triệu USD mỗi năm.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Ngành dệt May: Cơ hội đến từ TPP Những nhận định thú vị về kinh tế, dân số trong năm 2014 Bí kíp cho doanh nghiệp trẻ: Lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh |
"Mức cước này sẽ đảm bảo lợi nhuận của nhà mạng và thu về ngoại tệ cho ngân sách Nhà nước", đề xuất nêu rõ.
Theo đại diện VNPT, 8,1 cent là mức cước hợp lý so với mặt bằng chung của quốc tế và khu vực. Một đơn vị khác cũng xin Bộ cho áp dụng chung và ổn định giá trong khoảng 5 năm tới.
Viettel cho hay đang gửi đề xuất lên Cục Viễn thông đề nghị nâng giá lên cùng mức trên kể từ ngày 1/2/2014. Các đơn vị kinh doanh đều nhận định với giá 8,1 cent và trừ thêm 15-20% lưu lượng giảm do bị trộm cước và dịch vụ thoại, nhắn tin miễn phí (OTT) thì Việt Nam vẫn có được khoản lợi nhuận không nhỏ trong bối cảnh dịch vụ viễn thông đang có mức tăng trưởng chậm.
Hồi tháng 8/2013, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ tăng cường quản lý giá dịch vụ, đồng thời ban hành quy định, chỉ đạo các đơn vị kinh doanh điện thoại quốc tế chiều về với giá cước phù hợp giá thế giới nhằm tăng doanh thu, đảm bảo lợi ích của Việt Nam.
Cước quốc tế chiều về sẽ tăng? |
Trong báo cáo tổng kết 2013 của VNPT, một trong những nguồn lợi nhuận lớn cho tập đoàn đến từ điện thoại quốc tế chiều về. Số liệu tạm tính đến hết tháng 12/2013 của Viettel cho thấy mức doanh thu hơn 1.619 tỷ đồng, tăng 54% so với năm ngoái dù số phút gọi chỉ đạt 1,4 tỷ (giảm 20%).
Một số doanh nghiệp nhỏ có cung cấp dịch vụ trước đây đang hết sức khó khăn cũng kịp phục hồi nhờ được nâng giá cước.
Trước đó, tháng 10/2013, 3 nhà mạng là Vinaphone, Mobifone và Viettel đã đồng loạt tăng cước 3G lên 40%, thậm chí 300% đối với một số gói dịch vụ. Động thái này đã gây ra nhiều bức xúc cho người tiêu dùng và truyền thông không chỉ do việc áp đặt tăng giá mà còn vì chất lượng dịch vụ hiện quá kém.
Để giải thích cho việc tăng giá cước, các nhà mạng cho rằng, mức giá cước của dịch vụ 3G tại Việt Nam vẫn thấp hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới khoảng 35 đến 70%, do vậy dù điều chỉnh tăng giá cước tuy nhiên tính trung bình hiện giá cước dịch vụ 3G tại Việt Nam vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung giá cước 3G tại các nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã công bố kết quả sai phạm liên quan tới ba nhà mạng Viettel, MobiFone và VinaPhone tự ý cài ứng dụng trừ tiền của khách hàng một cách vô tội vạ, không có bất kì khuyến cáo nào để cảnh báo cho khách hàng, nhằm thu lợi hàng trăm tỉ đồng, gây bức xúc dư luận.
Trước đó, ngày 24/12/2013, thanh tra Bộ TT&TT đã chỉ rõ tại VinaPhone, chỉ tính trong một năm (từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013) đã đạt doanh thu hơn 20 tỷ đồng từ ứng dụng IOD; tại MobiFone đạt hơn 150 tỷ đồng từ ứng dụng SuperSim và LiveInfo.
Ở Viettel, tình trạng này cũng tương tự khi nhà mạng cài sẵn phần mềm Viettel Plus trên sim điện thoại bán cho người sử dụng có chức năng cho phép tải thông tin và tính phí.
Mặc dù, Thanh tra đã lên tiếng xử lý, nhưng các dịch vụ "luộc" tiền của khách hàng một cách bất hợp pháp vẫn tiếp tục tồn tại.
Như vậy, chỉ trong 1 thời gian ngắn mà các nhà mạng lớn trên cả nước đã đồng loạt tăng từ giá cước 3G, luộc tiền khách bằng các dịch vụ tin nhắn cho đến nay lại là giá cước quốc tế chiều về, nhằm tăng doanh thu lợi nhuận cho mình.
Theo Thái Linh
Đất Việt