Dừng thanh toán quỹ đất cho BT: "Kéo dài nhiều năm, không nhà đầu tư nào chịu nổi"
(Dân trí) - HoREA cho rằng, trong trường hợp nhà đầu tư dự án BT chậm được bàn giao mặt bằng công trình dự án BT sẽ gặp khó khăn, thậm chí nếu kéo dài nhiều năm thì không nhà đầu tư nào chịu đựng nổi.
Như Dân trí đưa tin, cuối năm ngoái, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018, thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước 2008. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn thiếu quy phạm pháp luật quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Dự án theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT).
Do thiếu khung pháp lý nên mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, Ủy ban nhân dân thành phố các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 01/01/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành.
Liên quan tới quyết định này từ phía Bộ Tài chính, trong văn bản gửi tới Bộ Tài chính, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) kiến nghị Chính phủ xem xét, hoàn thiện để sớm ban hành "Nghị định Quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao.
Theo HoREA, việc chậm ban hành nghị định có thể mang lại một số rủi ro cho nhà đầu tư dự án BT.
Rủi ro đầu tiên được nhắc đến là nhà đầu tư dự án BT sẽ chậm được bàn giao mặt bằng công trình dự án BT. "Nếu chậm 1 năm thì nhà đầu tư đã khó khăn, nếu kéo dài nhiều năm thì không nhà đầu tư nào chịu đựng nổi", HoREA cho hay.
Hiệp hội này cũng cho rằng, nhà đầu tư dự án BT có thể còn bị chịu rủi ro chậm được bàn giao mặt bằng quỹ đất thanh toán dự án BT, hoặc chậm được bàn giao mặt bằng quỹ đất thanh toán dự án BT theo giai đoạn. Nhất là trong trường hợp quỹ đất thanh toán chưa giải phóng mặt bằng mà nhà đầu tư đã ứng tiền cho cơ quan Nhà nước để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng.
Bởi lẽ, khoản lãi vay của dự án BT kết thúc ngay sau khi Nhà nước giao đất cho nhà đầu tư, mà nếu thực hiện giao đất đúng hợp đồng thì Nhà nước sẽ tiết kiệm được không ít và nhà đầu tư cũng giảm được chi phí lãi vay.
"Hơn nữa không có tổ chức tài chính nào dám cho vay nếu dự án BT kéo dài nhiều năm rồi mới được giao đất vì sẽ dẫn đến chi phí tài chính thì quá lớn, kể cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ không thể kiểm soát nếu bị kéo dài và cũng rất khó dự đoán thị trường sau 5-7 năm", HoREA cho biết.
Theo HoREA, hiện trong Dự thảo Nghị định chưa quy định trách nhiệm tài chính của Nhà nước theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước 2017 khi cơ quan có thẩm quyền chậm tiến độ trong công tác giải phóng mặt bằng để giao đất dự án BT cho nhà đầu tư thi công, hoặc chậm tiến độ bàn giao quỹ đất thanh toán dự án BT cho nhà đầu tư.
Do đó, HoREA đề xuất bổ sung chính sách, cơ chế bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư dự án BT vào Dự thảo Nghị định theo hướng đề nghị cơ quan có thẩm quyền bàn giao mặt bằng công trình theo đúng tiến độ đã thỏa thuận trong hợp đồng Dự án BT để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.
Đồng thời, đề nghị bổ sung vào Dự thảo Nghị định nội dung quy định trách nhiệm tài chính của Nhà nước theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước 2017, khi cơ quan có thẩm quyền chậm tiến độ trong công tác giải phóng mặt bằng để giao đất dự án BT cho nhà đầu tư thi công, hoặc chậm tiến độ bàn giao quỹ đất thanh toán dự án BT cho nhà đầu tư, để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, viên chức nhà nước trong thực thi công vụ.
Phương Dung