Dùng sữa cho trẻ nhỏ: Tin Facebook hay Bộ chuyên ngành?
Trong khi “các mẹ bỉm sữa” vẫn tiếp tục nuôi con theo những kiến thức dinh dưỡng truyền miệng, thì cơ quan chịu trách nhiệm cho vấn đề đó ở nước ta mỗi ngày nói một giọng.
“Sữa bò là sữa thú”
Sữa bò là sữa thú, sữa con vật - con người không uống sữa con vật. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp luận điểm này trong những diễn đàn khổng lồ hàng trăm nghìn thành viên trên Facebook. Những diễn đàn dành cho hội các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.
Đó có thể là nơi chứng kiến những cuộc khẩu chiến kéo dài hàng nhiều ngày liền, và liên tục trong nhiều năm, về quan điểm trong dùng sữa nuôi con. Một bên là những bà mẹ chỉ tuyệt đối tôn thờ sữa mẹ, và bài xích tất cả các loại sữa khác - cho rằng chúng có thể gây hại cho trẻ nhỏ. Một bên là những bà mẹ tự nhận rằng mình “bình thường”.
Những cuộc tranh cãi rất nảy lửa. Những bà mẹ “bình thường” tất nhiên sẽ cảm thấy mình bị xúc phạm khi sữa chua và sữa hộp họ cho con uống hàng ngày được khái quát thành “sữa thú” với hàm ý miệt thị.
Trong phong trào hùng mạnh đó, người ta sẽ bắt gặp những bà mẹ đã cho con bú sữa mẹ đến 36 tháng, những tuyên bố sữa công thức có thể gây ung thư, và thậm chí là cả những “tín đồ” đi xa đến mức vắt sữa của mình ra yêu cầu các thành viên trong gia đình uống để... phòng chống ung thư.
Thậm chí có thể tìm được cả thơ tuyên truyền chống việc cho trẻ dùng “sữa thú”, như một phong trào dân vận đích thực.
Anh tài nào bởi chân nó dài?
Anh hùng nào bú loại cỏ nhai?
Thánh gióng ba năm vươn vai lớn,
Là nhờ sữa bò xứ nào đây?
Các luận điểm bài xích cực đoan “sữa thú” và các chế phẩm công nghiệp từ sữa này cũng được các mẹ tạo dựng bằng những luận cứ khoa học - nhưng khá rời rạc và được chắp nối tùy ý. Các khuyến cáo của WHO về việc cho trẻ dưới 6 tháng bú hoàn toàn sữa mẹ được sử dụng minh họa cho các bài viết về việc... sữa công thức có khả năng gây ung thư.
Sẽ không có vấn đề gì với các mẹ muốn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Nhưng việc công kích cực đoan mọi loại chế phẩm sữa khác và thể hiện thái độ “coi thường” với những bà mẹ cho con dùng sữa bò tạo ra đủ loại xung đột quan điểm. Trong dòng xoáy thông tin và quan điểm ấy, nhưng bà mẹ trẻ mới sinh con không giấu nổi sự hoang mang. Họ liên tục tự hoài nghi phương pháp nuôi con của chính mình. Số phận nhiều đứa trẻ được quyết định bởi... facebook.
Bộ Y tế khuyên trẻ sau 6 tháng dùng sữa và các sản phẩm của sữa
Bộ Y tế làm gì?
Trước cơn lốc “nuôi con truyền miệng” ấy thì cơ quan có trách nhiệm đặt ra các chuẩn mực cho dinh dưỡng tại nước ta làm gì?
Tháng 1/2013, Bộ Y tế ban hành “10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2020” thông qua quyết định 189/QĐ-BYT. Trong đó, có lời khuyên số 9: “Trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các sản phẩm của sữa phù hợp với từng lứa tuổi”.
Bộ lời khuyên này được khẳng định là cơ sở để các đơn vị trong ngành y tế phục vụ cho công tác truyền thông, giáo dục dinh dưỡng.
Đến tháng 9/2016, trên website của Viện Dinh Dưỡng thuộc Bộ Y Tế, người ta vẫn thấy Viện này cho ấn hành các poster khuyến khích trẻ trên 6 tháng tuổi sử dụng thức ăn bổ sung. Thức ăn bổ sung được Viện này định nghĩa bao gồm cả “các nguồn sữa khác ngoài sữa mẹ”.
Nhưng đến tháng 10/2016, Bộ Y tế thay đổi thái độ. Trong tờ trình số 979/TTr-BYT gửi thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định sự cần thiết phải cấm quảng cáo đối với sản phẩm thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi.
Để bảo vệ cho con số 24 tháng, Bộ Y tế chỉ tìm được chỗ dựa từ một nhận định của Tổ chức Y tế thế giới: “sữa mẹ cung cấp 100% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn 6 tháng đầu, 50% nhu cầu ấy cho giai đoạn từ 6 đến 12 tháng tuôi và 33% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên”.
Một số luật sư rất kinh ngạc chỉ ra rằng: Bộ Y tế đang đưa ra bằng chứng ngược! Vì theo con số này, trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên sẽ phải bù đắp tới 67% nhu cầu dinh dưỡng bằng các nguồn thức ăn ngoài sữa mẹ. Như vậy, phải chăng Bộ Y tế miệng thì nói chống nhưng bụng thì lại ủng hộ cho việc cần phải xóa bỏ lệnh cấm quảng cáo đối với sản phẩm thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ từ 12 tháng đến dưới 24 tháng tuổi.
Cần nói thêm rằng theo định nghĩa của chính phủ (theo đề nghị của Bộ Y tế) thì “sản phẩm thay thế sữa mẹ” bao gồm cả “Sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp hoặc có nguồn gốc động vật, thực vật để sử dụng trong giai đoạn ăn bổ sung dùng cho trẻ từ 06 đến 24 tháng tuổi”. Nếu hiểu theo đúng độ phủ cực rộng của định nghĩa này thì Bộ Y tế đang khuyến cáo không sử dụng phần lớn các loại sữa có bổ sung vi chất đóng vai trò như thực phẩm bổ sung nói chung.
Tuy nhiên, có vẻ Bộ Y tế lần này rất quyết liệt bảo vệ việc cấm quảng cáo đối với sản phẩm thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Không chỉ tự phủ nhận các khuyến cáo dinh dưỡng mà mình đưa ra trước đây,
Bộ cũng nói rằng mình dựa trên “thông lệ quốc tế”, nhưng không nêu ra được bằng chứng. Singapore và Thái Lan đều không cấm quảng cáo, và tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi ở các quốc gia này, đều thấp hơn nước ta rất nhiều, lần lượt là 3,3 và 9,2%. Trung Quốc cũng chỉ cấm quảng cáo sữa cho trẻ dưới 4 tháng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng là 3,4%. Ở nước ta, con số này là 12,1% trẻ dưới 5 tuổi.
So sánh tỷ lệ suy dinh dưỡng và luật cấm quảng cáo các nước
Vấn đề không phải là cấm quảng cáo sữa cho trẻ dưới 24 tháng tốt hay không tốt cho trẻ nhỏ - mà ở đây, việc xây dựng chính sách cần phải dựa trên những luận cứ thuyết phục và không được mâu thuẫn với chính các tuyên bố trước đó. Chính sách như thế này gây mất niềm tin từ phía các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Cách khuyến cáo tùy hứng này sẽ chỉ khiến các “mẹ bỉm sữa” tiếp tục lạc lối trong ma trận thông tin. Con cái họ sẽ được nuôi dựa trên kết quả đầu tiên mà Google đưa ra. Tùy vào việc các mẹ đọc được quyết định năm 2013 hay tờ trình năm 2016 trước, dù chúng cùng của Bộ Y Tế.
Người ta có quyền đặt câu hỏi về động cơ của sự thay đổi thái độ này. Nếu “sữa thay thế sữa mẹ” được định nghĩa rộng như vậy, thì cái sữa mà Bộ Y tế khuyến khích dùng cho trẻ trên 6 tháng là loại sữa gì?
Có lẽ đến lúc chờ đợi các nhà khoa học của Bộ thực sự làm việc, các mẹ bỉm sữa có lý do để tin tưởng vào Facebook hơn là cơ quan chức năng.
Đức Hoàng