Đưa Lâm Đồng thành vựa rau, hoa và điểm du lịch xanh số 1 ASEAN
(Dân trí) - Các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đang chọn tỉnh Lâm Đồng để xây dựng thành vùng sản xuất rau số 1 ASEAN và là thương hiệu rau, hoa số 1 Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái và vựa rau, hoa số 1 của Việt Nam.
Đây là báo cáo của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật bản (JICA) tại Việt Nam về hợp tác trong nông nghiệp từ các doanh nghiệp (DN) đứng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp của Nhật với các địa phương của Việt Nam sau hơn 1 năm thực hiện cơ chế hợp tác cấp cao giữa Chính phủ hai nước.
Theo JICA, các nhà đầu tư Nhật Bản có lợi thế về công nghệ trồng rau sạch hiện đại, với trình độ cao, hiệu quả và an toàn. Mô hình làng rau thần kỳ của Nhật Bản đã cho năng suất cao và cho chất lượng, an toàn bậc nhất. Đây là những vựa rau cho giá trị tỷ USD từ Nhật.
Từ tháng 11/2015, hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong nông nghiệp được đẩy mạnh gồm: trồng rau, hoa (Lâm Đồng) khai thác chế biến tôm sú (Huế) và đánh bắt cá ngừ (Bình Định)... Tuy nhiên, trồng rau và hoa vẫn là mô hình nhận được nhiều sự quan tâm nhất của nhà đầu tư Nhật Bản.
Tính đến nay, trong 8 chiến lược phát triển nông nghiệp Lâm Đồng, nhà đầu tư Nhật đã tham gia hỗ trợ đầy đủ về cơ chế pháp lý, công nghệ, kỹ năng quản trị. Về sản xuất rau sạch, các nhà đầu tư Nhật đã đem và áp dụng mô hình "làng thần kỳ" nông nghiệp của Nhật ngay tại Lâm Đồng để hình thành những doanh nghiệp tư nhân, phát triển hộ sản xuất kinh doanh rau sạch, xây dựng các khu phức hợp nông trại tiên tiến tại đây.
Cùng với đó là sản xuất nông sản giá trị gia tăng để phù hợp với nhu cầu trong và ngoài nước; Xây dựng đủ cơ sở gia công thực phẩm, hay thu gom, phân loại lưu kho nông sản. Các nhà đầu tư cũng xem xét thực hiện nhằm gắn kết du lịch và xây dựng vùng rau, vùng hoa chuyên canh để phát triển hỗn hợp kinh tế, cải cách cơ cấu kinh tế và chất lượng phát triển.
Theo các nhà đầu tư Nhật Bản, lý do chọn Lâm Đồng vì đây là tỉnh cao nguyên, có rất nhiều lợi thế về trồng rau, hoa do khí hậu mát mẻ. Nghề trồng hoa, rau là ngành truyền thống của địa phương và trở thành thương hiệu nổi tiếng trên cả nước.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, tỉnh chưa thể sản xuất ra những sản phẩm nông sản có chất lượng và số lượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Vì vậy, chỉ có sự đầu tư của DN chế biến, lưu thông và chất lượng phục vụ dây chuyền lạnh mới đem lại lợi thế cho vùng này. Theo JICA, các nhà đầu tư Nhật Bản đã và đang hỗ trợ Việt Nam bằng hình thức hợp tác công tư PPP để đưa nông sản Lâm Đồng trở thành thương hiệu số 1 và đưa chuỗi cung ứng rau, hoa trở thành tâm điểm trong chuỗi phát triển thời gian tới.
"Trong 4 mục tiêu, 8 chiến lược phát triển vùng rau, hoa Lâm Đồng, các nhà đầu tư Nhật dự kiến tham gia hầu hết vào quá trình như xây dựng Khu công nghiệp nông nghiệp chất lượng cao; lập các trung tâm thu hoạch rau, hoa; hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, tự động và công nghệ hóa trồng rau, hoa; xây dựng thương hiệu, xúc tiến du lịch nông nghiệp, nghiên cứu chế tạo và đào tạo nhân lực...", JICA cho hay.
Hiện, tại Lâm Đồng đã có khá nhiều mô hình vườn rau công nghệ cao lấy mô hình từ Nhật Bản. Tuy nhiên, việc học hỏi mô hình này mới chỉ dừng lại ở cá nhân, chưa xây dựng tính liên vùng, các nhà vườn chưa xây dựng chuỗi để hạn chế chi phí đầu tư, hiện đại hóa chuỗi cung ứng. Chỉ một số ít DN đầu tư chuỗi khép kín vào các nhà hàng Nhật, nhưng tỷ lệ này còn nhỏ. Điều này đặt ra thách thức cho phát triển hiện đại hóa, xây dựng chuỗi sản xuất rau trong tương lai.
Chính vì những điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi, việc phát triển Lâm Đồng thành vườn rau, vựa rau cần bài bản, có sự hợp tác và chuyển giao công nghệ của nước ngoài. Đây là điều kiện tiên quyết để chúng ta có ngành công nghệ cao trong sản xuất rau sạch, hoa sạch xuất khẩu.
Nguyễn Tuyền