Standard Chartered:

“Đủ” mô hình phục hồi kinh tế thế giới 2010

(Dân trí) - Standard Chartered cho rằng kinh tế phương Tây có thể hồi phục theo hình chữ L hoặc chữ U và kinh tế phương Đông sẽ biến chuyển theo hình chữ V.

“Đủ” mô hình phục hồi kinh tế thế giới 2010 - 1
Nhiều thách thức về chính sách kinh tế thế giới trong năm 2010
 
Standard Chartered dự báo kinh tế thế giới năm 2010 có thể tăng trưởng 2,7% so với mức - 1,9% của năm 2009. Tăng trưởng kinh tế châu Á năm 2010 có thể lên mức 7% từ mức 4,5% trong năm 2009.

Lạm phát sẽ không phải là vấn đề lớn, tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế phương Tây vẫn ở mức thấp. Thế nhưng tại một số nền kinh tế mới nổi, nhu cầu nội địa tăng cao, giá tài sản lên mạnh khiến Ngân hàng Trung ương nhóm nước này sẽ thắt chặt chính sách để kiềm chế lạm phát.

Một yếu tố mang tính dài hạn nếu xét về bản chất nhưng lại đang điều khiến nhiều yếu tố ngắn hạn chính là sự chuyển dời về sức mạnh kinh tế và tài chính.

Năm 2010, Standard Chartered cho rằng sẽ có 2 ảnh hưởng lớn từ nợ và hạn chế tài chính, đặc biệt tại Mỹ. Người Mỹ đã tăng mạnh chi tiêu những năm trước, đi cùng với nó là sự đi lên của Trung Quốc, hai yếu tố này làm nên tăng trưởng toàn cầu những năm gần đây.

Trong năm 2010, Standard Chartered kỳ vọng nhà lãnh đạo các nền kinh tế sẽ cam kết cân bằng kinh tế tại các buổi họp của tổ chức uy tín như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20).

Thách thức lớn của năm 2010 chính là: chính sách thời hậu khủng hoảng. Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế lớn của thế giới tại London tháng 4/2009 đã giúp đưa ra định hướng năm 2010 với trọng tâm ngăn việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá sớm.

Tuy nhiên năm 2010 là năm phục hồi của kinh tế thế giới. Nhờ vào chính sách tốt, kinh tế thế giới bước vào năm 2010 trong giai đoạn đầu hồi phục. Điều này có thể thấy ở nửa sau năm 2009 khi niềm tin vào hệ thống tài chính đột ngột hồi phục nhờ ảnh hưởng từ chính sách.

Kinh tế thế giới sẽ hồi phục theo mô hình nào? Kinh tế thế giới sẽ chỉ có thể suy thoái lần 2 nếu có một cú sốc nào cực lớn như giá dầu tăng quá nhanh, căng thẳng với Iran leo cao, phương Tây đột ngột thắt chặt chính sách quá sớm, quá nhanh.

Standard Chartered không cho rằng kinh tế có thể rơi vào suy thoái lần hai dù vậy cũng không nên ngạc nhiên nếu một số nền kinh tế tăng trưởng âm ở giai đoạn đầu, đây là điều bình thường trong quá trình hồi phục.

Tổng quy mô của kinh tế toàn cầu là 61.000 tỷ USD, Standard Chartered cho rằng kinh tế phương Tây có thể hồi phục theo hình chữ L hoặc chữ U và kinh tế phương Đông sẽ biến chuyển theo hình chữ V.
 

Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam 2010

Tiêu dùng nội địa sẽ là yếu tố chính đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Chính sách của chính phủ sẽ giúp cơ sở hạ tầng phát triển tốt trong năm 2010.

Nhu cầu nội địa, đặc biệt là tiêu dùng nội địa, sẽ là yếu tố chính đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Chính sách của chính phủ sẽ giúp cơ sở hạ tầng phát triển tốt trong năm 2010.

Xuất khẩu Việt Nam năm 2010 sẽ phục hồi chậm. Giá hàng hóa thế giới tăng cao trong năm 2010 sẽ giúp hỗ trợ cho xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam.

Tỷ lệ lạm phát sẽ ở mức bình thường, đứng ở mức trung bình 8,9% trong năm 2010 và lên mức 10% ở thời điểm cuối năm 2010.

Rủi ro lớn nhất đối với lạm phát chính là giá hàng hóa và thực phẩm tăng cao bởi hàng hóa và thực phẩm chiếm tới hơn 50% trong giỏ hàng hóa tính CPI.

Sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ giúp đảo ngược xu thế đi xuống của FDI và kiều hối. Doanh nghiệp nước ngoài đang quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam trong vai trò một cơ sở sản xuất tốt.

Theo dự báo của Standard Chartered, vốn FDI giải ngân thực tế trong năm 2010 dự kiến đạt 12 tỷ USD, kiều hối dự kiến đạt 7,5 tỷ USD, những mức này tương đương mức của năm 2008.

Standard Chartered cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ chú trọng đến kiềm chế tăng trưởng tín dụng trong năm 2010. Ngân hàng Nhà nước đã nâng lãi suất cơ bản trong tháng 11/2009 và có thể sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2010.

Ngọc Diệp - Minh Tuấn
Theo Standard Chartered