Du lịch ĐBSCL: 3 “nút thắt” cần tháo gỡ

(Dân trí) - Ngành du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời gian qua vẫn chưa thực sự hút khách, cần tháo gỡ 3 nút thắt để phát huy thế mạnh tiềm năng của mình.

Du lịch ĐBSCL: 3 “nút thắt” cần tháo gỡ  - 1
Miếu bà Chúa Xứ ở An Giang - một trong số ít địa điểm thu hút khách đến cúng viếng và tham quan

 

Đó là nhận định của nhiều đại biểu trong buổi Hội thảo về du lịch ĐBSCL diễn ra mới đây tại TP.Cần Thơ.

 

Theo các đại biểu, 3 “nút thắt” mà ngành du lịch vùng ĐBSCL đang vướng phải đó là hạ tầng giao thông kém, thiếu nguồn nhân lực và chưa có sự kiên kết giữa các địa phương.                                                         

 

Hiện nay, hạ tầng ở các tỉnh ĐBSCL dành cho du lịch vẫn chưa phát huy hết “đường đi nước bước” của mình. Nhiều nơi vẫn còn ngổn ngang, chưa được xây dựng hoàn chỉnh nên nhiều du khách còn e ngại khi đến tham quan, đặc biệt là đối với du khách nước ngoài.

 

Vùng ĐBSCL là vùng sông nước cho nên các phương tiện chuyên chở khách du lịch chủ yếu là ghe nhỏ, tàu, thuyền. Song, theo đánh giá của các nhà làm du lịch thì có nhiều phương tiện dù đã cũ kỹ nhưng vẫn được sử dụng. Ngoài ra, việc trang bị các vật dụng như áo phao để đảm bảo an toàn cho du khách đi trên sông dường như vẫn còn “bỏ ngỏ”.

 

Nhiều ý kiến khác thì cho rằng, thiếu nguồn lực chuyên về du lịch cũng đã góp phần làm cho ngành du lịch của vùng chưa thực sự phát triển. Số nhân lực có chuyên môn nghiệp vụ cao hiện nay rất ít, chỉ có thể đáp ứng một phần nhỏ, ở một nơi nhất định.

 

Theo nhiều đại biểu, hiện nay có khá nhiều công ty du lịch lữ hành “mọc” lên nhưng nhân viên ở một số đơn vị lại thiếu sự chuyên nghiệp nên đã gây chán nản cho du khách khi đi tour.

 

Trong khi đó, theo ông Phạm Việt Đức - Giám đốc một nhà hàng ở Cần Thơ, thì hiện nay có tình trạng các đầu bếp tốt nghiệp ở các trường du lịch hẳn hoi nhưng chỉ biết nấu các món ăn “ngoại”, còn món “nội” thì lại mù tịt. Du khách khi đến địa phương tham quan du lịch thường chỉ muốn thưởng thức món ăn dân dã, đặc trưng của địa phương đó thì hiện tượng này phần nào đã làm cho du khách không hài lòng.

 

Ngoài ra, theo các đại biểu thì mỗi địa phương cũng cần phải xây dựng cho mình một thương hiệu sản phẩm chủ lực riêng để “hút” khách chứ không nên chung chung. Sản phẩm đó phải gây ấn tượng với khách, tạo cho khách có cảm giác “đến một lần là nhớ mãi” thì địa phương đó mới phát huy tiềm năng.

 

Theo Thạc sĩ Phan Xuân Anh - nguyên lãnh đạo một công ty du lịch, cho rằng, các địa phương cần phải hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch chung. Cần hình thành những tour du lịch xuyên vùng để có sự gắn kết chặt chẽ với nhau trong việc phát huy những mô hình du lịch độc đáo. Không chỉ vậy, việc phát triển các mô hình du lịch sinh thái phải đi đôi với việc bảo vệ và giữ gìn thì mô hình đó mới lâu dài được.

 

Bên cạnh đó, ngành du lịch của vùng ĐBSCL chưa phát huy được việc quảng bá thương hiệu. Theo các đại biểu, khi du khách không biết gì về văn hóa, địa điểm, nơi du lịch đó có gì hay….thì làm sao họ biết mà đến. Chính vì thế, các đại biểu cho rằng cần phải đẩy mạnh công tác quảng bá qua nhiều kênh thông tin để thu hút khách đến địa phương.

                                                                                                                                                                                 

Huỳnh Hải