Dự án trên cao, năng lực dưới thấp

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã quá nhiều tai tiếng, người dân bức xúc, Nhà nước sốt ruột, nhưng nó vẫn ỳ ra đó, như trêu ngươi, như thách thức.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Nó ỳ ra nhưng có vẻ như càng ỳ càng lợi, vì nếu công trình kéo dài thì lại tính tiền trượt giá, nâng thêm vốn, nhà đầu tư “chết”, còn nhà thầu Trung Quốc cứ thong thả nhặt tiền. Tin mới toanh, dự án này chậm tiến độ, “đội” vốn lên 868,06 triệu USD, tăng 315,18 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Làm dự án kiểu này thì quá dễ, chậm tiến độ thì tăng vốn, thiếu vốn thì vay, chỉ có chết dân. Bởi vì vay ở đâu thì cuối cùng dân cũng è cổ ra để trả cả vốn lẫn lãi. Riêng dự án này, tổng thầu là Trung Quốc, một phần vốn vay ưu đãi cũng Trung Quốc. Nhà thầu Trung Quốc làm ăn bê bối, nhưng nói ra mắc nghẹn ở cổ, vì vốn vay lại từ phía họ.

Không chỉ chậm tiến độ, đội vốn, gây thiệt hại về kinh tế, dự án này còn là nỗi khiếp sợ về tai nạn. Người dân bất an khi lưu thông gần khu vực dự án. Chưa ai biết sẽ có cái gì rơi xuống trên đầu. Còn nhớ tại cuộc họp đầu tháng 1.2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nói: “Mỗi lần sự việc xảy ra, tổng thầu lại nhận khuyết điểm nhưng đâu lại vào đấy. Tôi không tin lời hứa và nhận trách nhiệm của tổng thầu nữa”.

Bộ trưởng Bộ GTVT không tin vào lời hứa của tổng thầu thì dân làm sao tin họ được. Ở đây không phải là chuyện gây tai nạn, mà quan trọng hơn, là niềm tin vào năng lực thực hiện của tổng thầu Trung Quốc. Đây là một dự án được thi công kém về nhiều mặt, cho thấy nhà thầu thiếu năng lực. Trình độ công nghệ, năng lực chuyên môn kém là nguyên nhân chính của mọi hậu quả. TS Phạm Sanh - nguyên giảng viên Trường ĐH Bách Khoa TPHCM - phân tích về dự án này: “Trong quá trình triển khai gặp các vấn đề chậm tiến độ, chất lượng thi công thấp, chắc chắn là do trong quá trình lựa chọn nhà thầu (tổ chức đấu thầu) đã có sơ hở. Cụ thể là vấn đề về năng lực, đặc biệt năng lực chuyên môn của nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu của dự án”.

Tổng thầu kém thì rõ rồi, nhưng những người chọn nhà thầu kém phải chịu trách nhiệm. Nhận ra tổng thầu dự án đường sắt trên cao kém, không đủ năng lực thì phải thay. Nếu không thể thay tổng thầu vì vướng quá nhiều thủ tục pháp lý, ràng buộc về tài chính thì phải có biện pháp quản lý cũng như quy định về chế tài để nhà thầu thi công đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.

Dự án trên cao, nhưng năng lực chuyên môn thì dưới thấp. Không thể nuông chiều nhà thầu thêm nữa.

Lê Thanh Phong

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”