1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dự án nhà ở vẫn ồ ạt triển khai dù thị trường đóng băng

(Dân trí) - Trong bối cảnh thị trường bất động sản phát triển ồ ạt, từ cuối năm 2012 Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương rà soát dự án. Tuy nhiên, bộ Xây dựng nhìn nhận ở các địa phương, các dự án tạm dừng "quá ít và không đạt yêu cầu".

Nhìn thấy tình hình phát triển các dự án nhà ở quá nóng, cuối năm 2012 Thủ tướng đã ra Chỉ thị số 2196/CT-TTg về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản yêu cầu các địa phương phân loại dự án phát triển nhà ở tiếp tục triển khai, các dự án cần điều chỉnh và các dự án dừng triển khai.
 
Dự án nhà ở vẫn ồ ạt triển khai dù thị trường đóng băng
Nhiều chủ đầu tư tranh thủ xin đất làm dự án nhưng không có tiền triển khai dẫn đến thực trạng dự án dang dở. Tuy nhiên, cấp tỉnh là nơi cấp phép hào phóng các dự án nhà ở lại đình chỉ dự án hoặc tạm dừng dự án quá ít...
 
Chỉ chiếm gần 4%

Bộ Xây dựng vừa tổng hợp báo cáo của 19 địa phương về tình hình phát triển thị trường bất động sản gửi Chỉnh phủ. Theo báo cáo này tính đến nay số liệu về các dự án cần  tạm dừng triển khai là 138 dự án với tổng diện tích đất: 4.361 ha. Hiện nay, vẫn còn Hà Nội chưa có số liệu về các  dự án tạm dừng, TP Hồ Chí Minh có 37 dự án tạm dừng

Đánh giá việc rà soát các dự án bất động sản tại các địa phương, bộ Xây dựng cho rằng: số lượng các dự án tạm dừng của các địa phương là quá ít (về số lượng dự án  tạm dừng chỉ chiếm 3,7% so với tổng số lượng dự án, về diện tích đất của các dự án tạm dừng chỉ chiếm 4,8% tổng diện tích đất của toàn bộ các dự án). Các địa phương chưa  triển khai mạnh việc rà soát và phân loại dự án, kết quả thực hiện việc tạm dừng nhìn chung chưa đạt yêu cầu.

Trong khi các dự án nhà ở tạm dừng “quá ít và không đạt yêu cầu’ thì cũng trong báo cáo này, bộ Xây dựng cảnh báo thực trạng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có thể thừa nhà ở.

Bộ Xây dựng nhìn nhận nếu tính toán theo mục tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người đã nêu trong chiến lược phát triển nhà ở thì chỉ tiêu phát triển nhà ở đô thị của Hà Nội đến năm 2020 cần phát triển thêm khoảng 60 triệu m2 nhà ở, bao gồm cả nhà ở do dân tự xây, trong khi diện tích nhà ở trong các dự án đã giao chủ đầu tư là hơn 82 triệu m2, tương đương khoảng 520.695 căn hộ.

Tại Tp.HCM, số liệu này là 65,7 triệu m2 so với diện tích nhà ở trong các dự án đã giao chủ đầu tư là gần 80 triệu m2, tương đương khoảng 572.422 căn, trong khi số hộ gia đình khu vực đô thị của Thành phố hiện nay là 1,5 triệu hộ.

"Tranh thủ xin"

Đã không ít lần tại các hội thảo về thị trường bất động sản các nhà quản lý, chuyên gia đều đưa ra thực trạng về phát triển mất cân đối, thừa nhà cao cấp và thiếu nhà thu nhập thấp.

Theo báo cáo mới nhất, thống kê tổng mức đầu tư dự án bất động sản trên cả nước đến hết quý I/2013 lên tới 3,5 triệu tỷ đồng. Đánh giá về tổng mức đầu tư với số tiền khổng lồ này, Bộ Xây dựng nhận định: Khối lượng đầu tư lớn, nên không đủ nguồn lực để triển khai, khả năng hấp thụ thấp, dẫn đến các dự án dở dang hoặc chỉ đủ tiền để giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất, làm hạ tầng, không đủ tiền xây nhà.
 
Lý giải nguyên nhân các dự án nhà ở bùng nổ không kiểm soát trong thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nói rằng thời gian vừa qua, do phân cấp quá lớn cho địa phương, đặc biệt Hà Nội, TP.HCM đã cấp phép khá tràn lan nhiều dự án không phù hợp với thị trường, điều kiện kinh tế địa phương nên đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.
 
“Còn nhớ, trước thời điểm sáp nhập vào Hà Nội, có một số xã của Hòa Bình chỉ trong một đêm cấp phép cho mấy chục dự án. Trách nhiệm cơ quan Nhà nước là rất lớn, và việc xem xét tạm dừng các dự án là đúng theo 4 hướng dự án dừng, tạm dừng, điều chỉnh quy mô, chuyển đổi dự án. Việc này hết sức cấp bách”, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng nói.
 
Trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam thẳng thắn nhìn nhận:“Doanh nghiệp tranh thủ xin, để đấy, làm gì có tiền mà làm. Đền bù xong tiền đất cho dân là hết, còn đóng nghĩa vụ cho nhà nước thì không có tiền để đóng. Tiền để làm hạ tầng, cầu, đường, điện không có. Tiền để xây nhà cũng không có, huy động của dân được một phần và phải được điều kiện nào đó mới huy động. Không có nguồn lực để làm, nên dự án dở dang là như thế. Không có kế hoạch, mà có đủ tiền để làm cũng không có người mua”.
 
Thông Chí

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm