1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Dự án đường 5 kéo dài: Đội vốn khủng, chậm tiến độ và "hé lộ" hàng loạt sai phạm

(Dân trí) - Vốn đầu tư bị đội gấp đôi trong khi thời gian hoàn thành “vỡ kế hoạch” khiến dự án đường 5 kéo dài được xem là một ví dụ điển hình về dự án đầu tư “gây lãng phí ngân sách nhà nước, hiệu quả đầu tư thấp”.

Cầu Đông Trù trong ngày thông xe toàn tuyến Dự án Quốc lộ 5 kéo dài.
Cầu Đông Trù trong ngày thông xe toàn tuyến Dự án Quốc lộ 5 kéo dài.

Tuyến đường Quốc lộ 5 kéo dài, đoạn cầu Chui - Đông Trù - Phương Trạch - Bắc Thăng Long, Hà Nội thực hiện theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1998, được đánh giá là có tầm quan trọng đặc biệt trong mạng lưới giao thông thành phố. Chủ trương đầu tư dự án đã được Thủ tướng chấp thuận với tổng mức đầu tư 3.532 tỷ đồng cho hơn 13km chiều dài toàn tuyến đường.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai trong 36 tháng và hoàn thành vào năm 2008. Tuy nhiên, phải tới tận năm 2014, chậm so với kế hoạch 6 năm, tuyến đường này mới được thông xe. Tổng mức đầu tư toàn tuyến cho đến thời điểm hoàn thành tăng thêm 3.000 tỷ đồng lên tới 6.661 tỷ đồng. Vốn đầu tư bị đội gấp đôi trong khi thời gian hoàn thành “vỡ kế hoạch” khiến dự án này được xem là một ví dụ điển hình về dự án đầu tư “gây lãng phí ngân sách nhà nước, hiệu quả đầu tư thấp”.

Sau gần 2 năm tiến hành thanh tra (bắt đầu tư tháng 2/2014), Thanh tra Chính phủ đã hoàn tất Kết luận thanh tra dự án đường 5 kéo dài, trong đó chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án này. Cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận thanh tra dự án và yêu cầu UBND thành phố Hà Nội tổ chức, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.

Theo Kết luận Thanh tra, đến thời điểm năm 2013, sau khi đã chậm tiến độ kéo dài, các gói thầu đã triển khai phải thực hiện việc điều chỉnh giá do trượt giá vật liệu, nhân công, máy và điều chỉnh bổ sung nhiều hạng mục dẫn tới phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Nguyên nhân khách quan được cơ quan thanh tra chỉ ra là do khối lượng công việc lớn, khó khăn trong công tác đền bù và quá trình triển khai rơi đúng vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2007 - 2010 khi mà biến động giá cả về nguyên vật liệu, nhân công tăng cao. Năng lực tài chính của nhà thầu và biến động lớn về nhân sự (5 năm có 3 lần thay Giám đốc) cũng là những nguyên nhân khiến dự án này chậm tiến độ, đội vốn.

Tuy nhiên, không thể không kể tới các nguyên nhân từ quản lý, điều hành dự án. Việc chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của UBND thành phố Hà Nội, huyện Đông Anh, quận Long Biên và các cơ quan liên quan chưa quyết liệt để tiến độ dự án kéo dài.

Nhà thầu tư vấn thiết kế của dự án là Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải TEDI trong quá trình thực hiện hợp đồng đã bộc lộ sự yếu kém về năng lực, có biểu hiện thiếu trách nhiệm dẫn đến chất lượng thiết kế yếu, nhiều lần phải thay đổi bổ sung. Thêm vào đó, phía chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Hạ tầng Tả Ngạn bộc lộ yếu kém về năng lực quản lý và tổ chức thực hiện dự án trong khi các nhà thầu thi công thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện hợp đồng giao nhận thầu.

Kết luận Thanh tra chỉ rõ: “Việc tổ chức quản lý, điều hành dự án có nhiều hạn chế, nhiều vi phạm xảy ra trong suốt cả quá trình đầu tư; một số nội dung chưa tuân thủ quy trình, trình tự thủ tục đầu tư; chưa nêu cao được tinh thần trách nhiệm trong quá trình tổ chức thực hiện dự án; vai trò trách nhiệm của cá nhân một số lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội không xử lý kịp thời, vi phạm nguyên tắc, thiếu quyết liệt. Nhiều hạng mục công trình điều chỉnh dự toán không tuân thủ quy định để giá trị dự toán vượt quá cao”.

Bên cạnh đó, việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư tại dự án thực hiện không đúng, trúng, trong đó, việc chi trả tiền hỗ trợ cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân sai quy định lên tới 77 tỷ đồng.

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và tổng dự toán công trình cũng được Thanh tra kết luận là không chấp hành việc phê duyệt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Điều này dẫn tới khi tổ chức thực hiện đã không kiểm soát được chi phí đầu tư. Ngoài ra, Ban quản lý dự án, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát cũng để xảy ra nhiều sai phạm trong việc ký hợp đồng giao thầu, tạm ứng, thanh toán và giải ngân.

Đáng lưu ý, hầu hết các gói thầu xây lắp chính của dự án đường 5 kéo dài đều vấp phải tình trạng vỡ tiến độ, với thời gian thực hiện hợp đồng lên tới 6 - 7 năm. Ngoài hệ lụy dễ thấy nhất là công trình chậm đưa vào khai thác, làm giảm hiệu quả đầu tư, việc kéo dài thời hạn thi công vượt quá hợp đồng gốc tại một số gói thầu đã dẫn tới sai phạm tài chính liên quan tới điều chỉnh giá cho các khối lượng hoàn thành.

Liên quan đến sai phạm tài chính được Thanh tra Chính phủ phát hiện tại dự án lên tới 657,9 tỷ đồng, xấp xỉ 10% tổng mức đầu tư, trong đó số tiền 273,667 tỷ đồng đã được khẳng định; số còn lại 384,274 tỷ đồng, gồm: gói thầu 12 là 48,2 tỷ đồng và gói thầu số 13 là 336 tỷ đồng, cần phải tính toán cụ thể thêm.

Phương Dung

Dự án đường 5 kéo dài: Đội vốn khủng, chậm tiến độ và "hé lộ" hàng loạt sai phạm - 2