Dự án điện phân nhôm gần 700 triệu USD chậm tiến độ đến bao giờ?

Được kỳ vọng sẽ gia tăng giá trị của việc khai thác alumina tại Tây Nguyên, dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông do một DN tư nhân làm chủ đầu tư, mặc dù nhận được nhiều ưu đãi khủng nhưng liên tục chậm tiến độ. Quá trình kiểm tra hoạt động xây dựng nhà máy đã phát hiện có nhiều tồn tại…

Dự án điện phân nhôm gần 700 triệu USD chậm tiến độ đến bao giờ? - 1

Theo Giấy chứng nhận đầu tư số 5755278826, dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông có chủ đầu tư là Cty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân (KCN Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp). Dự án có mục tiêu sản xuất nhôm từ alumina; sản xuất hợp kim nhôm;… Công suất dự án 450.000 tấn sản phẩm/năm; Tổng vốn đầu tư dự án là 15.480 tỉ đồng, tương đương với 688 triệu USD. Trong đó vốn tự có của chủ đầu tư chỉ là 3.096 tỉ đồng chiếm 20% tổng mức đầu tư dự án, vốn vay là 12.384 tỉ đồng chiếm 80% tổng mức đầu tư dự án.

Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông được khởi công xây dựng vào tháng 9.2014. Tiến độ thực hiện xây dựng nhà máy được thực hiện 3 phân kỳ đầu tư trong 4 năm. Phân kỳ 1 thời gian thực hiện trong 2 năm 2015 và 2016 với công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm; phân kỳ 2 có thời gian thực hiện trong năm 2017 với công suất tổng cộng 300.000 tấn sản phẩm/năm; phân kỳ 3 thời gian thực hiện trong năm 2018 hoàn thiện tổng công suất thiết kế 450.000 tấn sản phẩm/năm.

Tuy nhiên cho đến những ngày cuối tháng 10.2017, dự án này vẫn là một đại công trường ngổn ngang các hạng mục xây dựng, không thấy có bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy dự án sẽ sớm hoàn thành trong khoảng thời gian gần.

Không những thế, trong một cuộc kiểm tra mới đây về việc chấp hành pháp luật về đầu tư, lao động, xây dựng và môi trường đối với dự án, Ban Quản lý các KCN (QLCKCN) tỉnh Đắk Nông đã phát hiện một loạt tồn tại.

Theo kết luận kiểm tra của Ban QLCKCN Đắk Nông, cho thấy tại thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư có tồn tại là chưa thực hiện báo cáo định kỳ về đầu tư theo quy định của Bộ KHĐT.

Tại thời điểm kiểm tra có 94 lao động tại DN, Ban QLCKCN Đắk Nông cho rằng tồn tại của chủ đầu tư là chưa thực hiện đăng ký nội quy lao động; chưa thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; chưa xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương theo quy định của pháp luật về lao động.

Khi kiểm tra về việc chấp hành pháp luật về xây dựng, “Cty chưa gửi hồ sơ thiết kế xây dựng công trình về Ban QLCKCN tỉnh để theo dõi, quản lý theo quy định”.

Để làm rõ những tồn tại và việc chậm tiến độ tại dự án, PV đã liên lạc với ông Trần Hồng Quân – người đại diện theo pháp luật của Cty. Tuy nhiên, ông Quân từ chối tiếp PV với lý do “rất bận” và đề nghị PV “tự tìm hiểu”.

Theo Hoài Nam
Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm