Dự án đắp chiếu 7 năm ròng: "Thượng đế" dài cổ... chờ
(Dân trí) - Giấc mơ an cư của nhiều khách hàng vẫn xa vời vợi suốt 7 năm qua sau khi trót rót tiền vào dự án Vinaland Tower. Mới đây, cư dân thêm cú sốc lớn và dường như bị hạ "knock - out" với tin chủ đầu tư sắp bán dự án.
“Dài cổ” đợi dự án
Dự án Vinaland Tower (phường Phú Mỹ, quận 7, TPHCM) do Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt Nam Vinaland (VNI) làm chủ đầu tư. Ngoài dự án Vinaland Tower, VNI còn bán theo hình thức phát hành chứng chỉ là Chợ Phước Long (quận 7).
VNI chính thức phát hành chứng chỉ quyền mua nhà vào năm 2009 và thu hút sự chú ý của thị trường. Với việc linh hoạt trong phương pháp thanh toán, làm cho nhiều người tham gia mua nhà.
Tuy nhiên, sau thời gian dài “án binh bất động” và thời hạn của hợp đồng góp vốn đã hết, nhiều khách hàng của dự án Vinaland Tower đã tìm đến VNI để đòi lại tiền nhưng không được giải quyết.
Theo quy chế Quỹ Tiết kiệm nhà ở do VNI công bố trước đây, dự án Vinaland Tower được thiết lập bằng hợp đồng vay tiền của khách hàng với số tiền vay 5,1 triệu đồng (tương ứng 1 chứng chỉ). Thời hạn cho vay lên đến 60 tháng.
Trong dự án này, người cho VNI vay sẽ được mua nhà với đơn giá gốc xây dựng, số chứng chỉ có được tương ứng với quyền mua của số mét vuông nhà, kèm theo ưu tiên khách hàng chọn căn hộ trước khi chào bán ra bên ngoài.
Anh K., một khách hàng đã mua chứng chỉ của VNI cho biết, anh bắt đầu ký hợp đồng cho VNI vay tiền từ tháng 1/2009. Mỗi tháng anh phải đóng cho VNI số tiền 10,2 triệu đồng cho các chứng chỉ. Sau khi đóng hơn 10 đợt với số tiền hơn 100 triệu đồng, do thấy dự án không xây dựng, anh dừng không đóng nữa.
Khi hết thời hạn cam kết, anh K. đến công ty đòi tiền nhưng bị công ty liên tục từ chối, đến nay số tiền gốc lẫn lãi vẫn chưa được thu hồi. Số tiền lãi quá hạn và tiền lãi phạt đã gần gấp đôi số tiền gốc. Tương tự, hàng trăm khách hàng khác cũng đã chờ đợi mỏi mòn quyền được mua nhà của VNI nhưng vẫn không được hồi đá
Có thể trả nợ dự án?
Không chỉ ngao ngán về việc dự án nằm đắp chiếu nhiều năm liền, mới đây khách hàng lại hết sức hoang mang bởi có thông tin VNI quyết định bán lại dự án Vinaland Tower cho chủ đầu tư khác.
Theo ông Trần Minh Hoàng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaland cho rằng, hiện nay nhóm cổ đông nắm giữ 40% cổ phần công ty không hề biết về việc Vinaland sẽ tiếp tục thực hiện dự án. Trong khi đó, nhiều công ty môi giới đã rao bán rầm rộ dự án Vinaland Tower ra thị trường.
Bên cạnh đó, ông Hoàng cũng cho rằng, 40% cổ đông này cũng không được biết công ty đã đóng tiền sử dụng đất cho dự án hay chưa? Nếu chưa đóng thì theo Luật kinh doanh Bất động sản thì không được phép thu tiền của khách hàng.
Trước luồng dư luận về việc dự án Vinaland Tower đang gặp nhiều khó khăn về hướng giải quyết và chấp nhận sang nhượng, đại diện công ty khẳng định, VNI từng đưa dự án Vinaland Tower ra xin ý kiến cổ đông về vấn đề này. Tuy nhiên sau 2 lần họp đại hội cổ đông (vào năm 2016) và không được biểu quyết thông qua, công ty đã tìm phương án xây dựng, bán sản phẩm để trả nợ.
Thời gian mà VNI trả tiền cho khách hàng là tháng 3/2017. Khách hàng muốn nhận lại tiền hay nhận căn hộ phải gửi văn bản theo mẫu về Vinaland trước ngày 30/12 để công ty thực hiện việc trả nợ.
Bên cạnh đó, ngày 12/12/2016, VNI đã có thông báo gửi tới toàn bộ khách hàng đang sở hữu chứng chỉ về việc thực hiện trả nợ. Cụ thể, những khách hàng đã sở hữu chứng chỉ quyền mua nhà muốn nhận căn hộ tại dự án Vinaland Tower phải đóng thêm 12,535 triệu đồng/m2 hoặc nhận lại bằng tiền với lãi suất 9%/năm.
Ông Trần Bình Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc VNI cho rằng, công ty luôn nỗ lực thanh toán cho khách hàng sở hữu chứng chỉ quyền mua nhà. Thế nhưng, nhiều lý do khác nhau, dự án đã không thể khởi công đúng kế hoạch nên việc thanh toán cho khách hàng bị chậm trễ.
Trong 2 năm 2015 - 2016, VNI đã trả nợ được hơn 30 tỷ đồng bằng sạp kinh doanh tại Chợ Phước Long, tương đương hơn 60% tổng số nợ của khách hàng chứng chỉ.
“Dự án Vinaland Tower đang trong giai đoạn ép cọc đại trà. Với vị trí đắc địa, thiết kế và giá bán hợp lý nên việc hoàn tất các nghĩa vụ của công ty cho khách hàng sở hữu chứng chỉ là hoàn toàn khả thi”, ông Long khẳng định.
Công Quang