Nam Định:
Dự án 400 tỷ khởi công rầm rộ sau 4 năm vẫn “đắp chiếu”
(Dân trí) - Dự án Trung Tâm Thương mại - Du lịch quốc tế Đồng bằng Sông Hồng với tổng số vốn trên 400 tỉ đồng trên diện tích hơn 20ha đất nông nghiệp tại Mỹ Tân - Mỹ Lộc (Nam Định) được khởi công hoành tráng từ 2/2008 nhưng sau 4 năm, dự án vẫn “đắp chiếu”.
Dự án “vẽ voi” trên giấy
Ngày 20/02/2008, lễ khởi công dự án Trung Tâm Thương mại - Du lịch quốc tế Đồng bằng Sông Hồng do Công ty Cổ phần Quốc Tế Năm Sao làm chủ đầu tư diễn ra hoành tráng. Bởi dự án này có tổng số vốn đầu tư trên 400 tỷ đồng trải dài trên diện tích hơn 20ha đất nông nghiệp thuộc địa bàn xã Mỹ Tân - Mỹ Lộc (Nam Định).
Đây là dự án được đánh giá có tấm cỡ Quốc tế tại tỉnh Nam Định và khu vực Đồng bằng Sông Hồng với quy mô lớn, cơ sở hạ tầng hiện đại, kiến trúc độc đáo hứa hẹn sau khi hoàn thành sẽ tôn vinh cảnh quan du lịch tâm linh, quần thể di tích văn hóa Trần, tạo điều kiện thu hút du khách tại cửa ngõ phía Bắc thành phố dệt, góp phần từng bước hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể, xây dựng thành phố Nam Định thành trung tâm kinh tế lớn vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng… Tuy nhiên, hơn 4 năm sau khởi công đến nay dự án vẫn dậm chân tại chỗ!
Theo giới thiệu của chủ đầu tư, đây là dự án liên hợp được thiết kế bao gồm nhiều hạng mục như: dịch vụ thương mại, khách sạn, nhà hàng ẩm thực, khu vui chơi giải trí, siêu thị, resort và biệt thự cao cấp, sân tập golf,...trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, là địa điểm dừng chân lý tưởng cho du khách mỗi dịp viếng thăm lễ hội đền trần, góp phần làm phát triển ngành du lịch Nam Định nói riêng và Việt Nam nói chung.
Chính vì vậy, việc triển khai dự án đã nhận được sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn của dư luận cũng như chính quyền địa phương. Về tiến độ thực hiện dự án, tại giấy chứng nhận đầu tư số 39 do ông Trần Minh Oanh - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định ký ngày 6/2/2008 ghi rõ: Qui mô đầu tư giai đoạn 1 gồm: Khu Trung tâm thương mại, dịch vụ; Khu RESORT; Khu làng nghề thủ công truyền thống và hạ tầng kỹ thuật, các công trình phụ trợ. Tiến độ thực hiện dự án giai đoạn 1 từ năm 2008 đến 2012.
Tuy nhiên, từ buổi khởi công đến nay, dự án vẫn “án binh bất động” với cỏ mọc “lút đầu”. Ngoài phần cổng và thành bao quanh khu đất, bên trong dự án chỉ mới làm được một số hạng mục đơn giản và ít kinh phí, như san nền, làm hàng rào…
Trong khi đó, người dân địa phương cho biết rất cần đất để sản xuất. Thế nhưng kể từ khi bị thu hồi đất từ năm 2004 đến nay, hơn 20 ha đất nông nghiệp không biến thành “đất vàng” như kỳ vọng mà trở thành “đất chết”.
Qua đó, cuộc họp kết luận “Tiến độ triển khai dự án rất chậm so với tiến độ ghi trong giấy chứng nhận đầu tư số 39 ngày 6/2/2008. UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu doanh nghiệp này phải có văn bản cam kết trong vòng 3 tháng, kể từ ngày 4/3/2011 phải triển khai đồng bộ xây dựng các hạng mục công trình theo tiến độ đã cam kết với UBND tỉnh. Nếu không thực hiện, UBND tỉnh sẽ quyết định thu hồi đất và giấy chứng nhận đầu tư.
Nhưng đến thời điểm hiện tại có thể thấy, dự án này vẫn gần như dậm chân tại chỗ.
Trong các văn bản gửi cơ quan chức năng tỉnh Nam Định, phía doanh nghiệp phân trần: “…trong quá trình triển khai dự án, Tập đoàn đã gặp không ít khó khăn bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài, sức mua giảm sút trầm trọng. Tập đoàn Năm Sao đã mời nhiều đối tác có uy tín trong lĩnh vực bán lẻ như BigC, Coop mart, Lotter mart…về khảo sát, các đối tác đều cho rằng vị trí trên không thuận lợi cho việc triển khai trung tâm thương mại, du lịch. Vì vậy, nếu tiếp tục triển khai dự án theo phương án ban đầu thì khả năng thành công không cao…”
Qua đó, Tập đoàn Năm Sao đã có văn bản gửi cơ quan chức năng tỉnh Nam Định xem xét, chấp thuận cho đơn vị này chuyển đổi dự án Trung tâm thương mại du lịch quốc tế đồng bằng sông Hồng thành dự án Cụm công nghiệp Quốc tế Năm Sao.
UBND tỉnh Nam Định cũng đã có văn bản trình Bộ Công thương đề nghị bổ sung quy hoạch Cụm công nghiệp theo đề nghị của Tập đoàn này. Theo UBND tỉnh Nam Định, với tình hình thực tế hiện nay và đề nghị của nhà đầu tư là phù hợp để khai thác có hiệu quả việc sử dụng khu đất trên nhằm đẩy mạng phát triển công nghiệp và kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đồng thời khai thác hiệu quả khu đất đã được GPMB cho sản xuất kinh doanh đúng tình hình thực tế hiện nay.
Như vậy, sau hơn 4 năm khởi công rầm rộ với nhiều hứa hẹn nay số phận khu đất hơn 20 ha lại quay về vạch xuất phát. Dư luận thất vọng và bức xúc về một dự án được vẽ ra hoành tráng trên giấy nhưng khi không thực hiện được lại xin chuyển đổi.
Anh Thế