Đồng Tháp:

Đóng xuồng mini cho con đi thi… bỗng trở thành “cần cầu cơm” cho gia đình

(Dân trí) - (Dân trí) Từ việc đóng chiếc xuồng mini cho con đi thi, nhiều người thấy đẹp đến nhà anh Tốt đặt hàng. Nét duyên những chiếc ghe, xuồng nhỏ làm nhiều người mê. Vậy là anh Tốt chuyển qua nghề đóng ghe xuồng mini phục vụ khách du lịch tứ phương hơn 4 năm qua.

Cần tỉ mỉ và độ thẩm mỹ cao…

Những năm trước đây, khi hệ thống giao thông đường bộ chưa hoàn chỉnh, việc đi lại của người dân miền Tây hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào những chiếc ghe, xuồng bằng gỗ. Ở miền sông nước Cửu Long có nhiều làng nghề đóng loại phương tiện này, tuy nhiên làng đóng ghe xuồng Rạch Bà Đài thuộc ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp là lâu đời và vang danh nhất miền Tây.

Những năm gần đây, lũ nhỏ, lũ muộn và có năm không có lũ nên những làng nghề đóng ghe, xuồng ở khắp miền Tây hiu hắt theo “mùa lũ cạn”. Và làng đóng ghe xuồng Rạch Bà Đài cũn chung số phận “vắng khách” như bao làng nghề khác mặc dù nơi đây được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận là “Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia” hồi tháng 4/2015.

Tuy nhiên với những người tâm huyết với nghề thì vẫn gắng bó, bằng nhiều cách khác nhau. Đơn cử như trường hợp ông Nguyễn Văn Tốt (57 tuổi, ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu, huyện Lai Vung) một người có hơn 40 năm kinh nghiệm đóng ghe, xuồng nhưng nay ông vẫn “bám” với nghề qua bằng cách chuyển qua đóng ghe, xuồng mini, phục vụ cho khách du lịch.


Cái duyên đưa ông Tốt đến với nghề đóng ghe, xuồng mini từ chuyện đóng một chiếc xuồng nhỏ cho con đi thi trong trường

Cái duyên đưa ông Tốt đến với nghề đóng ghe, xuồng mini từ chuyện đóng một chiếc xuồng nhỏ cho con đi thi trong trường

Tâm sự về cái duyên đưa ông Tốt đến với nghề đóng ghe xuồng mini như hiện nay, ông chia sẻ: “Cách đây khoảng 4 năm, tình cờ tôi đóng một chiếc xuồng cui Bà Đài nhỏ để đứa con tham gia cuộc thi sáng tạo trong trường học. Không ngờ, chiếc xuồng mô hình của tôi đóng cho cháu được chấm giải nhất năm đó và vui hơn là sau lần đó có nhiều người đến đặt tôi đóng ghe, xuồng mini để mang về nhà trưng bày".

"Cứ vậy, người này thích, giới thiệu cho người kia từ trong xã lan ra huyện rồi tỉnh và sang các tỉnh bạn… Cuối cùng tôi gắng bó với nghề này từ khi nào cũng chẳng hay”, ông Tốt vui vẻ nói.


Một chiếc xuồng nhỏ đặc trưng của Rạch Bà Đài mà ông Tốt muốn lưu giữ lại cho con cháu qua các sản phẩm thu nhỏ của mình

Một chiếc xuồng nhỏ đặc trưng của Rạch Bà Đài mà ông Tốt muốn lưu giữ lại cho con cháu qua các sản phẩm thu nhỏ của mình

Theo ông Tốt, làm nghề đóng ghe, xuồng mini ở khâu nào cũng có độ khó nhưng đòi hỏi nhất ở người thợ là tính tỉ mỉ, không nóng vội và độ thẩm mỹ cao. Vì từng tiểu tiết phải cẩn thận, chăm chút cho giống, đúng với nguyên bản để sau này lưu giữ lại cho con cháu có thêm hiểu biết và trân trọng di sản của địa phương.

Mỗi tháng bỏ túi từ 6-10 triệu đồng

Theo ông Tốt, cho biết nguyên liệu ông sử dụng làm xuồng, ghe thu nhỏ là gốc và rễ cây sao vườn được ngâm, phơi đủ nắng rồi tiến hành bào, mài cẩn thận, sau đó được cất giữ để tránh bị mối, mọt làm hại. Để có sản phẩm hoàn thiện, đẹp mắt, anh Tốt trải qua các công đoạn cưa ván, bỏ mực, rọc dọn, vô vỏ, ráp cong, dằn và chà nhám rồi sơn dầu để hoàn tất sản phẩm sắc sảo các chi tiết, nét dân dã, quen thương của chiếc xuồng ghe, quê hương sông nước.

Nếu tính đến nay số lượng xuồng, ghe nhỏ ông đóng đến nay gần trăm chiếc gồm nhiều kiểu như xuồng cui Bà Đài, ghe Cà Dom, xuồng Ba Lá, ghe tam bàn, xuồng cui Long Xuyên, Cần Thơ, Kìm Long Thắng, Ngo Sóc trăng...mỗi loại có một kiểu dáng đặc thù riêng. Chính vì thế mà thời gian hoàn thành và giá trị của mỗi sản phẩm cũng khác nhau dao động từ: 300.000đ – 5.000.000đ/chiếc.


Ngoài ra, ông Tốt còn đóng nhiều loại ghe, xuống khác nhau, kể cả những loại khó tính như ghe ngo của đồng bào Khmer, thuyền rồng

Ngoài ra, ông Tốt còn đóng nhiều loại ghe, xuống khác nhau, kể cả những loại "khó tính" như ghe ngo của đồng bào Khmer, thuyền rồng

Ông Tốt cho biết, ông vào nghề đóng ghe xuồng khi mới 15 tuổi và phải mất 3 năm học nghề ông mới có thể một mình hoàn thiện một chiếc xuồng. Riêng nghề đóng ghe xuồng thu nhỏ chỉ mới có kinh nghiệm hơn 4 năm. Hiện nay đơn đặt hàng nhiều hơn, vì thế cứ 1 ngày ông phải hoàn thành 2 chiếc (loại nhỏ, bề hoành khoảng 10cm, dài 4-6cm). Theo ông Tốt, nếu trừ hết chi phí, từ công thợ, vật liệu… mỗi ngày ông bỏ túi từ 200.000-500.000đồng nhưng vui nhất là tạo việc làmvà truyền được cái nghề truyền thống của gia đình cho 3 người em và 2 đứa cháu.

Ngoài khách hàng ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sản phẩm của ông còn bán cho Việt kiều và du khách nước ngoài yêu thích chiếc xuồng, ghe của miền sông nước Tây. Những điểm du lịch, nhà hàng... cũng đặt các loại xuồng vừa và lớn dùng để trưng bày trái cây, rộng cá để hấp dẫn khách.


Hiện nay, đơn đặt hàng nhiều hơn nên ông Tốt và 5 người thợ khác phải làm việc cực lực để mỗi ngày cho ra 2 sản phẩm

Hiện nay, đơn đặt hàng nhiều hơn nên ông Tốt và 5 người thợ khác phải làm việc cực lực để mỗi ngày cho ra 2 sản phẩm

Ông Trần Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Long Hậu, cho biết: Chủ trương của tỉnh và huyện đang khuyến khích phát triển du lịch miệt vườn, để trong những dịp lễ tết, du khách các nơi về Lai Vung thăm những vườn cây sai quả, thăm làng nghề đóng xuồng Bà Đài nhân tiện có thể mua một số đồ mỹ nghệ và những chiếc xuồng, ghe thu nhỏ của ông Tốt đang là lựa chọn số 1 của du khách.

Ngoài ra ông Hùng còn cho biết, hiện trên địa bàn xã có 68 cơ sở đóng, xuồng, ghe hoạt động mạnh, cung cấp cho thị trường khoảng 1.500 chiếc/năm. Tuy nhiên, số lượng này đã giảm đi nhiều so với những năm trước đây. Việc làm các sản phẩm xuồng, ghe Bà Đài thu nhỏ của ông Nguyễn Văn Tốt đã mở ra một hướng đi mới cho làng nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường, đem lại nguồn thu nhập khá, ổn định cho người thợ làng nghề, cũng là góp phần lưu giữ, phát triển làng nghề truyền thống của quê hương.

Nguyễn Hành