Đồng USD mất giá "thảm" vì chính phủ Mỹ đóng cửa

(Dân trí) - Việc chính phủ Mỹ đóng cửa, cùng những lo lắng về khả năng nới trần nợ công của nước này hôm qua đã khiến đồng USD sụt giá mạnh nhất so với euro 8 tháng qua. Các CEO của phố Wall thì đồng loạt cảnh báo Nhà Trắng hậu quả việc nước Mỹ vỡ nợ.

Việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong ngày thứ hai liên tiếp, do mâu thuẫn của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về ngân sách cho năm tài khóa mới bắt đầu từ ngày 1/10, đã tiếp tục làm suy giảm lòng tin của thị trường đối với đồng bạc xanh và các thị trường tài chính khác.

Đồng bạc xanh mất giá do niềm tin của thị trường giảm sút
Đồng bạc xanh mất giá do niềm tin của thị trường giảm sút

Trong đêm qua có thời điểm 1 euro đổi được 1,3580 USD, tăng so với mức 1,3527 USD cuối ngày thứ Ba.

Trong khi đó, đồng Yên Nhật đã tăng giá so với USD bất chấp những lo ngại rằng việc tăng thuế tiêu dùng mới có thể làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế của nước này. 1 USD chỉ còn đổi được 97,38 Yên so với mức 97,94 Yên trước đây. Đồng Yên cũng tăng giá so với đồng euro, từ mức 1 euro đổi 132,51 Yên lên còn 132,21 Yên.

Mọi sự chú ý của thị trường đang dồn về Washington, nơi những tranh cãi kéo dài về ngân sách có khả năng ảnh hưởng tới việc nầng trần nợ công của chính phủ Mỹ, một điều cần thiết để bù đắp khoản thâm hụt ngân sách mỗi tháng khoảng 60 tỷ USD.

Bộ tài chính Mỹ và Nhà Trắng đã cảnh báo rằng nếu trần nợ công không được tăng lên từ mức 16.700 tỷ USD hiện nay trước ngày 17/10, nước Mỹ sẽ bị buộc phải ngừng trả nợ. Bất chấp điều đó, các nghị sỹ đảng Cộng hòa vẫn dọa bác bỏ việc này nhằm buộc chính quyền của Tổng thống Obama phải nhượng bộ chính trị.

Phố Wall cảnh báo Nhà Trắng

Những bế tắc chính trị tại Washington đang tác động trực tiếp tới thị trường tài chính nước này khi trong ngày hôm qua toàn bộ 3 chỉ số chứng khoán chính đều sụt giảm.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 58,56 điểm, tương đương 0,39%, còn 15.133,14 điểm. S&P 500 giảm 0,07%, còn 1693,87 điểm. Sàn Nasdaq cũng sụt 0,08%.

Lãnh đạo các ngân hàng Mỹ tới Nhà Trắng để họp bàn với chính phủ
Lãnh đạo các ngân hàng Mỹ tới Nhà Trắng để họp bàn với chính phủ Mỹ

Trong ngày hôm qua, CEO các ngân hàng và hãng bảo hiểm lớn nhất nước Mỹ đã có cuộc họp với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng để cảnh báo nguy cơ sự phục hồi của kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nếu các nghị sỹ không chịu tăng trần nợ công.

Phát biểu sau cuộc họp, CEO Lloyd Blankfein của ngân hàng Goldman Sachs cho biết: “Tất cả đều thống nhất rằng chúng ta không nên làm bất kỳ điều gì gây tổn hại cho sự phục hồi hiện nay. Họ (các nghị sỹ) không nên xem việc đe dọa khiến chính phủ Mỹ không thể thực hiện nghĩa vụ trả nợ như một cây gậy”

Cuộc gặp trên do Diễn đàn dịch vụ tài chính, một tổ chức có trụ sở tại Washington, đại diện cho CEO của các ngân hàng lớn nhất phố Wall, và là một phần trong nỗ lực của chính quyền ông Obama nhằm sử dụng cộng đồng doanh nghiệp như một đòn bẩy để phá vỡ thế bế tắc.

Trước đó nhóm các CEO đã có cuộc gặp với các nghị sỹ và nhân viên của đảng Cộng hòa, trong đó có nhân vật cao cấp thứ 3 trong Hạ viện Mỹ.

Ông Blankfein khẳng định các CEO đều có quan điểm “phi chính trị” và không đứng về phía nào trong cuộc khủng hoảng hiện tại. “Việc chính phủ đóng cửa đã từng có tiền lệ, nhưng việc nước Mỹ phá sản là chưa hề có”, vị CEO của Goldman Sachs nói. “Chúng tôi thực sự chưa từng chứng kiến điều này và tôi không mong muốn trở thành một phần trong qua trình chứng kiến điều này”.

Các lãnh đạo giới tài chính Mỹ được cho là có tiếng nói nhất định với các nghị sỹ đảng Cộng hòa tại quốc hội Mỹ. Bởi trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012, các công ty chứng khoán và đầu tư chính là nguồn cung cấp tiền lớn nhất cho chiến dịch tranh cử của đảng Cộng hòa.

Tổng cộng, chiến dịch của chủ tịch Hạ viện John Boehner đã nhận được 1,4 triệu USD quyên góp từ giới tài chính, so với con số 180.600 USD năm 2008. Trong khi đó nghị sỹ Eric Cantor, lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện cũng nhận được 908.900 USD, tăng mạnh so với mức 222.000 USD trước đó 4 năm.

Thanh Tùng
Tổng hợp