Dòng tiền lớn vẫn đổ vào thị trường

(Dân trí) - Sau phiên điều chỉnh giảm hôm qua, sáng nay 16/4, thị trường đã đảo chiều tăng điểm trở lại với giao dịch vẫn duy trì ở mức cao trên cả 2 sàn. Nhà đầu tư vẫn tiếp tục kỳ vọng vào sự tăng trưởng của chứng khoán.

 
Dòng tiền lớn vẫn đổ vào thị trường - 1
Tăng mạnh trở lại sau phiên giao dịch kỷ lục (ảnh: Hữu Nghị).
 
Ngay trong đợt 1, các cổ phiếu dẫn dắt thị trường đã tăng khá mạnh trở lại kéo Vn-Index tăng mạnh 6,9 điểm với khối lượng giao dịch duy trì ở mức rất cao gần 10 triệu đơn vị.

Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, nhiều mã cổ phiếu có mức vốn hóa lớn lại quay đầu về giá tham chiếu và dao động quanh mức giá này đã khiến Vn-Index có phần “chao đảo”.

Tuy nhiên sức mua ở các mã này vẫn rất tốt và kết thúc phiên hầu hết đều tăng giá trở lại giúp Vn-Index có phiên đảo chiều tăng 4,59 điểm (tương đương tăng 1,35%) lên 343,88 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch hôm nay dù giảm mạnh so với phiên kỷ lục ngày hôm qua nhưng vẫn đứng ở mức rất cao, toàn thị trường có 45,420 triệu đơn vị giao dịch trị giá 1.195 tỷ đồng.

Trong tổng số 181 mã niêm yết trên HoSE, số mã tăng giá đã chiếm ưu thế khi có tới 114 mã tăng giá với 66 mã tăng trần, 51 mã giảm giá trong đó có 16 mã giảm sàn và còn lại là 16 mã đứng giá.

Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn nhất sàn, ngoại trừ HAG giảm sàn 3.000 đồng xuống 63.500 đồng/CP và PVD đứng giá, các mã còn lại đều tăng.

Hai đầu tầu SSI và STB phiên này vẫn tiếp tục gây ấn tượng khi kết thúc phiên tiếp tục tăng giá trần với dư mua lớn. STB tăng trần 1.100 đồng và SSI tăng trần 1.100 đồng. Phiên này cả 4 chứng chỉ quỹ đều tăng kịch trần.

Một số blue-chips khác cũng tăng giá khá tốt trong phiên này như REE, ITA, GMD, PVT, RAL, SAM, BCI, trong đó SAM và BCI tiếp tục trong tình trạng khan hàng khi bên bán vẫn chưa chịu bán ra, khối lượng dư mua ở cả 2 mã này kết thúc phiên lên tới hàng triệu cổ phiếu. Cụ thể, BCI có dư mua 2,11 triệu đơn vị và SAM có dư mua 2,21 triệu đơn vị.

Về khối lượng giao dịch, STB vẫn có thanh khoản vượt trội với 8,19 triệu cp, tiếp theo là chứng chỉ quỹ VF1 với 2,18 triệu ccq, PVT với 2,06 triệu cp, HPG với 1,68 triệu cp, SSI với 1,61 triệu cp…

Bên sàn Hà Nội, Hastc-Index đóng cửa với mức tăng 1,56 điểm lên 129,45 điểm. Các nhà đầu tư đã tỏ ra thận trọng hơn khi đặt lệnh mua trong phiên giao dịch sáng nay.

Trong khi đó lượng bán ra hơn 100 triệu cổ phiếu trong 2 phiên trước chưa về đến tài khoản các nhà đầu tư mới. Cung cầu cân bằng khiến thị trường không còn tăng nóng như các phiên trước.

Khối lượng giao dịch trong phiên này đạt 21,346 triệu cổ phiếu, tương đương 606,49 tỷ đồng. Đóng cửa, có 102 mã giảm giá, 49 mã tăng giá và 19 mã đứng giá.

Các cổ phiếu giao dịch mạnh nhất phiên này là ACB (5,8 triệu cp), KLS (2,24 triệu cp), BCC (1,33 triệu cp), PVS (1,15 triệu cp), VCG (714.000 cp). Trong đó ngoài ACB và KLS tăng lần lượt 800 đồng và 1.500 đồng, ba mã còn lại đều giảm điểm.

Trong khi đó, các cổ phiếu có dư mua trần đến cuối phiên là VSP (hơn 1 triệu đơn vị), BVS (500.000 cp), HPC (600.000 cp), TLC (800.000 cp), CSG (900.000 CP), KLS…

Các cổ phiếu bị bán sàn vào cuối phiên là CCM, NBC, PVC, PVA, SJM, VCS…

Mặc dù trải qua một phiên điều chỉnh mạnh với khối lượng cổ phiếu đạt kỷ lục mới nhưng nhà đầu tư vẫn giữ được tâm lý khá lạc quan khi đà giao dịch mạnh mẽ vẫn được duy trì trong phiên giao dịch sáng nay.

Rõ ràng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang được nhà đầu tư kỳ vọng lớn cho đợt sóng mới, do đó một luồng tiền lớn vẫn tiếp tục chảy vào thị trường.

Thanh Tú - Phương Mai