Đồng Tháp đóng góp gần một nửa kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước
(Dân trí) - Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước ước đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với năm 2021. Trong đó, Đồng Tháp đã đóng góp gần một tỷ USD.
Lễ hội Cá tra lần I năm 2022 với chủ đề "Vươn ra biển lớn" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức diễn ra từ ngày 16 đến 17/12 tại TP Hồng Ngự. Đây là hoạt động nhằm quảng bá, tri ân nghề nuôi cá tra, đồng thời góp phần thúc đẩy ngành hàng cá tra phát triển.
Cá tra được nuôi từ khá lâu, nhưng suốt thời gian dài đây chỉ là một loại thực phẩm bán tại các chợ quê. Cuối năm 1990, khi thị trường mở cửa, doanh nghiệp chú ý và giới thiệu với đối tác nước ngoài, từ đó cá tra đã từ ao làng vươn ra thị trường thế giới.
Đến nay, sản phẩm cá tra đã có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang về giá trị trên 2 tỷ USD xuất khẩu hàng năm. Trong năm 2022, với kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước ước đạt trên 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với năm 2021. Trong đó, Đồng Tháp đã đóng góp gần một tỷ USD.
Phát biểu khai mạc Lễ hội Cá tra vào tối 16/12, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng lễ hội không chỉ mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm thú vị mà còn ghi nhận sự đóng góp của ngành hàng cá tra trong nền kinh tế của địa phương và khu vực.
"Lễ hội Cá tra còn góp phần giới thiệu và tôn vinh hình ảnh, sản phẩm cá tra, ngành nghề truyền thống của địa phương, khẳng định giá trị, nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu cá tra Việt Nam nói chung và Đồng Tháp nói riêng. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp, nông dân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin thị trường, khoa học kỹ thuật và thiết bị công nghệ ứng dụng trong ngành thủy sản", ông Phạm Thiện Nghĩa cho hay.
Tại lễ hội, nhiều doanh nghiệp, nông dân và lãnh đạo nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long quan tâm đến Hội thảo về chuỗi nuôi trồng, tiêu thụ, ký kết hợp tác và Hội thảo ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, thúc đẩy liên kết chuỗi cá tra.
Nói về ứng dụng khoa học, công nghệ trong ngành hàng cá tra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng để phát triển ngành hàng cá tra ở ĐBSCL cần khắc phục những hạn chế về thiếu hụt nguồn giống cá tra bố mẹ chất lượng cao, tỷ lệ cá tra sống khi ương dưỡng từ giai đoạn bột đến cá giống còn thấp, chất lượng con giống chưa được kiểm soát tốt.
Việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, thúc đẩy liên kết chuỗi cá tra theo hướng ổn định cũng được kiến nghị thực hiện.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định cá tra là sản phẩm quốc gia và được đưa vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, hướng nâng cao chất lượng, giá trị và kim ngạch xuất khẩu, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu dự hội nghị nhận ra rằng việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào các khâu trong quá trình sản xuất, chế biến cá tra góp phần cải thiện quy trình nuôi đáp ứng khối lượng hàng hóa lớn, có giá trị cao giải quyết các vấn đề về kiểm soát môi trường, giảm chi phí sản xuất, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành hàng cá tra.
Tại Lễ hội Cá tra lần đầu tiên tổ chức tại Đồng Tháp, nhiều hoạt động ý nghĩa đã diễn ra như thả cá ra tự nhiên, hội thi ẩm thực cá tra, tặng kỷ niệm chương cho các cá nhân, tổ chức có đóng góp thiết thực cho sự phát triển của thành phố Hồng Ngự và ngành hàng cá tra…