Đồng ruble đang vận động theo hướng nào?
(Dân trí) - Khác với các dự báo ban đầu, người ta tưởng với sự trừng phạt của Mỹ và phương Tây, cùng với giá dầu giảm sâu, thế giới sẽ phải chứng kiến sự sụp đổ của nền tài chính Nga. Tuy nhiên, trên thực tế kịch bản “tồi tệ” đã không xẩy ra.
Ngày 31/7/2015, Ngân hàng trung ương Nga (CBR) đã quyết định giảm lãi suất tối đa từ 11,5% xuống còn 11%, trong bối cảnh đồng ruble đã giảm giá mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua (61,09 ruble/1 USD) do giá dầu thế giới tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, trước đó đồng ruble đã được tờ nhật báo Vedomosti (Nga) đánh giá là “tăng giá mạnh nhất kể từ đầu thập niên cuối của thế kỷ XX”, với mức tăng 11,5% so với đồng USD (1 USD/61,7 ruble) và 13,2% so với đồng euro, khiến giới nghiên cứu tài chính và dư luận có những nhận định khác nhau.
“Ngôi sao” đổi ngôi…
CBR đã buộc phải đưa ra quyết định kìm hãm đà tăng giá quá nhanh của đồng nội tệ. Vì theo lời nhận xét của tờ Washington Post, thì đồng ruble đã bất ngờ trở thành một trong những “ngôi sao” trên các thị trường tiền tệ trong năm 2015 khi tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2013 so với đồng USD và euro.
Nếu như hồi tháng 12/2014 đồng ruble rơi xuống 79 ruble/1 USD thì vào cuối quý II năm nay đồng nội tệ Nga lại được giao dịch ở mức 49 ruble/1 USD. Theo chỉ số JPMorgan thì đồng ruble là đồng tiền thể hiện tốt nhất trên các thị trường mới nổi và toàn cầu tính tới thời điểm tháng 6 năm 2015.
Thị trường chứng khoán Nga, vốn lao dốc trong năm 2014, thì năm 2015 lại tăng mạnh tới 25%. Đây là một dấu hỏi lớn trong bối cảnh Nga đang phải đối mặt với kịch bản suy thoái kinh tế do gặp nhiều trở ngại trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, những hiệu ứng trái triều như: lạm phát được kiềm chế, nhưng hàng xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn; thâm hụt ngân sách cũng nặng nề hơn, nhưng đồng tiền của Nga lấy lại được vị thế, tăng niềm tin của giới đầu tư trong và ngoài nước, mặc dù chi tiêu của Chính phủ bị eo hẹp hơn.
Tuy nhiên, những ngày cuối của tháng 7, “ngôi sao” ruble “đổi ngôi” - giảm giá mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 4 tháng kể từ đầu quý II/2015, từ 49 ruble/1 USD xuống còn 61,09 ruble/1 USD.
CBR điều hành lãi suất…
Trong quý I năm nay, CBR đã tăng lãi suất chủ chốt lên mức kỷ lục nhằm giúp đồng ruble không bị sụp đổ trên thị trường tiền tệ quốc tế, trong bối cảnh đồng nội tệ Nga đang gặp khó khăn, phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của phương Tây, tỷ lệ tín dụng giảm mạnh, dòng vốn FDI ngưng trệ, giá dầu và các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga đồng loạt lao dốc… buộc Nga phải có đối sách quyết liệt.
Ngày 31/7, CBR lại giảm lãi suất tối đa xuống còn 11%, có thể coi là động thái chiến lược trong điều hành vĩ mô nền kinh tế. Trước đó, ngày 8/5 Nga đã triển khai biện pháp tài chính “hướng Đông” trong quan hệ với Trung Quốc đưa lại cho Nga 25 tỷ USD tín dụng và 19,7 tỷ USD đầu tư cho tuyến đường sắt nối Moscow và thành phố Kazan hoàn thành vào năm 2020.
Hồi cuối năm 2014, Nga được xem là một trong những địa điểm không nên đầu tư nhất. Nhưng dư luận không khỏi ngạc nhiên khi quỹ đầu tư Neptune Russia & Greater Russia, do Robin Geffen quản lý vẫn tiếp tục đầu tư vào thị trường này và trong năm nay dự kiến sẽ đạt lợi nhuận khoảng 17%.
Vào cuối năm 2014, CBR đã đi nước cờ mạnh bạo nâng lãi suất chủ chốt lên mức 17% nhằm đối phó với lạm phát tăng cao. Giới chuyên gia tài chính cho rằng CBR thực sự đã xử lý lãi suất một cách rất thành công. Nay họ lại cắt giảm dần trong thời gian còn lại của năm, và dự đoán có thể xuống mức 5%.
Nga còn chủ trương không tăng trưởng GDP trong năm nay và chỉ đề xuất tăng trưởng 1% vào năm năm 2017. Nhưng theo các chuyên gia dự báo thì kinh tế Nga sẽ tăng trưởng khoảng 2% trong năm 2016 và 3% trong năm 2017.
“Kịch bản tồi tệ nhất đã không xẩy ra, đồng ruble tăng giá mạnh là niềm tự hào của dân tộc Nga”.
Về sự bất lợi của giá dầu, một số chuyên gia vẫn có nhận định khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau: “dầu giảm giá không bất lợi cho các doanh nghiệp Nga, vì khi giá dầu giảm, đồng ruble mất giá giúp bù đắp sự suy giảm lợi nhuận của các công ty ở mức độ nhất định. Chi phí của doanh nghiệp dầu khí trong khi đồng nội tệ suy yếu được bù lại bằng khoản thu từ người mua nước ngoài sở hữu các đồng tiền mạnh”. Và vì thế, “số phận của Nga không hoàn toàn dựa trên giá dầu”.
Giới phân tích còn dự báo xu hướng mua các công ty với tầm nhìn từ 3 đến 5 năm và khi các chỉ số cơ bản tự tái khẳng định và thị trường chứng khoán Nga có giá trị rất tốt dựa trên hầu hết các chỉ số. Đây lại là cơ hội trên thị trường mà chỉ có các nhà đầu tư có chiến lược dài hạn mới tiếp cận được.
Điều “tồi tệ” đã không xẩy ra
“Kịch bản tồi tệ nhất đã không xẩy ra, đồng ruble tăng giá mạnh là niềm tự hào của dân tộc Nga”. Đó là tuyên bố của Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Igor Shuvalov.
Thật vậy, đà phục hồi diễn ra sau khi đồng ruble đã mất 40% giá trị so với đồng USD hồi tháng 12 năm ngoái. Sự ổn định tương đối của đồng nội tệ Nga đã xóa tan những đồn đoán cho rằng kinh tế nước này đang trên đà sụp đổ.
Ông Alexei Devyatov, nhà kinh tế trưởng tại quỹ đầu tư UralSib Capital ở Moscow nhìn nhận. Đồng ruble đã lấy lại giá trị ngay sau khi các nhà lãnh đạo Nhóm Normandy ký Thỏa thuận Misnk 2 (12/2) và tiếp tục tăng giá những ngày sau đó, với việc giao tranh ở miền Đông Ukraine hạ nhiệt.
Sức ép không quá lớn từ các khoản nợ nước ngoài cũng là tiền đề thuận lợi đưa tới sự hồi phục đồng ruble. Điều này sẽ giúp kiềm chế lạm phát, song cũng là một vấn đề đáng lo ngại đối các ngành sản xuất trong nước của Nga khi hàng hóa nhập khẩu trở nên rẻ hơn.
Các ngành kinh tế tại khu vực sản xuất vật liệu xây dựng và các công ty dầu mỏ cũng tận dụng lợi thế này, khi họ bán sản phẩm để thu về USD và kiếm được nhiều hơn khi quy đổi ra đồng Ruble, qua đó giải tỏa các sức ép tài chính.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đồng Ruble bắt đầu tăng giá trở lại, CBR lại phải bắt đầu can thiệp vào các thị trường để ngăn chặn nguy cơ đồng Ruble quá mạnh vào thời điểm hiện nay.
Sergei Guriev, chuyên gia kinh tế Nga nhận định: “Nhập khẩu giảm do sự suy yếu của đồng Ruble và ngược lại khi đồng Ruble mạnh lên, giá hàng hóa nhập khẩu sẽ rẻ hơn.” Đối với đa số người dân, đồng Ruble giảm giá sẽ đẩy lạm phát lên, vì thế sự phục hồi đồng nội tệ là điều đáng khích lệ.
Mặt khác, Nga muốn tránh đồng Ruble biến động quá mức, khi điều này tạo ra các khó khăn cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Một số nhà kinh tế dự đoán tỷ giá đồng Ruble sẽ duy trì ở ngưỡng 50-55 Ruble đổi 1 USD trong năm 2015 là phù hợp.
Như vậy, khác với các dự báo ban đầu, người ta tưởng với sự trừng phạt của Mỹ và phương Tây, cùng với giá dầu giảm sâu, thế giới sẽ phải chứng kiến sự sụp đổ của nền tài chính Nga. Tuy nhiên, trên thực tế kịch bản “tồi tệ” đã không xẩy ra. Đồng ruble không những không bị đổ vỡ mà lại trở thành “ngôi sao” trên thị trường tài chính toàn cầu và trong tương lai không xa đồng ruble sẽ trở lại vị thế của mình trên trường quốc tế, mặc dù đồng ruble có thể “đổi ngôi” dao động ở mức mà CBR có thể kiểm soát được./.
Nguyễn Nhâm