Đồng NDT vào giỏ tiền tệ IMF: Khi Mỹ không vui...

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Quý, nếu đồng NDT vào giỏ tiền tệ IMF thì đây không phải bước phát triển mạnh trong quá trình quốc tế hoá đồng NDT.

Chỉ có ý nghĩa biểu tượng?

Số phận đồng nhân dân tệ trong giỏ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sắp được quyết định khi IMF tiến hành thảo luận về việc có hay không đưa đồng tiền Trung Quốc vào giỏ tiền tệ tạo thành tài sản dự trữ quốc tế của IMF, hay quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của quỹ này.

Giỏ tiền tệ này hiện gồm đồng USD của Mỹ, đồng yen Nhật Bản, euro của Eurozone và bảng Anh. Dự kiến, kết luận cuối cùng sẽ được vào cuối năm nay.

Nhìn nhận động thái này, PGS.TS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, việc đồng nhân dân tệ tham gia vào giỏ tiền tệ của IMF là một xu thế tất yếu, trong Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung diễn ra hồi tháng 6/2015, Mỹ cũng đã đồng ý về nguyên tắc việc này.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Quý, nếu đồng nhân dân tệ được đưa vào giỏ tiền tệ của IMF thì điều này chỉ có ý nghĩa về mặt biểu tượng

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Quý, nếu đồng nhân dân tệ được đưa vào giỏ tiền tệ của IMF thì điều này chỉ có ý nghĩa về mặt biểu tượng

"Ví dụ, khi Trung Quốc thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Mỹ đã định cô lập Trung Quốc nhưng cuối cùng do thực lực, Trung Quốc đã lôi kéo được các đồng minh của Mỹ, trừ Nhật Bản. Thậm chí Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF cũng tuyên bố sẽ hợp tác với Trung Quốc, coi AIIB là sự bổ sung cho trật tự tiền tệ quốc tế.Lý giải sự thay đổi thái độ của Mỹ khi từ trước tới nay Washington công khai gây áp lực để không đưa đồng tiền Trung Quốc vào giỏ tiền tệ của IMF, PGS Quý cho rằng, điều này liên quan tới tương quan lực lượng về đồng tiền và của Mỹ-Trung trong trật tự kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh đó, nếu một mình Mỹ cô lập Trung Quốc thì bản thân Mỹ sẽ bị cô lập. Mỹ sẽ không chỉ huy được đồng minh châu Âu vì họ đã bắt tay với Trung Quốc. Mâu thuẫn và đấu tranh về tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục nhưng không phải với thái độ, lập trường cứng nhắc như trước mà nó tuỳ thuộc vào tình thế. Nếu Mỹ cứng nhắc sẽ dẫn đến tình trạng ách tắc trong một số quan hệ tiền tệ với Trung Quốc nói riêng và quốc tế nói chung. Chưa kể các nước đồng minh của Mỹ vì quyền lợi của mình cũng sẽ không ủng hộ Mỹ", PGS Quý nhận xét.

Về phía Trung Quốc, theo PGS Quý, khi nền kinh tế mạnh lên, nước này cũng có nhiều động thái nhằm tăng vị trí của đồng nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế. Trước kia, trong quan hệ song phương Mỹ-Trung, vấn đề tiền tệ không xáo động như hiện nay. Trung Quốc có khoảng 4.000 tỷ USD ngoại tệ dự trữ, trong đó hơn 2/3 là đồng USD, Trung Quốc gửi vào trái phiếu chính phủ Mỹ khoảng 1.100 tỷ USD.

Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc đã thực hiện quá trình đa dạng hoá ngoại tệ dự trữ, đồng USD chỉ còn chiếm khoảng 850 tỷ trong ngân khố Trung Quốc. Bắc Kinh bán USD ra, dùng số tiền đó đầu tư vào các thị trường khắp thế giới, gửi vào các ngân hàng như AIIB, BRICS... Nhiều quốc gia, khu vực có quan hệ chặt chẽ với kinh tế thương mại Trung Quốc và cùng với quá trình đó, Trung Quốc đã thông qua đàm phán ký kết các hiệp định hoán đổi tiền tệ song phương để tránh phụ thuộc vào đồng USD.

Cho tới nay, nhiều quốc gia châu Âu cũng đã bày tỏ nhất trí để đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ của IMF. Cụ thể, vào cuối tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã đồng ý về nguyên tắc đưa nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ của IMF sau khi hoàn thành đánh giá về kỹ thuật. Quyết định này của G7 đồng nghĩa với việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã đạt được sự công nhận quốc tế.

Theo PGS Quý, động thái của nhiều nước châu Âu xuất phát từ chính lợi ích của họ bởi các nước có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc, muốn có sự trao đổi trực tiếp giữa đồng nội tệ hai nước để tránh sự dao động tỷ giá của đồng USD.

"Việc đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền mạnh, có thể tự do chuyển đổi là xu thế tất yếu, chỉ là vấn đề thời gian. Việc đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ của IMF có hai đặc điểm:

Thứ nhất, đồng nhân dân tệ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng lưu lượng tiền tệ quốc tế.

Thứ hai, nó chỉ trong phạm vi IMF, không phải là  quan hệ thương mại giữa các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Do đó, nếu đồng nhân dân tệ được đưa vào giỏ tiền tệ của IMF thì điều này chỉ có ý nghĩa về mặt biểu tượng chứ không đánh dấu một bước phát triển mạnh trong quá trình quốc tế hoá đồng nhân dân tệ", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc đánh giá.

Sức mạnh của đồng USD sẽ giảm sút

Với vai trò mỗi lúc một lớn trong thương mại và đầu tư quốc tế của đồng nhân dân tệ, địa vị của đồng USD đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng.

PGS.TS Nguyễn Huy Quý lý giải, vào giai đoạn chưa xuất hiện đồng euro, đồng USD chiếm vị thế hầu như tuyệt đối trong giao dịch tiền tệ quốc tế. Sau khi xuất hiện đồng euro, vai trò của USD bị giảm sút và đến bây giờ, dù đồng nhân dân tệ chưa phải là một đồng tiền mạnh, có thể tự do chuyển đổi nhưng đó là xu thế tất yếu, vai trò của USD sẽ tiếp tục bị giảm sút.

"Đồng nhân dân tệ nếu muốn chuyển đổi phải thông qua hiệp định hoán đổi song phương được ký kết giữa hai nước chứ không thể tự do chuyển đổi trên thị trường quốc tế. Nhưng một ngày nào đó, có thể là một thập kỷ tới, đồng nhân dân tệ sẽ trở thành đồng tiền mạnh và trên thế giới sẽ có một trung tâm tiền tệ mới. Nhưng kể cả đến lúc đó, không có nghĩa đồng nhân dân tệ sẽ thay thế vị trí của đồng USD, nếu có thì cũng ở một tương lai lâu dài chưa thể dự báo được.

Nếu có tương lai đó sẽ có 2 mức: Thứ nhất, đồng nhân dân tệ vượt qua đồng USD trở thành đồng tiền có vị trí chủ đạo trên thương trường quốc tế, đồng USD cũng sẽ xuống từng mức. Trước kia đồng USD quán xuyến hầu như toàn bộ tiền tệ quốc tế nhưng đến lúc nào đó, đồng USD bị chia sẻ bởi các đồng tiền khác.

Thứ hai, mức cao nhất là một đồng tiền nào đó, như euro hoặc nhân dân tệ, bảng Anh hay yen Nhật thay USD chiếm vị trí chủ đạo trong giao lưu thương mại quốc tế.

Mục tiêu của Trung Quốc là chuyển đổi chức năng của đồng nhân dân tệ, tiến tới có thể thay thế được đồng USD, chiếm vị trí chủ đạo trong thương trường quốc tế nhưng đạt được hay không không ai biết được, đó không phải là xu thế tất yếu. Quá trình chuyển đổi tiền tệ của Trung Quốc cũng phù hợp với ý đồ của lãnh đạo nước này, đó là thay Mỹ lãnh đạo thế giới. Lãnh đạo Trung Quốc cũng biết rằng không phải ngay một lúc có thể thay Mỹ được.

Theo ý đồ chủ quan của Trung Quốc, quá trình Bắc Kinh thay Mỹ lãnh đạo thế giới sẽ trải qua 3 bước: Thứ nhất, cùng Mỹ tham gia lãnh đạo thế giới. Thứ hai, bình đẳng với Mỹ trong việc tham gia lãnh đạo thế giới. Thứ ba, thay Mỹ giữ vị trí lãnh đạo thế giới. Lộ trình để đồng nhân dân tệ cạnh tranh với đồng USD cũng được Trung Quốc  tiến hành đồng thời với 3 giai đoạn của quá trình trên", ông Quý phân tích.

Theo Thành Luân
Đất Việt

Đồng NDT vào giỏ tiền tệ IMF: Khi Mỹ không vui... - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm