Đông Nam Á trong chiến lược xe hơi Nhật Bản

Công nghiệp xe hơi Nhật Bản đang bước vào thời hoàng kim: Trong khi các đại gia như General Motors, Ford Motor chật vật với những kế hoạch giảm lỗ thì các công ty Toyota, Honda, Nissan liên tục công bố những con số lợi nhuận khổng lồ. Đây là lần đầu tiên họ giành được vị trí dẫn đầu thị trường thế giới.

Thành quả ấy không đơn giản là do giá xăng dầu tăng cao khiến các loại xe ít tiêu hao nhiên liệu của Nhật được ưa chuộng mà chủ yếu nhờ các tập đoàn xe hơi Nhật Bản theo đuổi chiến lược quốc tế hóa sản xuất trong nhiều thập kỷ qua, trong đó Đông Nam Á ngày càng có vai trò quan trọng.

 

Theo Hiệp hội Xe hơi Nhật Bản, trong năm tài chính 2005 kết thúc cuối tháng 3 vừa qua, số xe hơi mà các công ty Nhật Bản sản xuất ở nước ngoài đã lần đầu tiên vượt qua số xe sản xuất trong nước: 10,93 triệu chiếc so vo với 10,89 triệu chiếc, tăng 10,6% so với năm trước. Ngoài ra, Nhật còn xuất khẩu hơn 50% số xe sản xuất ở Nhật, chủ yếu là những dòng xe sử dụng công nghệ cao.

 

Trong dịp tham quan cơ ngơi của Toyota tại thành phố Nagoya năm ngoái, người viết bài này cũng nhận được thông tin rằng, công nghệ sản xuất xe hơi có trình độ trung bình đã được Toyota chuyển giao hoàn toàn cho các nhà máy ở Đông Nam Á và Trung Quốc; 12 nhà máy Toyota tại khu vực Nagoya chỉ tập trung vào những dòng xe công nghệ cao và thân thiện với môi trường.

 

Ở Đông Nam Á, Thái Lan từng bước trở thành nhà sản xuất và cung cấp phụ tùng xe hơi hàng đầu. Ngày 20/7 vừa qua, Nissan Motor công bố kế hoạch thiết lập căn cứ xuất khẩu phụ tùng xe hơi ở cảng Laem Chang, cách thủ đô Bangkok 130 km về phía đông nam.

 

Linh kiện, phụ tùng do 94 nhà máy địa phương sản xuất theo thiết kế của Nissan được tập trung về đây để xuất khẩu ra 15 nước trong và ngoài ASEAN; ví dụ thân xe và nội thất xuất sang Mexico, động cơ xuất sang Nam Phi cho các nhà máy lắp ráp.

 

Căn cứ xuất khẩu này dự kiến hoạt động vào tháng 1/2007, xuất khẩu mỗi năm khoảng 300 triệu đô la và là căn cứ lớn nhất của Nissan ngoài nước Nhật. Một căn cứ tương tự sẽ được Nissan triển khai ở Indonesia vào tháng 8/2007.

 

Ông Yasuaki Hashimoto, Phó chủ tịch Nissan, khẳng định căn cứ Laem Chang nằm trong chiến lược toàn cầu của Nissan với tư cách nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng xe hơi lớn nhất thế giới.

 

Hồi đầu tháng 7, Toyota Motor cử một lực lượng đặc nhiệm (task force) từ Nhật sang Thái Lan thiết lập và điều hành một công ty hỗ trợ sản xuất với mục đích cải tiến tốc độ và hiệu năng của các nhà máy Toyota tại Đông Nam Á.

 

Chiến lược của Toyota từ năm 2004 đã lấy Thái Lan và Indonesia làm cơ sở sản xuất để cung cấp cho châu Âu, Trung Đông và các khu vực khác, trừ Nhật Bản.

 

Để hỗ trợ sản xuất, Toyota đã có trung tâm nghiên cứu phát triển tại Thái Lan, trung tâm phân phối tại Singapore; nay với sự ra đời của một công ty chuyên hỗ trợ sản xuất, Toyota sẽ điều phối nhuần nhuyễn hơn hoạt động của các nhà máy trên toàn khu vực.

 

Xu hướng tập trung vào Đông Nam Á của các tập đoàn xe hơi Nhật phản ánh sự cải tiến về chất lượng mà các nhà sản xuất địa phương đạt được. Theo Keiji Shimada, chủ tịch Nissan châu Á-Thái Bình Dương, sự tinh thông về công nghệ chế tạo của khu vực này đã bắt kịp tiêu chuẩn quốc tế.

 

Việc cắt giảm thuế nhập khẩu phụ tùng xe hơi giữa các nước ASEAN, trừ Malaysia, xuống còn 0-5%  theo Hiệp định Tự do thương mại ASEAN (AFTA) đã góp phần biến khu vực này thành địa chỉ tối ưu cho hoạt động sản xuất, lắp ráp, giúp nhà sản xuất dễ dàng chọn lựa nguồn cung cấp linh kiện.

 

Ngoài ra, các hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương giữa Nhật và một số nước Đông Nam Á, chẳng hạn FTA Nhật Bản-Malaysia có hiệu lực từ ngày 13/7 vừa qua, giúp cho việc luân chuyển, trao đổi sản phẩm, bán thành phẩm giữa Nhật và khu vực trở nên hết sức thuận lợi.

 

Các tập đoàn xe hơi tận dụng tối đa thời cơ đó, nỗ lực xây dựng những hệ thống tích hợp từ nghiên cứu phát triển, sản xuất, lắp ráp và tiếp thị phân phối xe hơi toàn cầu ngay tại Đông Nam Á.

 

Toyota chẳng hạn, đã sản xuất thân xe và động cơ diesel ở Thái Lan, động cơ xăng ở Singapore, bộ truyền động và hộp số ở Philippines, hệ thống lái ở Malaysia. Trung tâm điều hành của Toyota tại Singapore điều phối việc cung cấp, vận chuyển linh kiện  giữa bốn quốc gia này và ra ngoài khu vực. Honda Motor cũng sử dụng một hệ thống cung cấp giữa bốn nước nói trên.

 

Một yếu tố có tác động lớn vào chiến lược này là sự trỗi dậy của ngành xe hơi Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc sản xuất 5,71 triệu xe hơi trong lúc cả ba nước Thái Lan, Indonesia và Malaysia gộp lại chỉ được 2,31 triệu chiếc.

 

Hiện thời xe hơi Trung Quốc chủ yếu cung ứng cho thị trường nội địa song sớm muộn họ cũng hướng tới xuất khẩu và khi ấy Đông Nam Á là thị trường đầu tiên mà các nhà tập đoàn xe hơi Trung Quốc nhắm vào.

 

Tình thế đó buộc các nước ASEAN phải nhanh chóng xây dựng cơ sở sản xuất, xuất khẩu phụ tùng xe hơi nếu không muốn thị trường của mình tràn ngập xe Trung Quốc khi Hiệp định Thương mại ASEAN-Trung Quốc có hiệu lực hoàn toàn.

 

Nằm giữa ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, giao thương thuận lợi cả bằng đường biển và đường hàng không song Việt Nam chưa có vai trò gì trong chiến lược xe hơi này dù các tập đoàn Toyota, Honda đã thiết lập nhà máy lắp ráp ở đây nhiều năm trước.

 

Quy mô thị trường nhỏ bé, nhất là thiếu hẳn ngành công nghiệp phụ trợ khiến công nghiệp xe hơi Việt Nam cứ loay hoay với việc lắp ráp thành phẩm từ linh kiện nhập khẩu.

 

Với AFTA, việc xuất nhập khẩu linh kiện phụ tùng trong nội bộ ASEAN trở nên hết sức thuận lợi thì thời cơ cho Việt Nam xây dựng một nền công nghiệp ôtô hoàn chỉnh, vươn lên phía thượng nguồn trên dây chuyền giá trị gia tăng, xem ra ngày càng xa!

 

Theo Huỳnh Hoa

TBKTSG/AP, Yomiuri Shimbun