“Đồng hồ đếm nợ công” - Việt Nam nên có?

(Dân trí) - Ở các nước phát triển, như Mỹ hay Nhật Bản, đồng hồ đếm nợ công rất được quan tâm và luôn hiển thị số nợ công được cập nhật theo thời gian thực. Ở Việt Nam, nợ công tuy được công bố nhưng cần chuẩn xác hơn.

Nợ công của nước ta vẫn ở ngưỡng an toàn

Đối với một nước đang phát triển như nước ta, nợ công là nguồn vốn quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội. Thống kê thời gian qua cho thấy, trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách Nhà nước cho chi đầu tư (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%).

Như vậy, có thể thấy nợ công có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội ở nước ta. Nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục… đã hoàn thành, phát huy hiệu quả và đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhiều công trình mới, góp phần thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, qua đó sẽ tăng thu ngân sách và bảo đảm được nguồn trả nợ.

Đồng hồ đếm nợ công ở Mỹ.
Đồng hồ đếm nợ công ở Mỹ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 

 

Hân hoan thời khắc chuyển giao năm mới

* Sẽ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh xăng E5

* Năm 2015 đã “gõ cửa”!

* Cho bán, chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước

* Rộn ràng trước thời khắc giao thừa

Theo quy định tại Luật Quản lý nợ công của nước ta, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Nói cách khác, đó là các khoản vay nợ của Chính phủ, UBND cấp tỉnh hoặc các khoản nợ của doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng vay trong nước, nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh.

Tuy vậy, trong vài năm qua, nợ công nước ta đã tăng nhanh, chiếm tỉ trọng lớn, có nguy cơ gây mất cân đối nền kinh tế, đe dọa an ninh tài chính quốc gia.

Trước vấn đề này, báo cáo thường kỳ của Chính phủ trước Quốc hội tháng 10-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Dù nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015, nhưng “mức nợ công này vẫn trong giới hạn quy định an toàn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội”.

Cũng theo Thủ tướng, theo kế hoạch đến năm 2016 nợ công sẽ tăng lên mức cao nhất là 64,9% GDP, các năm sau đó sẽ giảm dần, đến năm 2020 còn khoảng 60,2% GDP, nằm trong giới hạn quy định an toàn cho phép là không quá 65% GDP.

Như vậy, có thể thấy mức trần cho phép, mức nợ công bằng 60,3% GDP như hiện nay đã gần sát mức trần. Điều này càng gây ra áp lực trả nợ trong ngắn hạn cho quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn Chính phủ triển khai tại một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, trong đó có những vụ việc nghiêm trọng.

Do đó, các giải pháp Chính phủ đưa ra thời gian qua nhằm giảm áp lực nợ công thông qua cơ cấu lại các khoản nợ này với các giải pháp kỹ thuật như: Phát hành trái phiếu quốc tế với lãi suất giảm hơn so với khoản lãi suất trái phiếu trước đó, tăng cường dự trữ ngoại hối, can thiệp kịp thời vào các diễn biến tỷ giá trên thị trường, tăng cường quản lý đầu tư công, cắt giảm các hạng mục đầu tư công chưa cần thiết, chấn chỉnh hoạt động tài chính - ngân hàng… là những điểm sáng và là tín hiệu đáng mừng cho thấy Chính phủ đang nỗ lực kiểm soát và giảm áp lực nợ công lên nền kinh tế.

Minh bạch thông tin xử lý nợ công

Theo đồng hồ nợ công toàn cầu do Tạp chí The Economist công bố, tính đến thời điểm 9 giờ 30 phút ngày 1/10/2014, tổng nợ công của Việt Nam xấp xỉ 84,32 tỉ USD, chiếm 47,3% GDP, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Với dân số 90,96 triệu người, mỗi người dân Việt Nam hiện đang phải “gánh” 930,43USD nợ công, tức là khoảng 20 triệu đồng/người.

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Việt Nam nợ công bao nhiêu đều được công khai, song con số đã thực sự chuẩn chưa thì lại là chuyện khác.

Chính vì con số nợ công hiện còn quan ngại về tính xác thực cũng như cách tính, trong khi áp lực trả nợ là không thay đổi, do đó, việc tính toán sai nợ công sẽ khiến cho Chính phủ đưa ra các giải pháp và định hướng xử lý nợ công không kịp thời, đầy đủ. Người dân cũng không nhận thức được đầy đủ vấn đề nợ công đối với vận mệnh của đất nước và bản thân mỗi người dân cũng sẽ chưa ý thức được trách nhiệm gì khi mà vẫn đề nợ công không được truyền thông đầy đủ và kịp thời.

Do đó, hơn lúc nào hết chúng ta cần tính toán lại chính xác số đang nợ và phải trả theo tiến độ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Có như thế, chúng ta mới có con số chính xác về số nợ của quốc gia, từ đó mới có thể có những giải pháp và định hướng phù hợp, hiệu quả đối với từng khoản nợ, từng kỳ hạn… để từ đó có ý thức hơn trong việc tiết kiệm và chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu công.

Theo Thành Trung
Năng lượng Mới

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”