Đồng hành cùng bà con nông dân, thúc đẩy kinh tế hộ không ngừng phát triển

​Ra đời, đồng hành thủy chung cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chặng đường 30 năm dựng xây và phát triển của Agribank gắn liền với quá trình đổi thay kinh tế hộ của nước ta, đưa thành phần kinh tế này ngày càng phát huy vai trò tích cực đối với vấn đề giải quyết việc làm, sử dụng tài nguyên ở khu vực nông thôn, thích ứng thị trường thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển. Đến nay, Agribank là NHTM duy nhất có số lượng khách hàng hộ sản xuất và cá nhân lên tới con số hàng triệu.

Trên khắp mọi vùng miền, huyện đảo, vùng sâu vùng xa 63 tỉnh, thành cả nước, Hà Tĩnh được xem là một trong những “Điểm sáng” về phát triển kinh tế hộ. Tại địa phương này, trong tổng số 5.600 mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao với doanh thu từ 100 triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng/năm thì có đến trên 3.000 mô hình kinh tế được hình thành và phát triển từ nguồn vốn vay Agribank (chi nhánh Hà Tĩnh).

Giám đốc Agribank Hà Tĩnh Nguyễn Thị Diên cho biết, với màng lưới rộng khắp gồm 01 hội sở tỉnh, 16 chi nhánh loại III, 23 phòng giao dịch hoạt động khắp địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh, hiện Agribank Hà Tĩnh có tổng số 2.308 tổ vay vốn được thành lập tại các thôn, xóm thông qua ủy thác với Hội Nông dân, Phụ nữ, cho vay gần 330. 000 khách hàng, chiểm gần 50% thị phần về nguồn vốn, dư nợ tại Hà Tĩnh.

Đồng hành cùng bà con nông dân, thúc đẩy kinh tế hộ không ngừng phát triển - 1

Với chức năng vừa thực hiện nhiệm vụ kinh doanh vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị của NHTM 100% vốn Nhà nước, Agribank Hà Tĩnh tập trung đầu tư vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nguồn vốn của Agribank tập trung chủ yếu đầu tư phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực của Hà Tĩnh, phát triển được nhiều mô hình sản xuất mới như: mô hình chăn nuôi bò, chăn nuôi hươu, tôm, trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp, trồng nấm, rau sạch, đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ… qua đó tạo nên sự thay đổi tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, góp phần hình thành các mô hình sản xuất có quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao, giải quyết nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trên đà phát triển.

Tại Hà Tĩnh cũng như một số thị trường trong nước, cam Khe Mây bắt đầu được nhiều người ưa thích. Ít ai biết rằng, gia đình ông Đinh Văn Oánh và bà Nguyễn Thị Phương với thương hiệu cam Khe Mây Phương Oánh là những người đầu tiên phát triển các trang trại trồng cam tại Khe Mây. Theo chia sẻ của ông Oánh, bà Phương, năm 1992, thời điểm gia đình bà lên khai hoang phát triển kinh tế, Khe Mây vẫn là vùng núi, đường sá đi lại đặc biệt khó khăn. Gia đình ông bà trồng thử nghiệm 01 ha cam, bưởi. Tuy nhiên, chỉ có cam phát triển phù hợp với vùng đất này, còn bưởi không thành công. Đến nay, gia đình ông bà trồng 20 ha cam, hiện cho lợi nhuận mỗi năm khoảng 3 tỷ đồng. Để có vườn cam như hiện tại, theo như ông bà Phương Oánh không thể không nhắc tới sự giúp sức từ nguồn vốn Agribank. “Cách đây 10 năm, khi có kế hoạch mở rộng vườn cam, gia đình chúng tôi đã nghĩ tới việc vay vốn ngân hàng. Với những mô hình phát triển nông nghiệp, nhất là ở vùng núi như Khe Mây khi đó chỉ có Agribank sẵn sàng đầu tư vốn. Chúng tôi vay làm nhiều đợt nhưng nhiều nhất là 700 triệu đồng, hiện, mặc dù lợi nhuận từ vườn cam đã có nhưng cam có đặc thù tốn công chăm sóc, nhân giống, lai tạo… nên hiện chúng tôi vẫn vay Agribank 500 triệu đồng”, bà Phương chia sẻ. Bà Phương cũng cho biết, cam cho giá trị thật nên nhiều hộ gia đình thấy kết quả cũng lên Khe Mây làm vườn, từ vài chục hộ, đến nay, Khe Mây đã có hàng trăm hộ trồng cam. Trong kế hoạch phát triển kinh tế hộ của gia đình, ông Oánh bà Phương dự định tiếp tục mở rộng vườn cam phát triển theo hướng cam hữu cơ để tạo nguồn cung lớn hơn cho thị trường vì số cam hiện của gia đình chỉ đủ cung cấp cho những khách hàng quen tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh.

Theo ông Nguyễn Công Lợi, Giám đốc Agribank Hương Khê, riêng trên địa bàn huyện có 500 hộ làm vườn hiệu quả thì có đến 360 hộ vay vốn từ Agribank, 140 hộ chưa vay nhưng đây sẽ là những khách hàng để Agribank Hương Khê hướng tới với mục tiêu cấp vốn cho mỗi hộ khoảng 100-200 triệu đồng để hỗ trợ phát triển mở rộng quy mô sản xuất năm 2018. Và theo thống kê của Agribank chi nhánh Hương Khê (Hà Tĩnh), tổng dư nợ của chi nhánh này năm 2017 là 932 tỷ đồng, trong đó có 800 tỷ đồng cho vay nông nghiệp nông thôn. Ông Lợi cũng cho biết thêm, từ năm 2016 về trước, các hộ phát triển mô hình vườn rừng được UBND tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ lãi suất, hiện nay chính sách hỗ trợ này từ tỉnh tuy không còn, nhưng người làm vườn vẫn được hưởng lợi vì Agribank đang thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn. Theo đó, các mô hình làm vườn rừng phát triển kinh tế tại Hương Khê vẫn được vay với mức lãi suất thấp so với mặt bằng chung.

Trang trại chăn nuôi lợn của HTX Minh Lộc (xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh)

được Agribank CN Cẩm Xuyên gia hạn thời gian trả nợ,

cùng đồng hành vượt qua giai đoạn khó khăn

Để thấy rõ hơn vai trò tích cực của Agribank trong đầu tư phát triển kinh tế hộ- từ sản xuất nhỏ đến trang trại sản xuất quy mô lớn, chúng tôi đến mô hình chăn nuôi tổng hợp và xây dựng Minh Lộc (xã Cẩm Minh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) của Hợp tác xã Minh Lộc. Chủ nhiệm HTX, anh Trương Xuân Bính cho biết: Chúng tôi bắt đầu xây dựng hợp tác xã từ năm 2003 đến nay, các khoản vay của Agribank tăng dần từ 200 triệu đồng, đến 800 triệu đồng rồi 2 tỷ đồng và mức vay hiện tại là 3,5 tỷ đồng đầu tư nuôi 500 con lợn nái, 2.000 con lợn thịt. Ở mức vay hiện tại, lẽ ra, mỗi năm HTX phải trả khoảng 500 triệu đồng nhưng trước thực tế năm 2017 giá lợn giống và lợn thịt xuống thấp, để chia sẻ khó khăn này cùng HTX, Agribank đã linh động gia hạn thêm thời gian 01 năm để trả nợ. Đây thực sự là hỗ trợ rất lớn từ phía Ngân hàng cho hợp tác xã ở thời điểm này”, anh Bính nói thêm. Cũng theo anh Bính, tại Cẩm Xuyên có hàng chục trang trại đang rơi vào cảnh khó khăn như HTX Minh Lộc, tuy nhiên với sự đồng hành của Agribank, anh tin tưởng HTX sớm vượt qua giai đoạn khó khăn.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Trần Hữu Duyệt cho biết: “Trong số các ngân hàng hoạt động trên địa bàn huyện, Agribank là ngân hàng có tác động lớn nhất trong phát triển kinh tế địa phương thông qua chính sách hỗ trợ lãi suất của UBND tỉnh. Trong đó, Cẩm Xuyên là huyện được hưởng lợi lớn nhất từ chính sách này và nhận được hỗ trợ lãi suất lớn nhất tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, số tiền hỗ trợ lãi suất của Agribank đã lên tới hàng chục tỷ đồng. Do đó, các mô hình như đóng tàu, chăn nuôi, phát triển rau củ quả, thủy sản… đều phát triển với sự đồng hành của Agribank”.

Từ thí điểm cho vay trực tiếp đến hộ nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long tại An Giang, Long An những năm 1989- 1990 với mục đích sử dụng vốn chủ yếu để các hộ trồng lúa, tiếp đến khai hoang để mở rộng diện tích sản xuất và phát triển thêm chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản, đến 31/12/2017, Agribank là NHTM duy nhất có số lượng khách hàng hộ sản xuất và cá nhân lên tới con số hàng triệu. Có thể thấy rõ, Agribank đã chiếm lĩnh thị trường cho vay hộ sản xuất và tín dụng vi mô tại Việt Nam. Trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 876.000 tỷ đồng, dư nợ cho “Tam nông” chiếm đến 73,6% tổng dư nợ, chiếm 51% thị phần ngành ngân hàng đầu tư lĩnh vực này. Dư nợ Agribank cho vay đối với hộ sản xuất và cá nhân trên 605.000 tỷ đồng với trên 3,7 triệu khách hàng. Nguồn vốn của Agribank phát huy hiệu quả đưa kinh tế hộ phát triển đổi thay về chất và lượng, góp phần giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự, ổn định chính trị - xã hội tại tất cả các địa phương trên cả nước. Để tiếp tục đưa vốn đến gần hơn với người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, viết tiếp những thành quả tích cực của Agribank đạt được đối với quá trình phát triển kinh tế hộ, ngay trước thềm Agribank kỷ niệm 30 năm thành lập, Agribank tích cực triển khai trên toàn hệ thống Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng, đáp ứng nhu cầu gửi, vay vốn, cung cấp sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng đến khách hàng nhất là vùng sâu vùng xa đi lại khó khăn, được chính quyền, nhân dân các địa phương đánh giá cao, đồng tình ủng hộ và được Ngân hàng Nhà nước đánh giá là nét mới của Agribank trong thực hiện nhiệm vụ gắn với địa bàn vùng sâu vùng xa…

Với mục đích đẩy mạnh hơn nữa tăng trưởng dư nợ hộ sản xuất và cá nhân, giúp loại hình kinh tế này phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất hàng hóa cũng như sự phát triển của nền kinh tế đất nước, Agribank tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; nắm bắt kịp thời nhu cầu vay vốn của các hộ sản xuất, kịp thời tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng trong quá trình vay vốn. Đồng thời, Agribank đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn với mục tiêu hướng đến là Ngân hàng bán lẻ tốt nhất khu vực nông nghiệp, nông thôn và tiếp tục là Ngân hàng có Dịch vụ tài chính vi mô tốt nhất tại Việt Nam.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm