“Đóng cửa” đường băng sân bay Tân Sơn Nhất vì lún, nứt nghiêm trọng
(Dân trí) - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (HKQT) - TPHCM vừa đề nghị Cục Hàng không Việt Nam cho tạm ngừng khai thác 1 đường băng vào ban đêm để sửa chữa do lún, nứt, đọng nước.
Theo đó, qua kiểm tra đường CHC 25R/07L, Cảng này đã phát hiện tình trạng rạn, nứt bong bật bê tông nhựa ngày càng tăng. Khu vực đầu đường cất hạ cánh xuất hiện tình trạng lún bề mặt bê tông nhựa với diện tích lớn, đọng nước sau khi trời mưa tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay.
Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã đề nghị Cục Hàng không Việt Nam xem xét chấp thuận cho Cảng này tạm ngừng khai thác đường cất-hạ cánh 25R/07L tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất để tiến hành sửa chữa, tẩy vệt cao su, sơn bảo trì tín hiệu, đo ma sát, seo cỏ; Kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị phục vụ bay.
Dự kiến, đường băng này sẽ đóng cửa từ 12h đêm đến 7h sáng hàng ngày trong khoảng thời gian từ 27/2/2020 - 9/3/2020.
Cần phải nói thêm rằng, việc phải đóng cửa đường băng tạm thời để sửa chữa đã từng thực hiện nhiều lần tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài, bởi tình trạng xuống cấp đường cất-hạ cánh tại 2 sân bay này đã diễn ra từ lâu, gây nguy cơ mất an toàn bay.
Mới đây, trong văn bản mới nhất gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết: “ACV thường xuyên phải thực hiện duy tu, sửa chữa nhỏ để đảm bảo an toàn khai thác theo nguyên tắc hỏng đâu sửa đó”.
Hàng tuần, ACV này đều phải có báo cáo Cục Hàng không Việt Nam về tình hình của 2 đường băng tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Kết quả khảo sát hư hỏng đường băng 25R/07L tại Tân Sơn Nhất cho thấy, chỉ số trạng thái mặt đường (PCI) trung bình là 48, mức độ xấu. Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO, chỉ số PCI từ 40 - 55 là đã cần phải cải tạo, nâng cấp hoặc thay thế kết cấu hoàn toàn.
Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra với đường băng 1B (11R/29L) tại Nội Bài khi mặt đường băng bị bong bật, vỡ nứt, phùi bùn… Đường cất/hạ cánh 1A và các đường lăn nối bằng bê tông nhựa bị hằn lún vệt bánh tàu bay và rạn nứt cục bộ một số vị trí.
Vướng mắc về cơ chế nguồn vốn đầu tư là lí do đến nay ACV không thể có kế hoạch, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp quy mô lớn. Từ năm 2017 đến nay, việc khai thác liên tục với số lần cất-hạ cánh ngày càng tăng đã khiến đường băng sân bay hư hỏng nghiêm trọng hơn.
Châu Như Quỳnh