1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đòn giáng của Covid-19: Các tiểu thương có bị bỏ lại phía sau?

Trường Thịnh

(Dân trí) - Dịch Covid-19 bắt đầu nhen nhóm từ tháng 11/2019, bùng phát mạnh mẽ từ tháng 4 năm nay tại Việt Nam và gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều đối tượng trong xã hội.

Người lao động, người có thu nhập thấp đã hứng chịu những tổn thương đầu tiên. Kế đến có lẽ là tầng lớp tiểu thương, trong đó có vô số những cửa hàng kinh doanh, ăn uống đóng cửa im lìm suốt nhiều tháng. Mỗi đợt giãn cách trôi qua, họ dần cạn kiệt sức lực, nhiều nơi đứng trước bờ vực phá sản.

Một mảnh ghép của nền kinh tế đang kiệt quệ

98% các doanh nghiệp ở Việt Nam là quy mô vừa và nhỏ, đóng góp một phần lớn vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Bên cạnh khối ngành sản xuất, ngành dịch vụ, trong đó chiếm không nhỏ là các nhà hàng, quán ăn, các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ tại các địa phương luôn là động lực của sự tăng trưởng. Song, trước mức độ lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta, mọi hoạt động kinh doanh nhà hàng, đến các quán ăn nhỏ và cả những cửa hàng tạp hóa đều buộc phải đóng cửa, tạm ngưng việc phục vụ tại chỗ lẫn bán mang về. Có lẽ sẽ không quá khó khăn nếu tình hình chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng gần hai tháng trôi qua và còn nhiều tháng sắp tới, liệu những doanh nghiệp nhỏ lẻ, vốn gia đình có trụ vững qua đại dịch?

Đòn giáng của Covid-19: Các tiểu thương có bị bỏ lại phía sau? - 1
Đòn giáng của Covid-19: Các tiểu thương có bị bỏ lại phía sau? - 2

Từ đường lớn đến hẻm nhỏ, mọi hoạt động kinh doanh buôn bán đều tạm dừng.

Ghi nhận từ tổng cục thống kê TPHCM, trong vòng tháng 7, doanh thu hoạt động ăn uống tại TPHCM ước tính giảm gần 55% so với tháng trước đó và giảm đến 84,8% so với cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo mới nhất của Cục quản lý đăng ký kinh doanh, trong 7 tháng đầu năm nay, số lượng đăng ký mới trong lĩnh vực lưu trú ăn uống giảm mạnh so với cùng kỳ (giảm 10,7%), đồng thời số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh lại rơi chủ yếu vào lĩnh vực buôn bán, bán lẻ. Đặc biệt, TPHCM chiếm đến 30% số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh. Nếu những con số biết nói, đó sẽ là lời kêu cứu trước những khó khăn mà họ đang đối mặt.

Dẫu được đánh giá tình hình sẽ khả quan hơn nhưng để chờ được thời điểm tốt lên, các doanh nghiệp nhỏ phải vượt qua thách thức trước mắt về nhiều khoản chi phí như thuê mặt bằng, duy trì nhân công và cả các khoản chi tiêu hằng ngày nhưng không có thu nhập đầu vào. Một mảnh ghép của nền kinh tế đang dần kiệt quệ, nhưng giữa muôn sự khó khăn, khi quá nhiều mảnh đời vất vả hơn đang tìm cách trốn chạy khỏi thành phố, các hàng quán, cửa hiệu nhỏ liệu có bị bỏ quên?

Đòn giáng của Covid-19: Các tiểu thương có bị bỏ lại phía sau? - 3
Với tình trạng giãn cách kéo dài, liệu các hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thể trụ vững?

Mong chờ ngày quán quen trở lại

Không chỉ là một nhân tố quan trọng dưới góc nhìn kinh tế, những nhà hàng, quán ăn, các tiệm tạp hóa lớn nhỏ cũng là một nét đặc trưng riêng của thành phố, thể hiện văn hóa hòa trộn giữa nhiều vùng miền khác nhau khi nhiều người lựa chọn TPHCM là nơi lập nghiệp và sinh sống. Những ngày thành phố đóng cửa nằm im, nhất là khi Chỉ thị 16 được siết chặt, không khí tấp nập biến mất, nhường chỗ cho sự im lặng đến nao lòng. Không còn những tối cuối tuần cùng bạn bè tụ tập lai rai ở quán nhậu quen thuộc, không còn được hẹn hò ở một góc cà phê ngắm thành phố lên đèn, cũng không thể chạy nhanh ra cô Ba đầu đường rinh vài chai bia về giải khát. Khi người ta đang ngày ngày lo từng bữa ăn, họ cũng không thể giấu cảm xúc mong chờ một ngày được quay trở lại quán quen.

Chạy dọc các con phố, những tấm áp phích cho thuê lại chỗ, sang quán, chuyển nhượng được dán đầy trước những cánh cửa sắt được kéo sát đất. Đằng sau những cánh cửa lâu ngày chưa mở, không chỉ căng phồng nỗi lo trăm bề của người làm chủ, mà còn là sự chờ mong và lo lắng của những khách hàng thân thuộc. Liệu rằng sau khi đại dịch đi qua, họ còn đủ sức mạnh để kéo cánh cửa đó lên và tiếp tục duy trì việc kinh doanh?

Đòn giáng của Covid-19: Các tiểu thương có bị bỏ lại phía sau? - 4
Thông tin chuyển nhượng, cho thuê phủ kín những cánh cửa đang đóng im lặng lẽ.

Thấu hiểu những khó khăn chồng chất từ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 cùng các gói hỗ trợ thiết thực, mong muốn người dân bám trụ vững vàng trước tình hình vẫn còn nhiều phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, những người tiểu thương vẫn cần nhiều sự trợ giúp hơn sau khoản thời gian dài oằn mình gánh vác thua lỗ. Những tác động sâu rộng từ đại dịch không chỉ khiến hoạt động kinh doanh bị đình trệ, mà vấn đề hồi phục sau dịch, đưa thành phố về lại nhịp sống cũ, đáp ứng nhu cầu của người dùng cũng là một thách thức không hề nhỏ. Hơn lúc nào hết, nhà hàng, quán ăn, các địa điểm kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ khó khăn cần sự chung tay từ các doanh nghiệp lớn và cả cộng đồng để tồn tại và tìm cơ hội vực dậy trong tương lai. Một "chiếc phao cứu sinh" kinh tế chính là điều mong mỏi, là hy vọng thắp lên chờ ngày hàng quán mở cửa trở lại.

Chúng ta, chỉ cần cùng nhau, đoàn kết và sẻ chia, nhất định Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch.