Đôla Mỹ trên đường trở lại ngôi bá chủ

Trong 6 tháng đầu năm 2005 Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất 4 lần. Điều này làm thay đổi cơ bản mối quan hệ lãi suất-tiền tệ trên thị trường và kéo theo xu hướng phục hồi giá mạnh mẽ của đồng Đôla Mỹ.

FED đã tăng lãi suất 4 lần, mỗi lần 25 điểm vào các tháng 2,3,5,6.

 

Với quyết định tăng lãi suất mới đây nhất của FED vào ngày 30/6/2005, lãi suất cơ bản của đồng Đôla Mỹ đã được nâng từ mức thấp kỷ lục trong hơn nửa thập kỷ là 1% lên mức hiện tại là 3,25%, đánh dấu lần nâng lãi suất liên tiếp thứ 9 của FED kể từ tháng 6/2004.

 

Tương quan các đồng tiền chủ chốt đã thay đổi

 

Việc triển khai kế hoạch thắt chặt tiền tệ của FED đã làm thay đổi hẳn tương quan về lãi suất và mối quan hệ giữa các đồng tiền trên thị trường tài chính-tiền tệ quốc tế.

 

Nếu như trong các năm 2001-2004, lãi suất thấp luôn là yếu điểm của đồng Đôla Mỹ, đẩy các nhà đầu tư đến với các đồng tiền có lợi suất hấp dẫn hơn, với chênh lệch lãi suất lên tới 1,5-3,5%..., thì bước sang năm 2005, mối tương quan về chênh lệch lãi suất đã đảo ngược lại theo hướng có lợi cho đồng USD.

 

Hiện lãi suất cơ bản của USD cao hơn tới 3% so với lãi suất cơ bản của đồng Yên Nhật, 1,25% so với lãi suất cơ bản của đồng Euro và chỉ thấp hơn 1,25% so với lãi suất của đồng Bảng Anh.

 

Với tuyên bố mới đây nhất của FED hứa hẹn khả năng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm cải thiện tình trạng thâm hụt kép, triển vọng về lãi suất của đồng Đôla Mỹ quả thực là rất hẫp dẫn.

 

Trong khi đó, lãi suất cơ bản của đồng Euro không những vẫn giữ nguyên ở mức 2% trong hơn hai năm qua mà còn có nguy cơ giảm trong 6 tháng cuối năm 2005 để kích thích tăng trưởng kinh tế.

 

Lãi suất cơ bản của đồng Bảng Anh cũng có khả năng bị cắt giảm và lãi suất cơ bản của đồng Yên Nhật vẫn duy trì ở mức gần như bằng 0.

 

Sau ba năm (2002-2004) mất giá liên tiếp với tổng mức mất giá lên tới gần 50% so với đồng Euro và hơn 30% so với rổ các đồng tiền của các nước đối tác thương mại chính của Mỹ, bước sang năm 2005, đồng Đôla Mỹ đã đột ngột tăng giá trở lại với tốc độ tương đối bền vững.

 

Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2005, đồng Đôla Mỹ đã tăng giá tới 13% và lên giá tới mức cao nhất trong vòng 14 tháng trở lại đây so với đồng Euro, tăng giá 7,5 % và lên giá tới mức cao nhất trong vòng 11 tháng so với đồng Yên Nhật, Bảng Anh.

 

Chính triển vọng đặc biệt khả quan về lãi suất của đồng Đôla Mỹ đã lôi cuốn các nhà đầu tư quay trở lại với thị trường tài chính-tiền tệ nước này và là một trong những động lực chính giúp chặn đứng đà trượt dốc nghiêm trọng tưởng chừng như không gì cứu vãn nổi của đồng Đôla Mỹ trong ba năm qua.

 

Các biểu hiện tích cực của nền kinh tế Mỹ càng trở nên đáng kể trong bối cảnh các nền kinh tế đối trọng chính của nước này là Nhật và châu Âu đều đang gặp khó khăn.

 

Nền kinh tế Nhật tăng trưởng không ổn định, chưa hoàn toàn thoát ra khỏi suy thoái. Nền kinh tế châu Âu tiếp tục lún sâu vào trì trệ, đặc biệt là sau khi cuộc khủng hoảng sâu sắc về vấn đề chính trị và nhất thể hoá của EU lên đến cao trào vào tháng 5 và tháng 6/2005 với việc cử tri Pháp, Hà Lan phủ quyết không thông qua bản dự thảo Hiến pháp châu Âu.

 

Không chỉ nói “không” với bản dự thảo Hiến pháp, mà dư luận nhiều nước trong khối này còn kêu gọi chính phủ nước họ rời bỏ đồng Euro vì theo họ, nó làm mất chủ quyền và làm hại tới lợi ích kinh tế của dân tộc. Đồng thời, các nước trong khối này cũng không thể đi đến nhất trí về vấn đề ngân sách.

 

Có lẽ không có bất lợi nào lớn hơn đối với một đồng tiền một khi người ta bắt đầu nghi ngờ về khả năng tồn tại lâu dài của nó, đặc biệt là đối với một đồng tiền chung của một khối liên minh hết sức phức tạp và nhạy cảm như EU.

 

Bởi vậy, cơn lốc mất giá nghiêm trọng và đột ngột của đồng Euro trong thời gian qua là hoàn toàn dễ hiểu.

 

Đồng Đôla Mỹ sẽ lấy lại vị trí đầu bảng?

 

Bức tranh tương quan về kinh tế, chính trị nói trên rõ ràng đã tạo nên một sự khác biệt lớn theo hướng có lợi cho đồng Đôla Mỹ, vì nó khiến các nhà đầu tư có cảm giác rằng chỉ riêng nước Mỹ là đang thực sự tiến bước trên con đường tăng trưởng khả quan, ổn định và bền vững.

 

Tín hiệu từ nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... cho thấy họ chưa và không có ý định đa dạng hoá các khoản ngoại tệ của mình từ đồng Đôla Mỹ sang đồng Euro như dư luận vẫn đồn đại càng góp phần củng cố thế mạnh của đồng Đôla.

 

Mặt khác, tuyên bố của rất nhiều chính khách Mỹ tại thời điểm đầu năm khẳng định sự ủng hộ của chính quyền Bush đối với một đồng Đôla mạnh cũng như nỗ lực hiển hiện của họ (mặc dù có thể chưa đi đến kết quả) nhằm khôi phục sức hấp dẫn của đồng Đôla và khắc phục tình trạng thâm hụt kép thông qua các đợt tăng lãi suất liên tiếp cũng là nhân tố tâm lý tích cực hỗ trợ cho xu hướng phục hồi giá của đồng Đôla.

 

Người ta bắt đầu tin tưởng rằng chẳng bao lâu nữa đồng Đôla Mỹ sẽ lấy lại được ngôi vị bá chủ thế giới một cách tuyệt đối của mình, đặc biệt là sau khi các quan chức chính quyền Trung Quốc chính thức phủ nhận khả năng họ sẽ định giá lại đồng Nhân dân tệ bất chấp sức ép từ phía Mỹ và các nước phương Tây.

 

Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến đồng Yên Nhật sau một vài đợt lên giá mạnh so với đồng Đôla Mỹ do được hưởng lợi từ dư luận về khả năng đồng Nhân dân tệ sẽ lên giá nay đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 1 năm trở lại đây.

 

Hiện tỷ giá giữa các đồng tiền trên thị trường thế giới đang dao động xoay quanh mức 1 EUR=1,19 USD, 1 USD=111 JPY, 1 GBP=1,696 USD.

 

Với diễn biến kinh tế-tiền tệ của Mỹ khả quan, dự đoán trong 6 tháng cuối năm 2005, FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất đồng Đôla Mỹ theo từng đợt nhỏ, mà gần nhất sẽ là các đợt tăng dự kiến vào tháng 8, tháng 9 tới.

 

Tính đến cuối năm 2005, mức lãi suất 3,75-4% như nhiều chuyên gia dự đoán tại thời điểm đầu năm là hoàn toàn có thể đạt được đối với đồng Đôla Mỹ.

 

Nhờ đó, tương quan lãi suất trên thị trường tài chính-tiền tệ quốc tế sẽ tiếp tục biến đổi theo hướng có lợi cho đồng Đôla.

 

Theo VnEconomy