Bão ngầm trong thị trường viễn thông:

Độc quyền hay chống độc quyền?

Trong môi trường kinh doanh của Việt Nam, việc cạnh tranh lành mạnh và chống độc quyền được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên Viettel, một đơn vị hàng đầu trong ngành viễn thông lại đang có những biểu hiện khiến cho các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực này lo lắng.

Độc quyền hay chống độc quyền? - 1
Công văn Câu lạc bộ Nội dung số gửi Viettel Telecom đề nghị xem xét
phương án phân chia doanh thu kinh doanh dịch vụ nội dung.
 
Kiện và bị kiện

Có thể thấy điều này qua quá trình Viettel đi “kiện” các doanh nghiệp viễn thông khác cạnh tranh không lành mạnh, nhưng ngay sau đó, một loạt doanh nghiệp viễn thông khác “kiện” lại Viettel cũng bởi chính những điều này.

Ngoài ra, Viettel có biểu hiện độc quyền khi chủ động đưa ra chính sách phân chia doanh thu với các Công ty kinh doanh nội dung số (CPs) để tăng gấp đôi doanh thu về phía mình, khiến các CPs chịu lỗ và rút khỏi ngành, tạo thế độc quyền kinh doanh nội dung số cho Viettel.

Từ 1/1/2009 đến 3/6/2009, Viettel đã có tới 3 lần đưa ra các chính sách thay đổi cơ chế phân chia doanh thu với các CPs (Content providers - Đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung số) khác nhau, theo đó doanh thu chia cho Viettel tăng gấp đôi so với thời điểm trước ngày 1/1/2009, và sau mỗi lần đưa ra chính sách mới, tỷ lệ doanh thu này lại tăng lên.

Tỷ lệ cuối cùng được đưa ra là Viettel hưởng từ 55% tới 70% doanh thu từ các đầu số dịch vụ. Bên cạnh đó, doanh thu dịch vụ nội dung cung cấp trên mạng di động Viettel phân chia cho CPs sẽ giảm trên 35% đến 40% so với trước khi áp dụng chính sách này.

Với tỷ lệ này một cách trực tiếp, chính sách của Viettel khiến các CPs kinh doanh không hiệu quả, có thể dẫn tới lỗ. Câu hỏi đặt ra ở đây là, chính sách này liệu có phải là dấu hiệu của việc chèn ép các CPs, tạo điều kiện cho Trung tâm nội dung của Viettel chiếm thị trường, cạnh tranh không lành mạnh dựa trên vị thế độc quyền của Viettel?

Mới đây, Viettel đã gửi văn bản tới Cục Quản lý cạnh tranh và Thanh tra Bộ TT&TT về việc MobiFone thực hiện quảng cáo bằng poster so sánh trực tiếp về giá cước với Viettel.

Các poster này in giá cước của MobiFone thấp hơn giá cước của Viettel 10 đồng/phút và ở cước thuê bao trả sau thì thấp hơn 1.000 đồng/tháng. Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Viettel Telecom cho rằng, đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. MobiFone lập tức trả lời, đây chỉ là hành vi tự phát của các đại lý.

Chiều ngày 19/6/2009, EVN Telecom “tố” Viettel kéo thuê bao vô tuyến cố định E Com để sử dụng HomePhone.

Ông Phan Sỹ Nghĩa, Phó Giám đốc EVN Telecom thông tin cho báo chí rằng: “Trong thời gian vừa qua, đại lý của Viettel đến tận nhà các thuê bao E Com của EVN Telecom để “dụ” họ rời mạng của EVN Telecom.

Khi khách hàng nói chúng tôi đã đăng ký thuê bao của EVN Telecom rồi thì họ (đại lý Viettel) nói rằng sẽ tặng máy (HomePhone), cho tiền và đưa cho máy của EVN Telecom cho họ để họ làm thủ tục rời mạng giúp. Lúc đó tôi đã phải gọi cho Viettel nói làm thế là không được. Chúng tôi đã phải bắt mấy vụ như thế này và đưa ra cho công an”.

Về điều này, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc Viettel Telecom cho biết, hiện Viettel có tới 40.000 cộng tác viên bán hàng và thừa nhận không thể tránh khỏi một vài người làm việc lôi kéo khách hàng như EVN Telecom phản ánh để được hưởng hoa hồng.

“Ván bài lật ngửa”

Trên thực tế, việc MobiFone có những hành vi trên ban đầu đã được xác định là có thật. Song khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm là Viettel tố MobiFone thì “ván bài lật ngửa” đã diễn ra.

Năm 2006, Viettel cũng đã từng quảng cáo so sánh giá cước; sau đó là việc Bưu điện Bình Thuận phản ánh hiện tượng nhân viên Viettel lắp vào điện thoại của khách hàng VNPT thiết bị tự động chuyển cuộc gọi sang dịch vụ VoIP 178 của Viettel.

Hay như trước đây, DN này cũng áp dụng chiêu thức “đổi số” cho khách hàng mạng di động khác sang Viettel mà vẫn giữ nguyên số kèm khuyến mãi...

Một lãnh đạo của VinaPhone thì kể rằng, trước đây Viettel đã từng quảng cáo so sánh giá cước với VinaPhone, MobiFone và đã bị VNPT phản ứng. Tuy nhiên, phía VNPT cũng không kiện ra Cục Quản lý cạnh tranh nên sự việc không bị ầm ĩ như lần này.

Về việc Viettel “tố” MobiFone như báo chí đã thông tin, vị này nói: “Hiện tại thì chưa xác định rõ là MobiFone có chủ trương làm các việc cạnh tranh đó hay chưa nhưng nếu so với Viettel thì MobiFone chỉ làm chưa bằng một phần nhỏ”.

Thị trường viễn thông đã nổi bão ngầm. Sau các cú va chạm này, liệu điều gì tốt đẹp hơn sẽ đến?

Trao đổi với báo chí, một cán bộ làm việc trong lĩnh vực này bày tỏ sự đáng tiếc trước việc Viettel từ một doanh nghiệp chống độc quyền đang có chiều hướng trở thành doanh nghiệp độc quyền trong kinh doanh bằng cách áp đặt chính sách phân chia doanh thu đối với các Công ty kinh doanh nội dung số.

Theo Thu Hoài
Thể thao Văn hóa