Doanh nhân trẻ đừng cố tìm kiếm những thành quả quá dễ dàng!
(Dân trí) - Cho rằng kể từ sau Đổi mới, thể hệ doanh nhân thứ 3 hiện nay đang là niềm hy vọng của đất nước, nhưng TS Lê Đăng Doanh cũng nhắn nhủ, tình hình đang rất khó khăn.
Là chuyên gia kinh tế lâu năm, theo sát những bước chân doanh nhân các thế hệ, ông có chia sẻ gì nhân ngày Doanh nhân Việt Nam không, thưa ông?
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Thoái vốn: Hàng xấu chớ làm cao! * Những sai lầm "chết người" khi chơi chứng khoán * Điểm mặt những gia tộc kinh doanh nổi tiếng Việt Nam * Cảnh báo thất thu ngân sách trong khai khoáng * Nữ tiểu thư đầu tiên sở hữu biệt thự 35 triệu USD ở Sài Gòn |
Bây giờ chúng ta đang có thế hệ doanh nhân thứ ba. Thế hệ doanh nhân đầu tiên sau Đổi mới thường là cán bộ, bộ đội về hưu, doanh nhân nhà nước hay thậm chí là một vài nhà khoa học ra thương trường khởi nghiệp.
Thế hệ doanh nhân thứ ba bây giờ là thế hệ được đào tạo chuyên nghiệp, đã làm ở các doanh nghiệp nước ngoài, hay các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI ở Việt Nam, họ có kế hoạch, có chiến lược, kinh doanh có bài bản. Tôi thấy đó là hy vọng cho doanh nhân Việt Nam và cho đất nước Việt Nam.
Tôi biết có rất nhiều bạn doanh nhân trẻ có tâm huyết, có bạn mới thành lập doanh nghiệp được 3 năm thôi nhưng họ đã tuyên bố “dành 30% lợi nhuận làm từ thiện”. Tôi thấy đó thực sự là những con người thực sự đáng mến!
Một điều nữa, thế hệ doanh nhân này phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt. Đến năm 2015, hàng hóa ASEAN sẽ vào Việt Nam với thuế suất bằng 0. Chẳng hạn như Thái Lan, họ đã có Metro và hàng Thái sẽ tiếp cận dễ dàng hơn với người tiêu dùng Việt. Nếu như công nghiệp, nông nghiệp Việt Nam không có khâu phân phối thì cả công nghiệp và nông nghiệp đều chết- tức là không chỉ doanh nhân chết mà cả nông dân cũng chết.
Nhân ngày Doanh nhân, tôi nghĩ cần kéo một tiếng chuông báo động, cảnh báo rằng tình hình hoàn toàn không bình thường, và cần có một nỗ lực nghiêm chỉnh, Nhà nước phải “kiến tạo sự phát triển, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển” như Thủ tướng nói.
Trước thực trạng doanh nghiệp đổ vỡ hiện nay, ước khoảng 200.000 doanh nghiệp trong vòng 4 năm vừa qua, ông đánh giá như thế nào về điều kiện kinh doanh của doanh nhân bây giờ?
Phải nói rằng, số doanh nghiệp thực sự không hoạt động trên thực tế còn cao hơn số 200.000 doanh nghiệp đó. Có một số doanh nghiệp tránh phá sản song “sống lờ đờ”, không làm gì, chỉ đóng cửa im ỉm.
Sau 30 năm đổi mới và kể từ khi có luật doanh nghiệp năm 1999 đã bỏ được 286 giấy phép, thế hệ doanh nhân “vùng lên” và có một sự phấn khởi lớn từ năm 2001 đến 2006. Bây giờ là một giai đoạn thê thảm nhất. Doanh nhân cảm thấy mất phương hướng, họ cảm thấy bị “tước đoạt” và “hành hạ” bởi chi phí cao, nhất là giá thuê đất tăng mạnh.
Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần đánh giá lại về thực trạng của doanh nhân Việt Nam, đừng nên tự gây ra “ảo giác”, đừng tự đánh lừa mình bởi những Sao Đỏ nọ, giải thưởng kia, nó không che giấu được tình hình. Cần gây dựng lại niềm tin, củng cố lại niềm tin và tạo cho doanh nhân một niềm hy vọng.
Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết 19 với mong muốn cải thiện môi trường kinh doanh, đây là một điều rất hoan nghênh, nhưng đó mới chỉ là phần ngọn. Phần quan trọng là Luật doanh nghiệp phải cắt giảm 1 loạt các giấy phép, các điều kiện kinh doanh, phải làm công khai minh bạch hơn, làm rõ trách nhiệm của các quan chức.
Mặc dù Chính phủ có rất nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh nhưng ông nghĩ sao khi tình trạng giấy phép con vẫn không thể xử lý được và làm băng hoại môi trường kinh doanh như thế?
Tôi nghĩ chất lượng của rất nhiều dự thảo văn bản và một số dự thảo ban hành ra là có vấn đề. Bởi có những văn bản đưa ra không thể giải thích được như việc uống bia ở nhiệt độ 30 độ sau khi đã bãi bỏ “tiết mục” không được uống bia vỉa hè, không được bán cho phụ nữ có thai, cho con bú… Vừa rồi giấy phép con trong ngành in cũng hết sức nặng nề.
Qua đó thấy rằng, có một nhóm công chức muốn tạo ra những khung pháp lý, những giấy phép đó để có thể “hành” doanh nghiệp.
Tôi cho rằng, môi trường kinh doanh sắp tới đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có năng lực canh tranh cao hơn.
Thời kỳ của thế hệ 1 phát triển doanh nghiệp bằng mối quan hệ, theo tôi, thời kỳ đó nên đi đến chấm dứt. Hãy giữ một mối quan hệ bình đẳng, thân thiện, hợp tác những không phải là một mối quan hệ trục lợi, kiếm chác giữa những người làm trong cơ quan nhà nước và doanh nhân.
Trong 3 thế hệ doanh nhân Việt Nam, theo ông, làm doanh nghiệp thời kỳ nào là dễ nhất?
Tôi nghĩ làm doanh nghiệp ở thời kỳ ban đầu là dễ. Bởi lúc bấy giờ thị trường đang mênh mông, chưa mấy cạnh tranh, chưa mở cửa. Sau đó, Luật doanh nghiệp tạo ra sự thay đổi rất mạnh mẽ, nên tầng lớp doanh nhân đó “phất” lên, giàu lên rất nhanh.
Không ít doanh nhân “phất” lên thời bấy giờ và nay trở thành “đại gia” giàu lên là nhờ bất động sản, nhờ lướt sóng chứng khoán, đầu cơ, góp vốn ảo vào ngân hàng chứ không phải dựa trên công nghệ, rất ít người xây dựng được thương hiệu có tầm cỡ quốc tế.
Thế hệ doanh nhân bây giờ phải cạnh tranh gay gắt hơn cả trong nước và nước ngoài. Thời cuộc đòi hỏi họ phải có kỹ thuật, công nghệ.
Tôi nghĩ, thế hệ doanh nhân này cần sự ủng hộ của cộng đồng, xã hội để họ có thể hợp tác được với những viện khoa học, với các cơ sở nghiên cứu các trường đại học. Doanh nhân phải có doanh nghiệp thì mới tạo ra năng lực cạnh tranh được, chứ tôi phản đối lập luận cho rằng, 1 kỹ sư chạy xe ôm 1 ngày cũng không phải là thất nghiệp. Tôi xin lưu ý rằng, ông kỹ sư chạy xe ôm đó không hề tạo ra năng lực cạnh tranh nào cho đất nước. Nếu tất cả kỹ sư Việt Nam đều chạy xe ôm thì sức cạnh tranh của đất nước thử hỏi sẽ về đâu?
Ông nói “tình trạng của doanh nghiệp Việt Nam xấu như chưa có” liệu có bi quan quá hay không?
Không. Số doanh nghiệp đổ vỡ rất nhiều, số doanh nghiệp đóng thuế thực sự rất ít. Số doanh nghiệp dự kiến mở rộng kinh doanh cũng sụt giảm mạnh. Tức là doanh nhân, họ đang chịu một sức ép rất ghê gớm.
Cần phải có sự đổi mới, cải cách thực sự mạnh mẽ hơn nữa. Tôi thấy siêu thị các nước mở cửa đến 10 giờ đêm, ở các trung tâm ở Singapore, quán cà phê, quán bar có thể mở cửa thâu đêm suốt sáng. Còn Việt Nam, đến 10 giờ đêm các cửa tiệm đều phải đóng cửa, đó là một điểm không hợp lý. Tôi cho rằng, không nên tiếp tục áp đặt những mệnh lệnh hành chính vào môi trường kinh doanh thêm nữa.
Theo ông, trong năm tới, những khó khăn của doanh nghiệp có còn tiếp diễn và số lượng doanh nghiệp phá sản có như bây giờ hay không?
Tôi hy vọng số doanh nghiệp phá sản sẽ giảm. Bởi những doanh nghiệp phá sản thời gian qua là do phải trả cái giá quá cao cho lạm phát và lãi suất. Bây giờ lạm phát và lãi suất đều giảm, là yếu tố thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tôi cũng hy vọng những nỗ lực của Thủ tướng sẽ đem lại những kết quả thiết thực. Tôi có hỏi một số doanh nghiệp thì họ trả lời, phải chờ xem liệu các cấp các ngành có thực sự thực thi hay không. Do vậy, tôi nghĩ cần có sự giám sát, kiểm tra liệu thực sự chính sách đã đi vào cuộc sống hay chưa.
Có một thực tế hiện nay là “chảy máu chất xám” rất nhiều, nhân tài ra đi tu nghiệp ở nước ngoài và không trở về, và nếu trở về cũng rất khó thành công ở trong nước. Ông suy nghĩ như thế nào về điều này?
Ông Thomas Friedman nói rằng “thế giới phẳng”, nhưng ông Richard Florida lại nói thế giới không phẳng như ta nghĩ mà có rất nhiều gai, chỉ có một số ít nơi mới tạo ra GDP cao thôi. Nơi nào tạo ra được GDP cao thì nơi đó sẽ thu hút nhân tài.
Tôi nghĩ, chính sách thu hút nhân tài bây giờ không chỉ là câu chuyện hứa trả lương cao mà phải cho họ cơ hội phát triển, phải tạo điều kiện để những người trẻ được thử thách, được trọng dụng, chứ không phải là giao cho họ những công việc giản đơn bàn giấy. Hãy thay đổi cách ứng xử với nhân tài.
Ông có lời khuyên nào muốn gửi gắm tới những doanh nhân trẻ trong bối cảnh kinh doanh hiện nay?
Tôi nghĩ doanh nhân trẻ nên học Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phải biết phân tích tình hình, lúc cần phải biết rút lui và làm lại, biết hoạch định lại chiến lược sao cho phù hợp với tình hình mới.
Một bài học nữa mà các doanh nhân trẻ bây giờ cần học thế hệ trước là “đánh nhỏ thắng nhỏ, đánh chắc thắng chắc”, biết “lấy yếu thắng mạnh”, “lấy ít địch nhiều”.
Còn những người thất bại, thưa ông?
Trong kinh tế học, thất bại là sự tàn phá sáng tạo, máy móc vẫn còn, nhà xưởng vẫn còn, người lao động đang còn, chỉ có ông chủ kém thì cần thay thế, nên làm công việc khác. Từ đống tro tàn sẽ có phượng hoàng bay lên. Nước Mỹ được như ngày này là bởi họ đã có 300 năm để phá sản và rất nhiều phượng hoàng bay lên từ đó. Câu chuyện Steve Jobs với Apple cũng vậy.
Tôi chỉ muốn nói rằng, giới trẻ hiện nay đừng nên tìm một thành quả dễ dàng, mà phải biết chịu cực, chịu khổ, phải biết đương đầu với thử thách thì mới thành công được.
Xin cảm ơn ông!