Doanh nghiệp Việt rộng cửa nhờ CPTPP

(Dân trí) - Những đơn hàng triệu USD đã liên tiếp được các doanh nghiệp Việt Nam khai thác ngay khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực nhờ vào việc nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm.

Chỉ cách đây vài ngày, Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) – một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất tôn, thép đã xuất khẩu lô hàng 15.000 tấn tôn vào thị trường Mexico. Với trị giá lên tới 12 triệu USD, đây được xem là lô hàng tôn mạ lớn nhất xuất khẩu vào thị trường này sau khi CPTPP có hiệu lực.

Chuẩn bị nguồn lực, chờ tận dụng cơ hội

Việc xuất khẩu vào Mexico, đặc biệt với sản phẩm thép không phải là dễ dàng, khi nước này từng đưa ra lệnh áp thuế với các sản phẩm thép nhập khẩu từ một số thị trường khác, cụ thể là mức thuế 15% đối với sản phẩm tôn thép từ Việt Nam trước khi CPTPP có hiệu lực. Thép cũng không phải là mặt hàng có ưu thế của Việt Nam khi vào Mexico, khi các sản phẩm điện thoại, giày dép, máy tính, dệt may chiếm tỉ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu.

Thế nhưng với kinh nghiệm dày dặn khi xây dựng được mạng lưới xuất khẩu hàng hóa tới hơn 75 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Tập đoàn Hoa Sen có những lợi thế nhất định khi vào thị trường này. Nhiều lô hàng có giá trị lớn đã được Tập đoàn Hoa Sen xuất khẩu vào những thị trường khó tính như lô hàng 17.000 tấn tôn có trị giá 14 triệu USD tới Mỹ, 15.000 tấn đến Anh, Đức, Ý; hay 5.000 tấn tôn sang Malaysia.... chỉ trong vài tháng gần đây

Doanh nghiệp Việt rộng cửa nhờ CPTPP - 1

Theo lãnh đạo của Tập đoàn Hoa Sen, với kinh nghiệm xuất khẩu ra nhiều thị trường, từ khi CPTPP được đàm phán, ký kết doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm, làm việc đối tác để đón đầu cơ hội.

Chính vì thế ngay khi CPTPP có hiệu lực, những đơn hàng đầu tiên đã được doanh nghiệp này ký và xuất xưởng hưởng lợi từ CPTPP. Thực tế, từ đầu năm 2019 Hoa Sen cũng đã ký được hợp đồng xuất khẩu 4.300 tấn tôn trị giá 3,7 triệu USD vào Mexico.

“Việc Việt Nam gia nhập CPTPP thể hiện quyết tâm to lớn từ Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công thương trong việc phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan tham gia tiến trình đàm phán, ký kết, đưa vào thực thi Hiệp định, mở ra kỳ vọng thúc đẩy xuất khẩu.

Tuy nhiên, để có được những lô hàng lớn đến các thị trường khó tính, doanh nghiệp phải có lợi thế cạnh tranh cốt lõi như sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá cả hợp lý, thời gian giao hàng nhanh” – đại diện Tập đoàn Hoa Sen nói.

Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), ngay khi CPTPP có hiệu lực và đi vào thực thi đã có những doanh nghiệp chủ động tận dụng được cơ hội.

Cụ thể, thống kê của Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2019 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP đã tăng cao. Như với Nhật Bản đạt 2,9 tỉ USD, tăng cao hơn so với 2,6 tỉ USD cùng kỳ; Canada đạt 506,8 triệu USD so với 370,9 triệu USD; Mexico đạt 321 triệu USD trong khi cùng kỳ là 289 triệu USD...

CPTPP: Cuộc chơi không dễ, chỉ dành cho chất lượng

Đáng chú ý là đã có 269 giấy chứng nhận xuất xứ (CO) theo mẫu CPTPP được cấp kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp đã bước đầu hiện thực hóa cơ hội từ CPTPP để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này.

Đây là thị trường có quy mô lên tới 13% GDP toàn cầu, chiếm 14,4% thương mại thế giới nên đặt ra nhiều kỳ vọng cho hàng hóa Việt Nam nâng cao kim ngạch xuất khẩu.

Tuy nhiên đây cũng sẽ là những thách thức không nhỏ đặt ra với doanh nghiệp Việt Nam để thâm nhập được vào các thị trường khó tính trong CPTPP.

Thị trường này có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa khoảng 2.445 tỉ USD, trong khi đó Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được khoảng 34 tỉ USD (chiếm 1,4%) là con số rất khiêm tốn. Để có thể hưởng được ưu đãi thuế từ CPTPP, ngoài việc đáp ứng yêu cầu chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp cần phải xây dựng được nền tảng năng lực cạnh tranh vững chắc trên cơ sở sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Thực tế, ngay khi hiệp định chưa có hiệu lực, hàng loạt các doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam để đón đầu cơ hội từ CPTPP.

Như đơn cử mới đây tỉ phú Thái Lan đã rót thêm 200 triệu USD xây dựng trung tâm xuất khẩu thịt lợn, gia cầm tại Việt Nam; hay nhiều công ty sản xuất trong các lĩnh vực dệt may, da giày, vật liệu xây dựng, thực phẩm... cũng đã rót hàng tỉ USD đầu tư vào Việt Nam. Thực tế này đặt ra yêu cầu doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh từ nội tại để hiện thực hóa các cơ hội khi vào các thị trường khó tính trong CPTPP.

Doanh nghiệp Việt rộng cửa nhờ CPTPP - 2

Dẫn chứng ngay tại Tập đoàn Hoa Sen, mặc dù đã xây dựng được mạng lưới khách hàng ở 75 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng việc nâng cao năng lực nội tại vẫn luôn được doanh nghiệp này chú trọng.

Từ đầu năm nay, Hoa Sen đã đưa vào vận hành giai đoạn 2 nhà máy Hoa Sen Nhơn Hội Bình Định chuyên sản xuất tôn thép trên dây chuyền công nghệ hàng đầu của châu Âu, hay khánh thành nhà máy sản xuất ống kẽm nhúng nóng theo tiêu chuẩn hiện đại bậc nhất của Italia. Sự đầu tư bài bản với quy mô lớn, chú trọng yếu tố công nghệ và chất lượng đã giúp Hoa Sen hoàn thiện chuỗi cung ứng, giảm giá thành sản phẩm.

Ông Nguyễn Ánh Dương - Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng để đón đầu cơ hội từ CPTPP hay các FTA, vấn đề quan trọng nhất là sự chuẩn bị các nguồn lực. Theo đó, doanh nghiệp cần quan tâm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nước ngoài, nâng cao chất lượng sản phẩm theo nhu cầu khách hàng. Ngoài ra, cơ quan nhà nước cũng cần chuẩn bị tốt về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đón đầu cơ hội.