Doanh nghiệp Việt hưởng lợi từ góc nhìn và chuyên môn của nhân tài nước ngoài
(Dân trí) - Bà Tiêu Yến Trinh, CEO Công ty Talentnet nhận định, lãnh đạo phải là người biết truyền cảm hứng, phát triển con người và phát triển đội ngũ.
Thưa bà, hiện nay nhu cầu tuyển dụng nhân sự quốc tế tại Việt Nam đang diễn ra như thế nào và những doanh nghiệp trong những ngành nào có nhu cầu tuyển dụng nhân sự quốc tế nhiều nhất?
Việt Nam luôn nằm trong Top 3 nước có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong Asean và GDP cũng đứng đầu khu vực. Từ đó, có thể thấy được tiềm năng, cơ hội tăng trưởng và tiềm năng của Việt Nam rất lớn.
Gần đây, Talentnet cũng nhận được nhiều câu hỏi từ các đối tác nước ngoài có ý muốn thăm dò thị trường Việt Nam, đặc biệt là trong các khối sản xuất. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức có ý định chuyển dịch nhà máy sang Việt Nam và xây dựng nhà máy mới tại nước ta.
Thưa bà, mức lương trả cho các nhân sự cấp cao tại Việt Nam có cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực không? Và các tài năng đến từ nước ngoài đang mang lại những giá trị gì cho doanh nghiệp Việt?
Việt Nam đang có những sự tăng trưởng, phát triển về kinh tế nên cơ hội dành cho các doanh nghiệp nội địa là rất lớn. Trong sự phát triển này, các công ty nước ngoài cũng muốn mở rộng quy mô và bước vào thị trường Việt Nam một cách rầm rộ hơn. Đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan hay các nước Asean.
Và như vậy thì nguồn nhân lực của thị trường sẽ có nhu cầu lớn hơn, mức độ cạnh tranh nhiều hơn, đặc biệt là ở các vị trí cấp cao bởi vị trí cấp cao luôn được các doanh nghiệp "săn tìm".
Các doanh nghiệp Việt muốn phát triển thì phải mở rộng quy mô, bổ sung người tài, bổ sung nhóm lãnh đạo vào doanh nghiệp của mình.
Ví dụ, doanh nghiệp muốn lên sàn chứng khoán, muốn mở rộng quy mô, mở rộng thị trường thì cần phải bổ sung thêm nhiều nhân sự, đặc biệt là những người lãnh đạo tài năng.
Như vậy có thể thấy, từ nhu cầu về kinh doanh, về định hướng chiến lược kinh tế, phát triển sẽ dẫn đến nhu cầu tìm người nhân tài, nhất là những vị trí lãnh đạo cấp cao, người phụ trách các bộ phận.
Không chỉ những vị trí nhân sự cấp cao mà ngay cả những vị trí thấp hơn thì các doanh nghiệp cũng đang cạnh tranh nhau khá quyết liệt để giành lấy những người giỏi hơn, lành nghề hơn…
Từ đó chúng ta có thể thấy, nguồn nhân lực của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn khi sự tăng trưởng, phát triển của đất nước ngày càng lớn mạnh. Và việc bổ sung thêm những nhân lực chất lượng từ nước ngoài là nhu cầu tất yếu bởi nguồn cung trong nước chưa thể đáp ứng đủ cho thị trường.
Talentnet đang là đối tác độc quyền của Mercer tại Việt Nam về khảo sát dữ liệu lương thưởng, phúc lợi. Talentnet có thể so sánh mức lương thưởng, phúc lợi của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực. Talentnet có hơn 600 doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia dữ liệu về khảo sát lương và có hơn 300.000 dữ liệu nhân viên của thị trường.
So với mặt bằng chung của khu vực thì mức lương cấp cao tại Việt Nam đang tương đồng với các nước Philippines, Thái Lan, thậm chí còn cạnh tranh những nước này.
Chính vì vậy, khi doanh nghiệp bắt đầu lựa chọn nhân sự cấp cao thì họ có cơ hội chọn cả lãnh đạo người Việt Nam và người nước ngoài tham gia vào tổ chức.
Các vị trí cấp cao từ nước ngoài thường được các doanh nghiệp tại Việt Nam tuyển dụng với các mục tiêu định hướng phát triển dài hạn cho tổ chức, nâng tầm chất lượng chuyên môn, đồng thời nâng cao hiệu suất và vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Điển hình các công ty trong ngành công nghệ sẽ cần người có chuyên môn cao để có thể thực hiện các công việc đòi hỏi yêu cầu cao như: phân tích dữ liệu, công nghệ AI… Những công ty có những ngành đặc thù đều chọn chuyên gia. Đây là xu hướng rất tốt để chuyển giao kiến thức cho các doanh nghiệp. Từ đó doanh nghiệp có thể nâng cao kỹ năng và đào tạo đội ngũ nhân viên của mình.
Nhiều nhân sự nước ngoài cũng có góc nhìn đa chiều và đưa những sáng kiến mới về Việt Nam. Điều này mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp sử dụng nhân sự.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phát huy các thế mạnh, ưu điểm của nhân tài nước ngoài. Tạo ra nề nếp làm việc chuyên nghiệp, nâng tầm quản trị của doanh nghiệp. Chọn lãnh đạo có tố chất để xây dựng nề nếp, tính kỷ luật, tính nguyên tắc trong quản trị chuyên nghiệp.
Theo bà, vì sao nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa mạnh dạn thuê nhân sự nước ngoài nắm giữ những vị trí đứng đầu. Rất ít doanh nghiệp thuê CEO nước ngoài, có phải do thiếu nhân sự hay thiếu niềm tin?
Những doanh nghiệp ít thuê CEO người ngoài chủ yếu là do rào cản ngôn ngữ hoặc thích ứng văn hóa, nhưng đa phần còn vì lộ trình chiến lược của công ty này chưa phù hợp. Một nhóm khác sẽ ưu tiên cho lớp lãnh đạo kế thừa người Việt vốn đã được học tập tại nước ngoài, đồng thời có sẵn nhiều năm kinh nghiệm làm việc cho các tập đoàn lớn trên thế giới để học hỏi.
Nhân sự cao cấp nước ngoài qua Việt Nam làm việc thì có những "rào cản" nào, thưa bà?
Nếu làm việc ở Việt Nam thì thuế thu nhập cá nhân của nhân sự nước ngoài cao hơn so với Singapore. Các nhân sự cũng sẽ gặp những khó khăn về hòa nhập văn hóa của Việt Nam. Tuy vậy cơ hội cho các lãnh đạo cấp cao người nước ngoài sẽ nhiều hơn, đặc biệt khi thị trường kinh doanh có nhiều tiềm lực mở rộng và phát triển.
Chính vì vậy, doanh nghiệp cần tìm được những lãnh đạo nước ngoài có sự thấu hiểu về văn hóa, con người Việt Nam. Khi muốn phát triển con người, phát triển đội ngũ thì phải hiểu đối tượng để chọn cách tiếp cận phù hợp nhằm giúp đội ngũ tốt hơn, không phải lấy cái đang có để áp đặt vào những con người đó.
Dù là người nước ngoài hay Việt Nam thì người lãnh đạo đều phải có góc nhìn về quản trị nguồn nhân lực và phát triển con người. Người lãnh đạo chân chính là người không chỉ biết làm chuyên môn mà phải biết dẫn dắt tổ chức phát triển, phát triển đội ngũ, trao quyền và tạo cơ hội, không gian cho các tài năng trẻ phát triển. Từ đó, tạo ra những sản phẩm, giải pháp chất lượng phục vụ cho người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.