1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Doanh nghiệp Việt “đổ” hơn 12 tỷ USD đầu tư ra ngoài nước

(Dân trí) - Lũy kế đến 20/12/2012, đã có 712 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu đăng ký đạt 12,4 tỷ USD tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng 2012, vốn đăng ký 1,3 tỷ USD, thực hiện 1,2 tỷ USD, tăng mạnh so 2011.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KHĐT (Ảnh: BD).
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KHĐT (Ảnh: BD).

Trao đổi tại phiên họp báo cuối năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài cho biết, tính lũy kế đến 20/12/2012, đã có 712 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu đăng ký đạt 12,4 tỷ USD tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Riêng năm 2012, có 75 dự án đầu tư mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1,3 tỷ USD tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Vốn thực hiện lũy kế ước đạt khoảng 3,8 tỷ USD. Riêng năm 2012 đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2011.

Lào tiếp tục là quốc gia dẫn đầu về thu hút luồng vốn FDI của Việt Nam với số dự án đạt 222 dự án, hơn gấp đôi con số dự án mà các doanh nghiệp Việt Nam triển khai tại Campuchia (104 dự án).

Đến nay, số vốn các doanh nghiệp Việt đã thực hiện được tại Lào là 691,1 triệu USD và tại Campuchia là 296,7 triệu USD trong tổng vốn ở hai thị trường này lần lượt là 3,98 tỷ USD và 2,3 tỷ USD.

Venezuela mặc dù chỉ có 2 dự án, song số vốn mà doanh nghiệp Việt Nam đổ sang cũng lên tới 2,43 tỷ USD, đã thực hiện 536,17 triệu USD.

Miền đất hứa cuối cùng của Đông Nam Á - Malaysia cũng thu hút được 7 dự án FDI của Việt Nam với tổng vốn 446,34 triệu USD và đã thực hiện 112,52 triệu USD.

Đánh giá về tình hình năm vừa rồi, ông Hoàng cho rằng, việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước đi vào nề nếp, một số dự án bước đầu thành công và đã chuyển được lợi nhuận về nước.

Xu hướng đầu tư ra nước ngoài có sự gia tăng đáng kể vào những địa bàn phù hợp với định hướng đầu tư của Việt Nam như Lào, Campuchia, Myanmar... và vào những ngành, lĩnh vực chiến lược như dầu khí, thủy điện, trồng cây công nghiệp và viễn thông.

Các hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động Việt Nam và hàng vạn lao động của các nước tiếp nhận đầu tư - ông Hoàng ghi nhận.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục đầu tư nước ngoài, khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động đầu tư ra ngoài nước chưa đẩy đủ và đồng bộ, còn nhiều bất cập; đặc biệt là các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài có sử dụng vốn nhà nước.

Bên cạnh đó, một số lĩnh vực đầu tư quan trọng tại Lào và Campuchia còn chậm được triển khai thực hiện.

Nói về định hướng thời gian tới, ông Hoàng cho hay, trong năm 2013, vốn đăng ký dự kiến sẽ đạt 1-1,5 tỷ USD và vốn thực hiện từ 900 triệu đến 1 tỷ USD. 

Để đạt được  mục tiêu này, Bộ KHĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài. Đồng thời tăng cường rà soát đối với hoạt động này để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp.

Đồng thời cho biết, Chính phủ sẽ xem xét ban hành Chỉ thị riêng về hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Lào và Campuchia.

Bích Diệp