Doanh nghiệp Việt "chết" trên sân nhà vì... Trung Quốc

Từ ngành công nghiệp nặng, tới công nghiệp nhẹ và ngay cả ngành hàng nông sản đang phải chịu "quả đắng" do phụ thuộc TQ.

Cơ khí "chết" ngay trên sân nhà

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

*
DN vận tải kêu bị "đánh bẫy", Bộ trưởng Thăng vào cuộc

* Thảm cảnh lấy chồng Trung Quốc
* Hà Nội: Máy bay rơi tại Hòa Lạc
* Vàng SJC giảm giá, vẫn đắt hơn thế giới gần 3 triệu đồng/lượng

Ngành cơ khí là công nghiệp nền tảng có vai trò và vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Thế nhưng nói về thực trạng phát triển của ngành công nghiệp nền tảng này, ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội DNCK Việt Nam (VAMI) thừa nhận: 

"Ngành công nghiệp cơ khí bị ảnh hưởng nặng nề nhất về việc các nhà thầu Trung Quốc là tổng thầu các dự án công nghiệp không giành phần việc nào cho cơ khí trong nước".

Nhìn lại trong 12 năm thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, ông Thụ cho hay giá trị của ngành năm 2013 đạt 700 ngàn tỷ đồng chiếm 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp. Xuất khẩu từ năm 2006 được 1,6 tỷ USD – 2013 được 13 tỷ USD.

Cơ khí nhận quả đắng

Cơ khí nhận "quả đắng"

Từ năm 2003 -2011, ngành cơ khí không có thị trường, hầu hết các dự án công nghiệp dùng cơ chế chỉ định thầu hoặc cơ chế đấu thầu giá thấp nên đều lọt vào tay các nhà thầu Trung Quốc.

Hiện có 5/6 dự án hóa chất;  2/2 dự án chế biến khoáng sản; 49/62 dự án xi măng cùng nhiều dự án giao thông đầu do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC.

Riêng nhiệt điện, có 16/27 dự án do Trung Quốc làm tổng thầu, chỉ còn 7 dự án không phải nhà thầu Trung Quốc.

Đa phần các dự án này bị chậm tiến độ từ 3 tháng - 3 năm, chất lượng thiết bị không đồng đều, một số thiết bị phụ trợ chất lượng thấp thường bị thay thế.

Ở một số dự án, diễn ra tình trạng thay đổi thiết bị so với cam kết ban đầu, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu, thay đổi hoặc bổ sung nhà cung cấp, dẫn tới đội giá hợp đồng.

Đáng chú ý, nhiều nhà thầu đã đưa vật tư sắt thép, phụ tùng, phụ kiện có thể chế tạo tại Việt Nam và cả lao động phổ thông sang các công trình mà họ làm tổng thầu.

Tại nhà máy alumin Lâm Đồng gói thầu là 466 triệu USD, giao lại cho Việt Nam 170 tỷ đồng (không được 8 triệu USD). Trong khi đó, nhà máy alumin Nhân Cơ có giá trị hợp đồng là 499 triệu USD, thì giao thầu phụ Việt Nam là 53 tỷ đồng (2,5 triệu USD).

Nguyên nhân, theo ông Thụ là do Luật đấu thầu hiện nay đang ưu tiên các nhà thầu có giá bỏ thầu thấp mà chưa quan tâm đến nguồn gốc xuất sứ về chất lượng thiết bị.

Trong khi đó, năng lực của các chủ đầu tư còn hạn chế, chỉ “thích” chọn phương pháp đấu thầu EPC mà ngại trong việc tách các phần công việc, để có các gói thầu phù hợp với điều kiện nhà thầu trong nước làm được.

Còn sau khi đã ký tổng thầu, công tác kiểm tra giám sát đánh giá năng lực nhà thầu của chủ đầu tư còn yếu, chưa quyết liệt thực hiện các biện pháp chế tài xử lý vi phạm nhà thầu…

Nhiều dự án thực hiện chỉ định thầu EPC là do nhà thầu Trung Quốc thu xếp tài chính từ nguồn vay từ Trung Quốc với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản.

Ngoài khó khăn về các dự án quan trọng lọt vào tay nhà thầu Trung Quốc, ông Thụ nói việc Việt Nam phụ thuộc vào phần lớn nguyên liệu, phụ liệu cho ngành chế tạo cơ khí cũng là những khó khăn lớn (chúng ta nhập tới 2 triệu tấn sắt thép các loại cả thép hình, thép tấm) mà giá cả thấp hơn các nước khác Hàn Quốc, Nhật Bản từ 15 ÷ 20% giá thành.

"Thậm chí trong việc cung cấp phụ tùng sửa chữa, thay thế các nhà máy cũng “Thích” dùng hàng nhập khẩu TQ thay vì dùng hàng trong nước", theo ông Thụ.

Ông Thụ cho biết, đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp giám sát, kiểm tra, chế tài việc nhiều dự án trọng điểm quốc gia (như nhiệt điện, khai khoáng, xi măng…) do nhà thầu TQ thực hiện mà không tạo điều kiện cho thầu phụ Việt Nam và đặc biệt sử dụng tất cả thợ và lao động phổ thông, và thiết bị phụ trợ trong nước đã sản xuất và chế tạo được.

Trước tình hình biến động ở biển Đông do nhiều dự án tổng thầu TQ làm tại Việt Nam có những gián đoạn trục trặc. Ngành cơ khí đã gửi báo cáo lên Chính phủ cho kiểm tra lại toàn bộ các dự án công nghiệp do Trung Quốc đang thi công dở dang để huy động lực lượng trong nước kết hợp với các nhà thầu nước ngoài khác hoàn chỉnh các dự án này. 

Ông Thụ coi, đây là một thách thức lớn song cũng là cơ hội để các nhà thiết kế và xây lắp trong nước vượt lên chính mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước trở thành một nước văn minh, cường thịnh tồn tại bên cạnh nước láng giềng đầy bất trắc.

Xuất thô, nhập siêu, gia công... dệt may đang bị đe dọa

Rơi vào tình trạng tương tự, bà Đặng Phương Dung - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (đóng góp khoảng 10% giá trị sản xuất công nghiệp) nhưng cũng đang trong tình trạng bị lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài đặc biệt là Trung Quốc.

Theo đánh giá, cả nước hiện có khoảng 5000 doanh nghiệp, 2,5 triệu lao động, chiếm 5% tổng lượng lao động công nghiệp của Việt Nam. Nghành dệt may cũng là ngành xuất khẩu đứng thứ 2 và đóng góp 15% tổng giá trị kim ngach XK cả nước. 

Nếu so với các nước trên thế giới, từ một nước đứng rất xa về thứ bậc thì hiện nay ngành may mặc Việt Nam đang đứng top 5 trong số 153 nước xuất khẩu may thế giới.

Tuy nhiên, về năng lực của ngành dệt may còn rất khiêm tốn, diện tích trồng bông đang dần bị thu hẹp. Sơ, cũng chỉ sản xuất được khoảng 200.000 tấn, kéo sợi mặc dù có sự tăng trưởng lớn nhưng năng lực dệt hiện nay mới chỉ cung ứng được khoảng 1,4 tỷ m2 vải, năng lực nhuộm thấp chỉ được 0,8 tỷ. Trong khi đó, nhu cầu lại cần tới 5,9 tỉ m2 vải.

Như vậy, nếu xuất khẩu thì chúng ta cũng chỉ xuất khẩu được vải mộc, và chủ yếu vẫn là xuất sang thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, ngành dệt may lại lệ thuộc khá nhiều về nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, như năm 2013 nhập xơ sợi từ nước này chiếm 47%, vải 46%… trong khi tỷ lệ nội địa hóa lại giảm còn 47,1% so với 48,5% năm 2012.

Một trong những nguyên nhân được bà Dung cho biết là do có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh từ các nguồn hàng nhập lậu từ Trung Quốc, chính sách trong nước lại chủ yếu khuyến khích vào thị trường xuất khẩu (chiếm 86% năng lực sản xuất).

Thứ hai, lệ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu (chiếm 86% tổng nhu cầu), đặc biệt là Trung Quốc (46%), tình trạng “Nút thắt cổ chai” tại khâu dệt nhuộm trong chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam.

Thứ ba, phương thức sản xuất chủ yếu tập trung vào gia công, giá trị gia tăng thấp và thu nhập thấp, biến động lớn về lao động và đe dọa đến sự phát triển ổn định của ngành. 

Theo bà Dung, quan hệ kinh tế hai bên xấu đi, các doanh nghiệp ngành dệt may cũng phải tìm đối tác khác để nhập nguyên liệu, phòng tránh rủi ro thiếu nguồn cung nguyên liệu.

Quen làm ăn gian dối, chất lượng thấp

Từ ngành công nghiệp nặng, tới công nghiệp nhẹ và ngay cả ngành hàng nông sản cũng đang bị đe dọa do phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.

Một trong những nguyên nhân được ông Đinh Văn Hương - Chủ tịch hiệp hội Rau quả Việt Nam chỉ ra là do, người nông dân và thương lái Việt Nam đã được thương nhân Trung Quốc dạy cho cách làm ăn cẩu thả, gian dối, đi vào chất lượng thấp, sử dụng nhiều hóa chất độc hại, không an toàn thực phẩm và nhiều rủi ro.

Khi Trung Quốc không mua nữa thì với chất lượng hàng hóa đó không thể bán vào thị trường khác do không đảm bảo an toàn thực phẩm, không vượt qua được các rào cản kỹ thuật.

Nguyên nhân thứ hai, do nguồn hàng xuất khẩu trong thời gian dài, chính sách biên mậu với Trung Quốc và quản lý nhà nước khá dễ dãi như vừa qua đã tạo nên sự cạnh tranh thiếu công bằng đối với các doanh nghiệp VN làm ăn chân chính.

Thứ ba, nguồn nguyên liệu từ nông sản khi thừa, khi thiếu, không ổn định đã gây khó khăn trong việc phát triển các doanh nghiệp chế biến nông sản và thực tế nhiều doanh nghiệp đã sống dở chết dở và đi đến phá sản do nguồn nguyên liệu bị Trung Quốc thao túng.

Đối với thị trường nhập khẩu, nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc có dư lượng thuốc hóa học rất cao, trong đó có những hóa chất cấm, gây tổn hại sức khỏe cho người dân. Việc nhập khẩu qua biên mậu có chính sách nhập khẩu cũng dễ dãi, không được kiểm soát chặt chẽ như hàng nhập chính ngạch. Việc nhập nông sản từ TQ đã gây áp lực lên nông sản Việt do giá thấp dù chất lượng kém và không an toàn.

Theo Vũ Lan
Đất Việt
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”