Doanh nghiệp Việt cần "giấy thông hành kiểu mới" để ra biển lớn
(Dân trí) - "Phát triển nhân văn và bao dung hơn không còn là sự lựa chọn mà đó là con đường tất yếu, là lời giải cho sự bế tắc của mô hình phát triển theo chiều rộng. Đó cũng là “giấy thông hành thế hệ mới” cho sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) vào nền kinh tế toàn cầu, là câu trả lời cho sự tồn tại hay không tồn tại trong dài hạn”.
Đây là khẳng định của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng DN Phát triển vì sự bền vững (VBCSD) tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2017 (VCSF) đang diễn ra tại Hà Nội.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các chuyên gia đã chia sẻ về xu hướng và những thách thức của nền kinh tế toàn cầu đang chuyển biến mau lẹ, nhiều chuyên gia, học giả quốc tế và trong nước đã chia sẻ các kinh nghiệm phát triển DN theo các quy chuẩn toàn cầu về bền vững, tăng trưởng xanh.
Theo các chuyên gia tại Diễn đàn, nhu cầu hội nhập quốc tế và gia nhập thị trường các nước phát triển ngày càng đòi hỏi cao. Không chỉ DN làm sản phẩm đó đúng quy trình, đạt chất lượng và giá cả phù hợp mà còn phải đáp ứng các yêu cầu về tăng trưởng bền vững, xanh, sạch.
Những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn về kinh doanh sạch, có chi phí phát thải cao, sử dụng carbon nhiều và sử dụng năng lượng không theo vòng tuần hoàn khép kín sẽ bị hạn chế gia nhập vào các thị trường nước phát triển; tên tuổi DN cũng bị ảnh hưởng thậm chí bị từ chối hợp tác với các DN khác do "lệch" quan điểm và tư tưởng kinh doanh.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc (UN) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những điển hình thành công về phát triển kinh tế trong giai đoạn vừa qua, tuy nhiên những thách thức về môi trường, khí hậu hệ quả phát triển đang bao trùm hơn.
Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ Việt Nam khi ký kết các hiệp định, khuôn khổ hợp tác về phát triển bền vững, xanh, vai trò cốt yếu phải là từ thực tế hoạt động của các DN. "Họ phải thấy phát triển bền vững là động lực thúc đẩy và nhân rộng các mô hình kinh doanh sáng tạo để thực hiện thành công hơn thay vì là mục tiêu bên lề, những lời tuyên bố ngoại giao".
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng Thư ký VCCI kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng DN vì sự Phát triển bền vững Việt Nam: Tình hình thực hiện các Mục tiêu toàn cầu (SDGs) trong Chương trình Nghị sự 2030, thế giới đã ghi nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng DN đối với việc triển khai các SDGs.
"Từ chỗ 200 DN tham dự Diễn đàn DN về Phát triển bền vững do Liên Hợp Quốc tổ chức năm 2015, nay đã tăng lên con số 1.500 chỉ sau 2 năm. Cộng đồng DN đã có nhận thức rõ hơn về những cơ hội mà các Mục tiêu phát triển bền vững mang lại, cũng như các rủi ro có thể được khắc phục. Số lượng các DN lập báo cáo bền vững tăng gấp 2 lần trong 5 năm, 90% các DN trong danh sách 500 công ty lớn nhất đã lập báo cáo phát triển bền vững. Mạng lưới hợp tác được tăng cường với sự liên kết chặt chẽ, tích cực giữa các DN và các quốc gia", ông Vinh nói.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của khối DN đến tiến trình phát triển bền vững vẫn còn hạn chế. Ông Vinh cho rằng, DN cần chủ động hơn trong việc tăng cường năng lực, nắm bắt các cơ hội kinh doanh, đổi mới sáng tạo, áp dụng những mô hình kinh doanh tiên tiến và đặc biệt là các giải pháp kinh doanh bền vững để thu lại được những lợi ích lâu dài, thay vì chỉ hoạt động theo những cái lợi trước mắt.
Theo ông Trần Vũ Hoài, đại diện của Unilever Việt Nam: Chương trình của Unilever đã tiếp cận hàng trăm triệu người thông qua các chương trình truyền thông sức khỏe, vệ sinh và cải thiện chất lượng cuộc sống cho thêm hàng triệu người dân. Kết quả tích cực cho thấy không hề có sự đánh đổi giữa các Mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng kinh doanh mà ngược lại, hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững chính là động lực cho tăng trưởng kinh doanh.
Ông Trần Huy Trung, đại diện Tập đoàn Bảo Việt cho biết: Phát triển bền vững là một trong những mục tiêu chiến lược tại Bảo Việt, không chỉ được gắn kết chặt chẽ trong chiến lược kinh doanh mà còn được hiện thực hóa trong các hoạt động thực tiễn hàng ngày. 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) được gắn vào các hoạt động của DN này.
Ông Leo Evers, Tổng Giám đốc Điều hành Heineken Việt Nam cho rằng: Giải pháp sáng tạo của DN này là thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo cũng như tăng tỷ lệ tái chế & tái sử dụng hướng tới hoạt động không thải trong tương lai gần. Hiện 4/6 nhà máy của công ty này tại Việt Nam nấu bia bằng 100% năng lượng sinh khối và tới 99% phụ phẩm & phế liệu của công ty được tái chế hoặc tái sử dụng.
An Linh