1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Doanh nghiệp vận tải phản ứng những “chế tài” phi thực tế

(Dân trí) - Hàng loạt các Thông tư, Nghị định về xử phạt vi phạm giao thông đang bị các doanh nghiệp vận tải phản ứng dữ dội và đòi sửa đổi vì gây nhiều rắc rối, phi thực tế. Phía Bộ GTVT giải thích quy định của ngành là đúng nhưng sẽ nghiên cứu điều chỉnh.

“Xử phạt tăng nặng là vi phạm pháp lệnh”
 
Mở đầu Hội nghị đối thoại cấp Bộ với các doanh nghiệp vận tải tại VCCI mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: chúng tôi đã gửi tới Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) văn bản kiến nghị gồm 26 điểm cần sửa chữa trong các Thông tư, Nghị định hiện hành liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính, tải trọng cầu đường, giấy phép lái xe hạng FC (GPLX), hộp đen ô tô, số lượng xe, sổ nhật trình, bắt buộc các hãng taxi phải sơn một màu thống nhất...

Doanh nghiệp vận tải phản ứng những “chế tài” phi thực tế - 1
Các doanh nghiệp vận tải đề nghị sửa đổi nhiều "nút thắt" bất hợp lý trong các quy định
 
“Bộ trả lời xe taxi phải đăng ký một màu sơn thống nhất chưa thoả đáng, theo quy định thì một doanh nghiệp chỉ có 1 màu sơn. Giải thích là như vậy nhưng khi đọc văn bản thì màu sơn thống nhất là 1 màu. Theo quy định cũ, màu sơn đặc trưng đã đi vào ổn định nay Bộ lại đưa thêm cụm từ “một màu sơn thông nhất” đã gây rối loạn” - ông Hùng viện dẫn.
 
Riêng Nghị định 34 về xử phạt hành chính “tăng nặng”, ông Hùng cho hay: “Việc người điều khiển phương tiện vi phạm bị áp dụng cùng lúc nhiều hình thức xử phạt bằng tiền, tước quyền sử dụng GPLX và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ 60 ngày phải học, kiểm tra lại Luật giao thông Đường bộ trước khi nhận lại 2 loại giấy tờ này. Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử phạt một lần nhưng khi áp dụng Nghị định 34 lại đến 3 lần/vi phạm là bất hợp lý và trái Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính”.
 
Về những kiến nghị này, ông Nguyễn Văn Thuấn - Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông - Bộ GTVT trả lời: “Đã có nhiều ý kiến khác nhau khi xây dựng quy định nêu trên. Tuy nhiên, các quy định của Chính phủ đều bắt buộc phải học lại luật. Trước khi Nghị định 34 được thay thế Nghị định 146, các thành viên ban soạn thảo đã thống nhất tăng thời gian bắt buộc học lại luật từ 30 lên 60 ngày để phù hợp hơn cho công tác quản lý...”.
 
“Nóng” chuyện đón trả khách dọc đường
 
Liên quan đến vấn đề xử phạt trọng tải cầu, đường của xe sơ mi rơ-moóc, ông Lương Hoàng Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, phản ánh: Trong khi Luật quy định tổ hợp xe đầu kéo sơ mi rơ-moóc số trục bằng 5 hoặc lớn hơn có tổng trọng tải không được lớn hơn 40 tấn. Tổng trọng tải không vượt nhưng trọng tải trục vượt thì bị phạt. Tổng trọng tải trục là do kết cấu hàng hoá, tải trọng cầu là 25 tấn, trong khi tổng trọng tải xe đã lên 40 tấn. Đây cũng là lí do khiến 80% xe container buộc phải vi phạm về tải trọng cầu, chấp nhận xử phạt nặng hoặc nằm... đắp chiếu.
 
“Tàu hỏa kéo hàng chục container chạy qua cầu thì không sao mà xe container của chúng tôi chạy qua là bị xử phạt? Chúng tôi không hiểu 2 Bộ GTVT và Công an có ngồi lại bàn bạc với nhau hay không nhưng với kiểu ban hành 1 đằng, xử phạt 1 nẻo như thế này thì ngành vận tải chúng tôi còn nhiều cơ cực” - ông Trung thắc mắc.
 
Doanh nghiệp vận tải phản ứng những “chế tài” phi thực tế - 2
Xe khách bị cấm đón khách dọc đường là vấn đề nóng của các doanh nghiệp và Bộ GTVT
 
Ông Nguyễn Văn Hồng, Vụ phó Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, cho biết: “Trong 37 nước thống kê thì có 26 nước có quy định cấm tải trọng là 40 tấn. Quy định như vậy để tăng tuổi thọ của cầu đường. Một khi cầu đường xuống cấp thì vận tải ô tô phải chịu thiệt trước. Tuy nhiên, trước kiến nghị của các doanh nghiệp, Bộ sẽ nghiên cứu và có thể nâng trọng tải cho phù hợp với thực tế vận tải tại Việt Nam”.
 
Trong khi rất nhiều doanh nghiệp phản ứng về việc xe khách chỉ được đón - trả khách tại đầu và cuối bến, cấm đón khách dọc đường thì ông Trần Ngọc Thành - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT khẳng định đó là quy định trong Thông tư 14 của Bộ GTVT.
 
“Theo thống kê, có tới 22% số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do xe khách gây ra. Trên đường phóng nhanh, vượt ẩu, tạt làn để đón khách. Nguyên nhân thì những người làm vận tải hiểu rõ nhất, tại sao phải lấn làn, phải phóng nhanh vượt ẩu…
 
Đây là nội dung mà cả Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam từng kiến nghị bãi bỏ nhưng để tiến tới văn minh vận tải, quy định này phải được thực hiện” - ông Thành chỉ rõ.
 
Quỳnh Anh