1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Doanh nghiệp tư nhân xin góp phần “giảm tải” sự quá tải lưới điện quốc gia

(Dân trí) - Hàng loạt dự án năng lượng tái tạo tại tỉnh Ninh Thuận đi vào hoạt động nhưng lưới điện không thể truyền tải hết, trong bối cảnh các tỉnh phía Nam vẫn bị dự báo là nơi thiếu hụt điện. Để tháo gỡ khó khăn, Trung Nam Group đã mạnh dạn đề xuất xây dựng đường dây truyền tải 500KV.

“Thiệt đơn, thiệt kép” vì thiếu hạ tầng truyền tải điện

Mới đây, đoàn khảo sát liên ngành của Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Thuận tổ chức tọa đàm về phát triển năng lượng mới, bảo đảm an ninh năng lượng tại tỉnh Ninh Thuận.

Theo báo cáo của Sở Công thương, tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 13 dự án phát triển điện gió với quy mô công suất 632MW, tổng số vốn đầu tư 25.855 tỷ đồng. Đến nay, 3 dự án đã chính thức đưa vào vận hành thương mại với quy mô công suất 117MW. Tuy nhiên, dự án điện gió Mũi Dinh (công suất 37,6MW) bị giảm phát 60% công suất.

Doanh nghiệp tư nhân xin góp phần “giảm tải” sự quá tải lưới điện quốc gia - 1
Theo Nghị quyết 115 năm 2018, Chính phủ chấp thuận chủ trương cho tỉnh Ninh Thuận phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước (điện gió và điện mặt trời), ưu tiên xây dựng đồng bộ lưới điện để truyền tải công suất 2.000MW điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 31 dự án phát triển điện mặt trời với tổng công suất hơn 1.800MW, tổng vốn đăng ký hơn 45.700 tỷ đồng.

Đến nay, 15 dự án điện mặt trời đưa vào vận hành thương mại, tổng quy mô công suất 1.063 MW. Tuy nhiên, hiện việc giải phóng công suất đang gặp rất nhiều khó khăn, có đến 9/15 dự án phải giảm phát từ 30-60% công suất (công suất giảm khoảng 192,6MW) để đảm bảo hệ thống truyền tải.

Dự kiến, cuối năm 2019 sẽ có 2 dự án (công suất 80MW) đưa vào vận hành thương mại và 14 dự án còn lại (công suất gần 674MW) sẽ đưa vào vận hành trong năm 2020.

Doanh nghiệp tư nhân xin góp phần “giảm tải” sự quá tải lưới điện quốc gia - 2
Hiện nay, phát triển hạ tầng truyền tải điện không đồng bộ với sự phát triển các nhà máy điện mặt trời nên nhiều nhà máy phải giảm phát điện từ 30-60% công suất

Với hiện trạng lưới điện hiện hữu của khu vực Ninh Thuận, công suất giải tỏa chỉ đáp ứng khoảng 800MW-1.000MW, trong khi đó, danh mục lưới điện truyền tải đấu nối các dự án điện mặt trời quy mô công suất thiết kế 2.000MW theo Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh đều dự kiến triển khai sau năm 2020.

Theo Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận, do hạn chế lưới điện truyền tải hiện nay nên có 10/18 dự án năng lượng đã vận hành phải giảm phát từ 30-60% công suất để đảm bảo ổn định hệ thống truyền tải, do đó gây thiệt hại lớn đến hiệu quả đầu tư doanh nghiệp, phát triển kinh tế địa phương và thu ngân sách.

Sở Công thương cho rằng việc giải phóng công suất 2.000MW đến hết năm 2020 trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, không khai thác tối đa lượng điện sản xuất của các nhà máy triển khai đúng tiến độ đầu tư do không đồng bộ về thời gian giữa đầu tư hạ tầng truyền tải và đầu tư các nhà máy điện mặt trời.

Tư nhân muốn “giải cứu” bằng đường dây 500KV

Tại buổi tọa đàm, các chủ đầu tư tiếp tục nêu khó khăn, bất cập hiện nay và cùng sở, ngành tỉnh Ninh Thuận đưa ra giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” cho dự án năng lượng tái tạo.

Ông Tạ Bá Tùng, Giám đốc Công ty điện gió Mũi Dinh, cho biết các dự án năng lượng tái tạo phát triển nhanh, trong khi hệ thống lưới điện không thể truyền tải hết. Mỗi ngày, nhà máy điện gió Mũi Dinh chỉ có hơn 30% công suất được tiếp lên lưới điện. Sau hơn 5 tháng đưa vào vận hành, công ty mất hơn 5.000MW.

Để tháo gỡ khó khăn, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) đã mạnh dạn đề xuất chi tiền xây dựng đường dây truyền tải 500KV.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group, cho biết luật quy định rất rõ, đối với những đường dây 500KV, chỉ có Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) quản lý, vận hành nhưng không quy định EVN phải đầu tư xây dựng.

Doanh nghiệp tư nhân xin góp phần “giảm tải” sự quá tải lưới điện quốc gia - 3
Để “giải cứu” hệ thống lưới điện đang quá tải, Trung Nam Group xin xây dựng đường dây truyền tải điện 500KV

Vì vậy, Trung Nam Group đang đề xuất với Chính phủ cho phép đầu tư đường dây 500KV từ huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) đến Vĩnh Tân (Bình Thuận), để giải tỏa công suất cho các nhà máy điện mặt trời đã được cấp phép đầu tư ở tỉnh này.

“Đường dây 500KV này nằm trong quy hoạch tổng thể của đường dây 500KV Vân Phong - Vĩnh Tân đã được Chính phủ phê duyệt. Trung Nam Group xin phép được đầu tư xây dựng trước đường dây, trạm 500KV Thuận Nam - Vĩnh Tân để giải tỏa tổng công suất của các nhà máy ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, trong đó có một số nhà máy điện mặt trời đã đưa vào vận hành nhưng bị giảm tải do không có đường truyền kết nối”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, sau khi dự án hoàn thành, chủ đầu tư sẽ bàn giao hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải cho EVN quản lý, đồng thời không yêu cầu hoàn trả kinh phí đầu tư (hoặc bàn giao với chi phí 0 đồng).

“Trong trường hợp EVN không tiếp nhận bàn giao, chủ đầu tư sẽ tiếp tục quản lý, vận hành hệ thống theo cơ chế thống nhất với EVN và Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia. Chủ đầu tư cũng sẵn sàng ủng hộ cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn huyện Thuận Nam tham gia đấu nối, giải tỏa công suất theo yêu cầu của UBND tỉnh Ninh Thuận”, ông Tiến nói.

Ông Tiến cũng nói rõ mục đích đầu tư đường dây Thuận Nam - Vĩnh Tân là xin Chính phủ cho phép nâng công suất nhà máy điện mặt trời của Trung Nam Group từ 130MW lên 450MW. Nhà đầu tư tham gia xây dựng trạm, đường dây 500 KV Thuận Nam - Vĩnh Tân sẽ đem lại lợi ích chung. Nhà nước tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng xây dựng đường dây Thuận Nam - Vĩnh Tân và các nhà máy giải tỏa được công suất nhà máy điện.

Theo ông Đạo Văn Rớt, Phó Giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận, việc giao tư nhân đầu tư hệ thống truyền thải 500KV là chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, ông cho rằng việc này là cần thiết và cần mở rộng trong thời gian tới để huy động nguồn lực xã hội.

Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Linh, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Ban Tuyên giao Trung ương, cho rằng tư nhân dám đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện đường dây 500KV thì rõ ràng Nhà nước có lợi.

Ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết hiện nay, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các bộ ngành và các bên liên quan về việc bổ sung dự án nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận vào quy hoạch phát triển điện lực.

Đối với việc này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, EVN, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia… đã phúc đáp và ủng hộ đề xuất bổ sung quy hoạch của nhà máy và đường dây 500KV nhằm giải tỏa công suất năng lượng tái tạo tỉnh Ninh Thuận.

Dương Phong