1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Doanh nghiệp thủy sản “đối đầu" với Bộ Nông nghiệp

“Cuộc chiến” giữa doanh nghiệp (DN) thủy sản với Bộ NN&PTNT về chính sách kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) đã nổ ra chiều 2/5, khi hai bên đã có những tranh cãi trong việc có nên thay đổi chính sách mà Bộ NN&PTNT đã ban hành hay không?

Doanh nghiệp thủy sản “đối đầu với Bộ Nông nghiệp
Những vấn đề phát sinh trong chính sách kiểm soát ATTP của Bộ NN&PTNT khiến DN bức xúc

 

DN “tố” Nafiqad về chứng nhận kiểm nghiệm

 

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho biết, sau khi Luật ATTP có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 thì một số Thông tư và Quyết định ban hành sau đó của Bộ NN&PTNT trong 5 tháng cuối năm 2011 đã trực tiếp ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của các DN thủy sản. Dù đã có rất nhiều kiến nghị từ DN, nhưng nhiều vấn đề cần được giải quyết lại không được giải quyết, cứ như một vòng luẩn quẩn.

 

Cụ thể, chiểu theo những Thông tư và Quyết định trên thì việc lấy mẫu kiểm tra của Cục Quản lý Chất lượng nông, lâm và thủy sản (Nafiqad) là quá tốn kém. Chi phí kiểm nghiệm lô hàng thành phẩm trước khi xuất khẩu trở thành gánh nặng đối với DN khi mức phí phải trả tăng trung bình 1,5 – 2 lần so với trước đó. Hơn nữa, thủ tục kiểm soát trước khi xuất khẩu đã khiến đa phần các lô hàng phải chờ từ 7 – 10 ngày làm giảm hẳn lợi thế cạnh tranh của các DN Việt Nam.

 

Kết quả là trong năm 2011 vừa qua, mức độ và số lượng lô hàng bị nước ngoài cảnh báo không có dấu hiệu giảm trong bối cảnh Nafiqad đã áp dụng các biện pháp kiểm soát tăng cường nhằm vào thành phẩm trước khi xuất khẩu. Đặc biệt là hơn một nửa số cảnh báo do lây nhiễm kháng sinh cấm có nguồn gốc từ khâu nuôi trồng. Rõ ràng đây là cách làm theo kiểu “một ông phạm tội nhưng lại trị một ông khác”.

 

“Song, điều đáng buồn cười nhất là, trong tất cả các chứng thư của Nafiqad đều ghi chú một câu rất rõ: Kết quả này chỉ có giá trị đối với mẫu kiểm tra. Điều này có nghĩa là mẫu kiểm tra này không có kết quả với toàn bộ lô hàng. Như vậy, khi xảy ra chuyện, rõ ràng Nafiqad sẽ không đứng ra bảo vệ DN. Tôi không hiểu nhân viên của Nafiqad suốt ngày đầu tắt mặt tối để kiểm tra những mẫu hàng nhưng chẳng đem lại kết quả để làm gì?”, ông Dũng bức xúc.

 

Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Thuận Phước nêu ra một bất cập nữa là khi các nước nhập khẩu không yêu cầu các DN phải có giấy chứng nhận C/O, chứng thư vệ sinh… của Nafiqad cấp, nhưng Nafiqad vẫn nhất quyết kiểm tra khiến DN vừa tốn phí vừa tốn công.

 

Đơn cử, một DN lớn chuyên xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản tiết lộ: “Sau khi có quyết định trên của Bộ NN&PTNT thì chỉ tính trong năm 2011, Công ty đã phải tốn kém hơn 1,8 tỷ đồng cho chi phí xin cấp giấy chứng nhận của Nafiqad. Trong khi đó, khách hàng Nhật không hề yêu cầu Công ty phải cung cấp giấy chứng nhận”.

 

“Đó là chưa kể các thủ tục của cơ quan chức năng rất lằng nhằng, đôi khi chỉ sai một chữ cũng khiến DN dở khóc dở cười. Gần đây nhất là việc khi DN xuất khẩu bạch tuộc thì bị hải quan giữ lại. Nguyên nhân do văn bản của Nafiqad gửi đến cho hải quan có ghi kiểm tra giấy chứng nhận đối với loài nhuyễn thể nên yêu cầu DN về Nafiqad lấy giấy khai báo. Khi DN về lại Nafiqad thì họ lại nói không kiểm với lý do quy định của Bộ NN&PTNT là chỉ kiểm tra đối với mực và tôm thôi. DN lại chạy ra hải quan nhưng vẫn không được giải quyết… Cứ thế này thì DN không làm ăn gì nổi”, vị này cho biết thêm.

 

Bộ NN&PTNT sẽ thay đổi?

 

Đi thẳng vào vấn đề cấp chứng thư nhà nước cho các thị trường không yêu cầu, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad cho hay, Nhật, Canada đã nhiều lần cảnh báo Việt Nam phải khẩn cấp có biện pháp tăng cường kiểm tra tồn dư hóa chất cấm trong thủy sản và sẽ cấm nhập khẩu thủy sản Việt Nam nếu tình hình không được cải thiện. Do đó, đây là biện pháp khẩn cấp áp dụng trong một thời gian nhất định nhằm tránh bị Nhật Bản, Canada cấm nhập khẩu thủy sản Việt Nam và quyết định sẽ được xem xét hàng quý và có điều chỉnh hoặc bãi bỏ ngay khi tình hình được cải thiện.

 

Riêng về vấn đề thực hiện kiểm tra chứng nhận lô hàng thủy sản xuất khẩu, ông Tiệp giữ nguyên quan điểm sẽ lấy mẫu để kiểm tra. Lý giải điều này ông Tiệp cho rằng, Nafiqad đã nghiên cứu các thông lệ quốc tế từ các nước láng giềng như Singapore, Inddoneisia, Ấn Độ cho thấy các nước đều không bỏ việc lấy mẫu để kiểm tra. Thậm chí, có nước như Singapore còn tạm ngưng xuất khẩu cả 1 ngành hàng trong thời gian dài để tránh rủi ro.

 

“Chỉ có Thái Lan là có chương trình các DN đăng ký qua mạng, cái này chúng tôi cũng đã thử nghiệm và sắp đưa vào thực tiễn. Song, điều này không có nghĩa là không lấy mẫu để kiểm tra, DN sẽ không tìm được yêu cầu nào để bỏ ra đâu”, ông Tiệp khẳng định.

 

Tuy nhiên, các DN vẫn kiên quyết cho rằng, không nên so sánh với các nước như Indonesia hay Singapore vì xuất khẩu thủy sản của Việt Nam gấp 20 lần các nước này. Bởi vậy, phải dùng tiêu chuẩn với các nước đang cạnh tranh với mình như Thái Lan vẫn làm.

 

Trước những bất đồng trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu khẳng định, tới đây các lô hàng xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản sẽ không phải xuất chứng thư do Nafiqad cấp mà chỉ cần DN đạt yêu cầu xuất khẩu của các thị trường. Bộ NN&PTNT cũng sẽ yêu cầu Nafiqad xem xét việc không kiểm tra theo lô hàng mà tùy thuộc vào mức độ vi phạm của DN.

 

Theo Thúy Ngà

Infonet