Doanh nghiệp sẽ tự điều chỉnh giá xăng
(Dân trí) - "Sức ép đối với giá bán lẻ xăng dầu trong nước hiện nay chính là sự biến động thất thường của giá dầu thô thế giới. Chúng ta chỉ có hai công cụ để điều chỉnh: giá dầu thô xuống thì ta nâng thuế lên, giá dầu thô lên ta giảm thuế xuống, hoặc thuế bằng 0" - Thứ trưởng Phan Thế Ruệ cho biết.
Trong những lần họp báo công bố giá xăng bán lẻ trước đây, Bộ Thương mại và Bộ Tài Chính đã cho biết trong năm 2007 sẽ có một cơ chế mới để doanh nghiệp tự điều hành giá bản lẻ. Đến thời điểm nào sẽ có cơ chế này, thưa Thứ trưởng?
Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và các cơ quan liên quan đã hoàn tất dự thảo Nghị định thay thế Quyết định 187/CP về điều hành mặt hàng xăng dầu và hiện chỉ còn chờ Chính phủ phê duyệt.
Tôi hy vọng Nghị định này sẽ ra đời sớm, việc bàn giao giá xăng cho doanh nghiệp thực hiện càng sớm càng tốt.
Điều này vừa tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động hạch toán của cả các cơ quan Nhà nước và DN, vừa là sự đối xử sòng phẳng hơn với người tiêu dùng”.
Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ cho biết tại cuộc họp báo ngày 13/1, công bố giảm giá bán lẻ xăng xuống thêm 400đ/lít. |
Nghị định mới sẽ cho phép DN kinh doanh xăng dầu được tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu theo biến động của thị trường thế giới, trên cơ sở thuế nhập khẩu sẽ được Nhà nước công bố và áp dụng ổn định trong vòng ít nhất một năm (chứ không biến đổi thất thường như hiện nay). Khi đó, DN có thể rất linh hoạt trong điều chỉnh giá bán lẻ của mình, thậm chí giá bán lẻ của các vùng miền có thể khác nhau chứ không đồng nhất như hiện nay.
Trong đó, vấn đề về an ninh năng lượng, đảm bảo chất lượng xăng dầu và đảm bảo kinh doanh tiếp cận với cơ chế thị trường là những nội dung cơ bản của Nghị định mới. Trong đó, an ninh năng lượng là một vấn đề rất quan trọng nên phải xem xét rất kỹ lưỡng.
Còn việc điều chỉnh giá hiện nay và trong thời gian qua có chậm là do phải định hướng điều hành, phải bàn bạc giữa các ban ngành liên quan.
Trong thời gian vừa qua, khi giá dầu giảm xuống đã có nhiều tranh cãi xảy ra, là nên tăng thuế nhập khẩu trước hay giảm giá xăng bán lẻ trước. Nghị định mới này có làm rõ được vấn đề này không?
Điều cơ bản nhất để cho DN tự định giá là thuế nhập khẩu. Thuế nhập khẩu phải công bố và áp dụng ổn định ít nhất trong một năm, tức là tháng 12 của năm nay anh phải công bố kế hoạch của năm sau để DN tự chủ động kinh doanh. Giá thì cộng tất cả các chi phí theo quy định của Nhà nước, DN có quyền bán lẻ giá xăng dầu theo giá thỏa thuận.
Chủ yếu là thuế phải ổn định ngay từ đầu năm. Hiện tại, chúng ta điều hành thuế có lúc là theo tháng, lúc theo tuần, không những gây khó cho các DN trong hoạch toán kinh doanh, mà ngay cả cơ quan quản lý Nhà nước cũng khó quản lý và cả người tiêu dùng nhiều khi cũng bị động.
Sức ép đối với giá bán lẻ xăng dầu trong nước hiện nay chính là sự biến động thất thường của giá dầu thô thế giới. Chúng ta chỉ có hai công cụ để điều chỉnh giá theo sự biến động đó là: giá dầu thô xuống thì ta nâng thuế lên hoặc khi giá dầu thô lên ta lại giảm thuế xuống, hoặc thuế bằng 0. Và trong Nghị định mới này, khi chúng ta đã cố định thuế nhập khẩu xăng dầu thì đầu ra sẽ theo cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, trong hai lần điều chỉnh gần đây, thuế luôn đi trước một bước rồi mới đến giảm giá. Vậy theo quan điểm của Thứ trưởng, giữa thu ngân sách và quyền lợi người tiêu dùng thì nên ưu tiên bên nào hơn?
Dầu thô là một mặt hàng đặc biệt, thế giới áp dụng thuế nhập khẩu rất cao, nên trong điều kiện giá dầu thô biến động như hiện nay, chúng ta vẫn phải lấy ba lợi ích: người tiêu dùng, DN và Nhà nước để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Từ đầu tháng 1 đến nay, giá dầu thô thế giới biến động từ mức 54 - 60 USD/thùng; giá xăng cũng ở khoảng 60 - 64 USD/thùng và ngày 9/1 vừa qua, Bộ Tài chính đã quyết định đưa thuế nhập khẩu từ 10% lên 15%. Vì vậy, sau khi trao đổi với Bộ Tài chính, chúng tôi thấy việc điều chỉnh giá xăng bán lẻ theo Quyết định 187 là phù hợp với tình hình. Chúng tôi cũng chủ trương là doanh nghiệp phải hy sinh lợi ích để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng đúng với diễn biến trên thị trường thế giới.
Với mức giảm 400 đồng/lít, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước phải chịu mức thiệt như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Với giá bán mới thực hiện từ 15 giờ chiều 13/1, với thuế mới và mức giá nhập về, các doanh nghiệp đầu mối phải chịu lỗ trên 100 đồng/lít đối với xăng A90, còn với mặt hàng xăng A92 thì hòa. Với doanh nghiệp lớn thì mức lỗ không lớn lắm, nhưng với doanh nghiệp nhỏ thì khá lớn.
Tuy nhiên, thời điểm này lỗ nhưng doanh nghiệp vẫn có lãi ở những thời điểm khác. Định hướng chung là sự bù đắp giữa các thời điểm để kết quả cả năm không lỗ. Chính phủ không bù lỗ giá xăng nữa và nguyên tắc là kinh doanh mặt hàng xăng không được lỗ nữa.
Xin hỏi Thứ trưởng một câu cuối: Đợt giảm giá xăng này có tác động như thế nào đến bình ổn giá cả thị trường dịp Tết?
Bởi chúng ta đang chuẩn bị đón tết Nguyên đán Đinh Hợi 2007, việc giảm giá lần này, mặc dù doanh nghiệp có thua lỗ hay hòa đi chăng nữa, thì cũng có ý nghĩa lớn đối với việc bình ổn giá trong những ngày giáp tết và cả quý I/2007.
Xin cảm ơn ông!
An Hạ