Doanh nghiệp nhựa “khóc" vì "đói" nguyên liệu dù hàng nằm ngay cảng

(Dân trí) - Lượng hàng phế liệu tồn kho tại các cảng không được giải phóng; chi phí lưu kho bãi quá cao khiến doanh nghiệp không dám nhận hàng; một số doanh nghiệp nhựa phế liệu đầu tư nhà máy sản xuất hàng trăm tỷ nhưng “đói” nguyên liệu mặc dù hàng nằm ngay cảng, đứng trước nguy cơ “phá sản”.

Đây là thông tin mà ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết tại buổi hội thảo chuyên đề “Ô nhiễm môi trường trong nhập khẩu và tái chế nhựa phế liệu” được tổ chức mới đây tại TPHCM.

Nhựa kẹt tại cảng, nhà máy nằm không


Theo ông Lam, ngành nhựa là ngành có số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước với hơn 2.000 doanh nghiệp, sử dụng 118.925 lao động.

Theo ông Lam, ngành nhựa là ngành có số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước với hơn 2.000 doanh nghiệp, sử dụng 118.925 lao động.

Trong 10 năm qua, với mức tăng trưởng của ngành này 15-20% năm nhưng phải nhập khẩu đến 80% lượng nguyên liệu. Năm 2017 ngành nhựa nhập khẩu 4,9 triệu tấn hạt nhựa, tổng kim ngạch nhập khẩu hạt nhựa và sản phẩm nhựa 12,68 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỷ USD. Tổng doanh thu ngành nhựa năm 2017 đạt gần 15 tỷ USD.

“Tuy nhiên gần đây các cơ quan chức năng xem xét kỹ lưỡng và rất hạn chế cấp phép nhập khẩu nguyên liệu từ phế thải là do nhiều container phế liệu nhập khẩu về Việt Nam bị phát hiện chứa loại phế thải không đúng quy định. Là ngành sử dụng tới 80% lượng nguyên liệu nhập khẩu nên việc nhà nước đột ngột siết chặt quy định nhập khẩu đã gây nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp”, ông Lam cho biết thêm.

Doanh nghiệp nhựa “khóc" vì "đói" nguyên liệu dù hàng nằm ngay cảng - 2

Ông Lam dẫn chứng, có nhiều công ty đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và đang hoàn chỉnh dây chuyền lắp đặt máy móc sản xuất tái chế với tổng quy mô xấp xỉ trung bình từ 100- 200 tỷ đồng.

"Những doanh nghiệp này cũng đang chuẩn bị nộp hồ sơ lên Bộ Tài nguyên và Môi trường để thủ tục xin cấp Giấy phép nhưng đứng trước lệnh cấm nhập khẩu phế liệu phục vụ cho sản xuất của Chính phủ hiện nay đang khiến họ hoàn toàn “điêu đứng” và chắc chắn sẽ phá sản nếu như hồ sơ của họ không được xem xét cấp giấy phép và nhập khẩu phế liệu trong giai đoạn này”, ông Lam cho biết thêm.

Ông Trần Vũ Lê, Giám đốc Công ty TNHH nhựa Lê Trần cho biết, năm 2018 công ty ông dự kiến xuất khẩu 30 triệu USD sản phẩm nhựa. Hợp đồng đã ký cho cả năm, nếu tình hình thiếu hụt nhựa tái chế làm nguyên liệu sản xuất kéo dài, công ty có khả năng phải đền hợp đồng. Nếu thay thế nhựa tái chế bằng nhựa "zin" công ty sẽ lỗ khoảng 10 triệu USD.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cùng ngành đang phải gồng mình trả lãi ngân hàng trong khi thiếu nguyên liệu nhựa tái chế nhập khẩu và phải ngưng hoạt động.

Phí lưu cảng quá cao, doanh nghiệp bỏ hàng?

Theo các doanh nghiệp, hiện có hơn 5.000 container phế liệu nhựa đang tồn ở các cảng, chỉ tính riêng chi phí lưu container mà họ phải trả cho các công ty vận chuyển đã lên đến 50-100 USD/container/ngày.
Theo các doanh nghiệp, hiện có hơn 5.000 container phế liệu nhựa đang tồn ở các cảng, chỉ tính riêng chi phí lưu container mà họ phải trả cho các công ty vận chuyển đã lên đến 50-100 USD/container/ngày.

Mỗi container chứa khoảng 10.000 USD sản phẩm, nếu tính thời gian hàng bị ách lại cảng 2-3 tháng nay thì chi phí lưu container đã cao hơn giá trị hàng hóa gấp 2- 3 lần nên nhiều doanh nghiệp đành bỏ hàng không nhận.

Doanh nghiệp nhựa “khóc" vì "đói" nguyên liệu dù hàng nằm ngay cảng - 4

Lý giải về nguyên nhân hàng hóa phế liệu đang bị tồn tại các cảng không được thông quan, ông Đinh Xuân Thắng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng môi trường Hoa Lư cho biết, những quy định về nhập khẩu vật liệu tái chế đã và đang gây khó khăn cho quá trình xử lý nhập khẩu khiến hàng nhập khẩu bị ùn tắc tại các cảng biển trong thời gian qua.

Chẳng hạn như việc thay đổi quản lý cấp phép nhập khẩu của Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT). Nếu trước năm 2017 các doanh nghiệp không mặn mà gì với việc nhập khẩu nhựa phế liệu, do không cạnh tranh được với các doanh nghiệp của Trung Quốc.

Do đó, năm 2016-2017 rất ít doanh nghiệp xin cấp giấy phép theo quy định mới của Bộ TN&MT. Tuy nhiên, đầu năm 2018, Trung Quốc cấm nhập khẩu NPL, doanh nghiệp tái chế nhựa phế liệu vội vàng xây dựng nhà máy đáp ứng điều kiện cấp phép nhập khẩu của Bộ TN&MT. Tuy nhiên để đầu tư bài bản theo đúng yêu cầu của Bộ TN&MT thì cần thời gian ít nhất là 12-24 tháng.

Hàng nhập đang trên biển, Sở TN& MT các tỉnh không có chức năng cấp phép, hạ tầng kỹ thuật của nhà máy chưa hoàn thiện, nên dẫn đến tình trạng tồn hàng tại cảng như thời gian qua.

Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, ông Lam cũng cho hay, Hiệp hội nhựa Việt Nam cũng đã và đang kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thay đổi phương pháp quản lý sao cho tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu hầu hết các loại nhựa tái chế. Bộ Tài chính cần cho thông quan các container hàng nhựa đã qua sử dụng đang tồn tại các cảng biển, cho nâng luồng kiểm tra xác suất để giám sát chặt chẽ mặt hàng nhựa phế liệu và hàng đã qua sử dụng.

Phạm Nguyễn

Doanh nghiệp nhựa “khóc" vì "đói" nguyên liệu dù hàng nằm ngay cảng - 5