1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Doanh nghiệp Nhật Bản, Mỹ bỏ rơi thị trường Trung Quốc

Các doanh nghiệp Nhật Bản đang chuyển hướng mở rộng đầu tư trực tiếp và chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp từ Trung Quốc sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Theo đó địa chỉ đỏ mà các công ty Nhật Bản thường hướng tới có thể gọi tắt bằng ba chữ cái ghép lại “V.I.P” đó là Việt Nam, Indonesia và Philippines.

Mạng tin “Sankei” dẫn nguồn Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản trong nửa đầu năm 2013 vào ASEAN đạt 1.020 tỷ yen trong khi Trung Quốc là 490 tỷ yen.

Năm 2012, con số này lần lượt là 1.150 tỷ yen và 1.070 tỷ yen. Từ năm 2009 đến nay, đầu tư vào ASEAN liên tục vượt Trung Quốc. Xu hướng này vẫn duy trì ổn định và đang mở rộng thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, dựa trên dữ liệu do JETRO cung cấp trên mục “Thông tin khu vực và quốc gia” năm 2012, tỷ lệ đầu tư tăng so với năm trước lần lượt là Myanmar 66%, Philippines 15%, Indonesia 13%, và đây là những thị trường mà doanh nghiệp Nhật đặc biệt quan tâm.Trong khi đó, đầu tư vào Trung Quốc xuống còn âm 8%.

Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng tiêu cực từ thực trạng khó khăn kinh tế của Trung Quốc, giá nhân công tăng cao, các cuộc biểu tình chống Nhật và căng thẳng Trung-Nhật liên quan đến tranh chấp lãnh hải.

Trong khi đó, ở các nước ASEAN, sức tiêu dùng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, nguồn nhân lực dồi dào và giá nhân công rẻ là những nhân tố hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật. Nếu coi giá thuê nhân công ở Trung Quốc là 100 thì ở Philippines là 77, Indonesia là 70, Việt Nam 44 và Myanmar là 16.

Ở Philippines, trong vòng 1-2 năm qua, các nhà máy của Nhật Bản mọc lên như “nấm sau mưa” trong đó có trường hợp doanh nghiệp Nhật chuyển một phần bộ phận sản xuất từ Trung Quốc sang.

Ở Myanmar, trọng tâm hướng tới của Nhật Bản là ngành dệt may và da giày. Đặc biệt, Việt Nam cũng đang đón một luồng đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp Nhật vốn đang trong chiến lược chuyển một bộ phận sản xuất từ Trung Quốc sang ở các lĩnh vực như may mặc, cơ khí, điện tử, phụ tùng ôtô…

Công ty Shenzhen Kyowa do Nhật Bản đầu tư tại Trung Quốc.

Công ty Shenzhen Kyowa do Nhật Bản đầu tư tại Trung Quốc.

Trước đó, năm 2012 các doanh nghiệp Mỹ cũng rời bỏ đất nước này với lý do ngắn hạn là giá nhân công tại Trung Quốc được cho là một nguyên nhân, nhưng nếu nhìn sâu xa thì đây là một động thái bảo vệ việc làm của chính phủ và doanh nghiệp.

Khi đó ông Obama đã thúc giục các doanh nghiệp sản xuất, có vai trò quan trọng trong việc phục hồi kinh tế, quay trở lại Mỹ với các chính sách ưu đãi về thuế.

Lần đầu tiên sau 25 năm, Mỹ đưa ra các dự thảo cải cách thuế doanh nghiệp như có thể cho phép hạ mức thuế của doanh nghiệp nhiều nhất lên tới 28%.

Ngay sau đó hãng sản xuất điện tử Element Electronics (có trụ sở tại thành phố Detroit, bang Michigan) lần đầu tiên sau 17 năm đã quay trở lại sản xuất tivi tại thành phố này. Caterpillar Inc, tập đoàn sản xuất máy xây dựng lớn nhất thế giới, cũng đã công bố kế hoạch xây dựng nhà máy mới tại bang Texas.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên được cho là do giá nhân công tại Trung Quốc - nơi được coi là công xưởng của thế giới - ngày càng tăng cao. Trong vài năm trở lại đây, thu nhập trung bình của một công nhân ngành chế tạo tại Trung Quốc đã tăng 2 con số, và tăng gấp nhiều lần trong vòng 5 năm qua.

Nhận định về điều này, nghiên cứu viên Howard Weil thuộc Viện nghiên cứu Brooklyn (Mỹ) cho rằng nguyên nhân mà ai cũng có thể thấy rõ là giá nhân công hiện nay đã tăng lên quá cao, và việc nhiều doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Trung Quốc sẽ mang lại nhiều lợi thế cho nước Mỹ.

Bên cạnh đó, một điều cũng hấp dẫn các doanh nghiệp Mỹ là giá nhân công tại nước này cũng rẻ hơn nếu so sánh với Nhật Bản hay châu Âu.

Nhóm tư vấn Boston (BCG) cũng đã đưa ra con số tính toán rằng nước Mỹ sẽ tăng thêm được 800.000 việc làm khi các doanh nghiệp nước này rời Trung Quốc và trở về quê hương sản xuất.

Theo Phương Nguyên
Đất Việt