Doanh nghiệp nhà nước: Ưu đãi lắm, hệ lụy nhiều

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang nhận quá nhiều ưu đãi từ về vốn, cơ chế hoạt động tới cơ sở hạ tầng. Theo nhiều chuyên gia, chính sự ưu ái này mà những “quả đấm thép” đã vung tay quá trán, làm méo thị trường, gây thiệt hại và tạo hệ lụy cho nền kinh tế.

Nhiều đặc quyền, đặc lợi
 
Nhiều đặc quyền, đặc lợi

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA
 
Sáng 27/5, lần đầu tiên một nghiên cứu đa chiều về DNNN và những hệ lụy với thị trường tại Việt Nam được công bố. Nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện. Theo nhóm tác giả, hiện các quy định pháp luật đều không phân biệt giữa DNNN và DN tư nhân. Nhưng thực tế, những hạn chế trong thực thi pháp luật và ứng xử của nhà nước tạo ra nhiều ưu thế, đặc quyền, đặc lợi cho DNNN. Điều này đã ảnh hưởng xấu đến quan hệ cạnh tranh, cung cầu, làm biến dạng thị trường.

Qua nghiên cứu, các tác giả nhận thấy, độc quyền hoặc chiếm quyền chi phối của DNNN trong một số lĩnh vực khiến DN tư nhân khó tham gia (như điện, ga, xăng dầu, viễn thông, hóa chất, khai thác khoáng sản…). DNNN cũng được ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn vay, như năm 2013, theo báo cáo Chính phủ, tổng nợ phải trả của 796 DN 100% vốn nhà nước là hơn 1,723 triệu tỷ đồng (tương đương 48% GDP), riêng 108 tập đoàn, tổng công ty là hơn 1,514 triệu tỷ đồng (42% GDP).

Báo cáo cũng nhấn mạnh, các tập đoàn, tổng công ty đang hoạt động phụ thuộc phần lớn vào vốn vay. Phó ban Cải cách và phát triển DN (CIEM) Phạm Đức Trung – Trưởng nhóm nghiên cứu dẫn chứng: Các ngân hàng nghĩ nhà nước sẽ bảo đảm các khoản nợ khi DNNN gặp khó khăn có thể phải giải thể, phá sản. “Vụ việc giải cứu Vinashin cũng như nhiều DNNN yếu kém khác cho thấy lòng tin này có cơ sở”, ông Trung nói.

Ngoài ra, năm 2014, Chính phủ ban hành 20 văn bản cho phép ngân hàng được cung cấp tín dụng vượt giới hạn cho các DNNN, như Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản (Vinacomin), Tập đoàn Điện lực (EVN), Vietnam Airlines…

Vung tay mua sắm, chi tiêu

Nhận nhiều ưu đãi, nhưng theo nghiên cứu của CIEM, nhiều DNNN tại Việt Nam đầu tư, mua sắm và chi tiêu không hiệu quả, không đúng quy định, gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng tài sản nhà nước. Đặc biệt, tình trạng DNNN không chấp hành nghiêm quy định về hạn mức huy động vốn, dẫn tới nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, mất an toàn tài chính, nguy cơ đổ vỡ cao. Dù có quy định DN không được huy động vốn vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu, nhưng năm 2013, có 41/108 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Tuy nhiên, những sai phạm này không được giám sát, đánh giá, ngăn chặn và xử lý kịp thời, khiến các DNNN có “lòng tin” và chỗ dựa cho các hành vi sai phạm tương tự tiếp theo. 

Điển hình là sai phạm trong chi tiêu ở Vinashin, Vinalines, vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Cty Cao su Tân Biên; vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng bọn lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tham ô xảy ra tại Cty Cho thuê tài chính II (ALCII); vụ các lãnh đạo Cty Vifon lập chứng từ khống chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng và không thu về cho công ty 59,9 tỷ đồng nhằm chiếm đoạt khi cổ phần hóa công ty này; vụ Cty xăng dầu Hàng không khai khống tỷ lệ dầu hao hụt nhằm chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng…

Ngoài ra, giá nhiều sản phẩm dịch vụ quan trọng chưa theo cơ chế thị trường, như giá điện, xăng dầu, thậm chí giá chặt cây thường là ước lượng, dựa trên định mức lạc hậu, thiếu cơ sở thực tế. Những vấn đề trên của DNNN làm biến dạng thị trường.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, do mục đích tồn tại của DNNN không được phân định rõ. “Chỉ khi tư nhân tham gia nhiều vào DNNN, những ưu đãi, đặc quyền, đặc lợi mới bỏ được. Nếu nhà nước vẫn nắm phần lớn cổ phần, chỉ là bình mới rượu cũ”, ông Cung nói. Theo ông Cung, hiện dư địa phát triển kinh tế tư nhân đã hết, nếu không cải cách DNNN, tư nhân sẽ không có cơ hội phát triển.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, viết về hệ lụy của DNNN có thể thêm hàng chục trang cũng chưa hết. Bà dẫn chứng, DNNN không có động lực, áp lực và cả năng lực để phát triển trong nền kinh tế thị trường, nên làm biến dạng thị trường. Ngoài ra, sự kìm hãm của DNNN khiến nền kinh tế Việt Nam không cạnh tranh được các nền kinh tế khác khi hội nhập, rơi vào tình trạng bảo hộ quá mức. “Các nước chủ yếu bảo hộ cho thành phần yếu thế, như nông dân, DN nhỏ, nhưng ta lại bảo hộ cho lực lượng mạnh nhất, lớn nhất, là DNNN”, bà Lan nói.

 

 Không chỉ được ưu tiên vốn trong nước, vốn vay nước ngoài của khối DN đa số đều rơi vào DNNN, trong đó có tới 75% do Chính phủ bảo lãnh hoặc cho vay lại. Theo Cục Quản lý nợ (Bộ Tài chính), tính lũy kế tới 31/10/2013, tổng giá trị các khoản bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án vay vốn nước ngoài, phát hành trái phiếu là 15,38 tỷ USD. Ngoài ra, DNNN còn được ưu đãi tiếp cận đất đai, ngân sách trực tiếp cấp vốn thông qua các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, hợp đồng cung cấp dịch vụ công ích, mục tiêu an ninh quốc phòng…

 
Theo Lê Hữu Việt
Tiền Phong
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”