Doanh nghiệp Nhà nước nắm hơn 1 triệu tỷ đồng vốn nhà nước

(Dân trí) - Theo đại Trần Hoàng Ngân (TPHCM), vốn nhà nước đang nằm trong doanh nghiệp nhà nước hơn 1 triệu tỷ đồng và số tiền này đang được rải rác, phân tán ở nhiều bộ, ban, ngành và ở 63 tỉnh, thành, các địa phương.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Góp ý cho dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh (sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 26/11 tới), đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nếu lại thực trạng, có lãnh đạo bộ trước khi nghỉ hưu bổ nhiệm gần 60 lãnh đạo cấp vụ, trong đó cũng có những người chưa đủ điều kiện.

“Dư luận cho rằng, thực trạng này không chỉ diễn ra ở trong các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn diễn ra ở các doanh nghiệp mà do nhà nước giữ 100% vốn hoặc nhà nước chiếm cổ phần chia phối. Điều này đối với cơ quan quản lý nhà nước có quy trình, thủ tục rất chặt chẽ mà còn diễn ra như vậy, thì tình trạng như vậy rất đáng lo ngại ở một số doanh nghiệp nhà nước”, đại biểu Cường nhấn mạnh.

Chỉ ra thực trạng, có những doanh nghiệp có lãnh đạo doanh nghiệp trước khi nghỉ hưu nhận hàng trăm nhân viên vào làm việc, đại biểu Cường cho hay: “Những thực trạng này có thể nói là đặc trưng đối với các doanh nghiệp nhà nước hoặc chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp nhà nước. Còn đối với các doanh nghiệp của tư nhân, do đồng tiền của người ta nên thực trạng này không diễn ra. Vì vậy, chúng tôi cho rằng đây là những vấn đề cần có sự điều chỉnh để làm sao tăng hơn hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, tránh gây thất thoát lãng phí tài sản của nhà nước”.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Cường, các tiêu chí đánh giá, xếp hạng các doanh nghiệp nhà nước hiện nay còn nhiều điểm chưa phù hợp. “Rất nhiều các doanh nghiệp nhà nước được đánh giá, xếp loại rất cao, có thể năm nay là anh hùng nhưng sang năm đã là tội đồ. Ví dụ như Vinashin, 3 năm liền chúng ta xếp loại A, năm 2006, 2007, 2008 xếp loại A nhưng sau đó vẫn sụp đổ”, đại biểu Cường nói.

Vinashin, điển hình của doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ.
Vinashin, điển hình của doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc để quy định ngay trong luật việc thành lập một cơ quan chuyên trách ngang bộ làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Bởi lẽ thực hiện phương án này sẽ tạo được sự đột phá thay đổi cơ bản trong việc quản lý doanh nghiệp nhà nước, tách biệt chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp.

Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có điều kiện để tập trung hơn vào việc xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược cho các doanh nghiệp hoạt động. Thực hiện công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm cá nhân, tổ chức đối với việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đại biểu Vở cho rằng, “đây là thời điểm đã chín muồi, là đòi hỏi khách quan từ thực tiễn đang đặt ra để nhằm khắc phục những lỗ hổng trong quản lý và khắc phục tình trạng không rõ địa chỉ trách nhiệm để xử lý vi phạm như những đổ vỡ, mất mát nghiêm trọng về vốn, tài sản nhà nước ở một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước gây mất lòng tin trong nhân dân đối với doanh nghiệp nhà nước đã diễn ra trong thời gian qua”.

Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cũng đề nghị Luật cần quy định cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát có hiệu quả, chất lượng kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

“Cần cụ thể hóa các chế tài đủ mạnh, để xử lý kịp thời người đại diện quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong kinh doanh để mất vốn, kinh doanh thua lỗ, không trả được cổ tức cho cổ đông và nhà nước. Có sai phạm, vi phạm trong quản lý không minh bạch và làm sai lệch kết quả kinh doanh, vi phạm Luật doanh nghiệp và đời sống người lao động sa sút, yêu cầu có chế tài xử lý nhanh, không để doanh nghiệp hoạt động kinh doanh yếu kém nhiều năm rơi vào khó khăn trầm trọng, phá sản, vốn của nhà nước thất thoát lớn mới xử lý”, đại biểu Hùng đề xuất.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho hay, trên thế giới, không có Chính phủ nước nào đem tiền để đi đầu tư kinh doanh cả, trừ nắm giữ những ngành, lĩnh vực then chốt. Ở Điều 11, giao cho Thủ tướng quyết định đầu tư, nhưng theo đại biểu, trách nhiệm lại nêu không rõ.

“Bài học nhãn tiền chúng ta thấy, bao nhiêu tập đoàn, tổng công ty thành lập ra cuối cùng là thất thoát, lãng phí, chưa nói đến tham nhũng là không ai chịu trách nhiệm. Hỏi Chính phủ thì Chính phủ bảo cái này tôi giao cho bộ này, bộ này bảo tôi chỉ được hỏi ý kiến chứ tôi không quyết định. Vậy, thẩm quyền và trách nhiệm trong Chương VII, nếu thẩm quyền tại Điều 11 để Thủ tướng quyết định đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp thì Chương VII là trách nhiệm của Thủ tướng khi xảy ra vấn đề này như thế nào? Tôi đề nghị vấn đề này nên giao cho Chính phủ, không nên giao cho Thủ tướng”, đại biểu Minh đề xuất.

Còn theo đại Trần Hoàng Ngân (TPHCM), vốn nhà nước đang nằm trong doanh nghiệp nhà nước hơn 1 triệu tỷ đồng và số tiền này đang được rải rác, phân tán ở nhiều bộ, ban, ngành và ở 63 tỉnh, thành, các địa phương.

“Sự phân tán đó dẫn đến sử dụng vốn không hiệu quả, thậm chí chỗ thừa thì vẫn để gửi trong ngân hàng hưởng lãi suất thấp, còn chỗ thiếu phải đi vay với một lãi suất rất cao. Sự điều hòa đó, rất cần một cơ quan chuyên môn quản lý tập trung nguồn vốn 1 triệu tỷ này và cơ quan chuyên môn đó chịu trách nhiệm trước 90 triệu cổ đông, mà 90 triệu cổ đông là 90 triệu dân. Quốc hội sẽ là cơ quan đại diện cho người dân để giám sát khoản vốn nhà nước”, đại biểu Ngân phân tích.

Do đó, ông Ngân đề nghị cần mô hình quản lý tập trung và mô hình đó có thể áp dụng theo mô hình của Singapore. “Hình thành nên một Tổng cục quản lý vốn và chịu trách nhiệm báo cáo rất chi tiết. Cơ quan này sẽ tính toán nên đầu tư vào ngành nào, nên đầu tư vào loại hình nào, ở thời gian nào chứ không phải hôm nay đầu tư ngành này rồi chúng ta lại yêu cầu phải chuyển ngành nhanh ngay. Vì hoạt động doanh nghiệp cần phải có một thời gian, và trước mắt, tôi đề nghị quản lý tập trung đó có thể nằm ở Bộ Tài chính hoặc Bộ Kế hoạch - Đầu tư”, đại biểu Ngân nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”