Doanh nghiệp “ngấm đòn” khủng hoảng
Dù nguồn vốn có hỗ trợ 4% lãi suất dành cho doanh nghiệp trong gói kích cầu 17.000 tỉ đồng của Chính phủ đã bắt đầu có tác dụng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước đang và sẽ gặp nhiều khó khăn khác, không chỉ do thiếu vốn.

Có vốn vẫn đói vốn
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VDF) và trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội mới công bố kết quả một cuộc điều tra thực hiện từ tháng 12/2008 đến 2/2009 đối với 196 doanh nghiệp trong 4 lĩnh vực sản xuất, thương mại, xây dựng và dịch vụ tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng và Bình Dương về tác động của chính sách tiền tệ và suy giảm kinh tế lên khả năng tiếp cận vốn và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp qua ba giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ cuối năm 2007 đến tháng 9/2008 khi Chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Giai đoạn 2, từ tháng 9/2008 đến tháng 12/2008 khi chính sách tiền tệ bắt đầu được nới lỏng. Giai đoạn 3 từ tháng 12/2008 đến tháng 2/2009 trong bối cảnh chính sách tiền tệ được nới lỏng hơn và gói kích cầu 17.000 tỉ đồng được triển khai.
Cuộc điều tra chỉ ra rằng, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp đang được cải thiện dần nhờ hiệu ứng ban đầu của gói kích cầu. Ở giai đoạn 1 có 63,1% doanh nghiệp được hỏi nói rằng “khó” (43,8%) và “rất khó” (19,3%) vay vốn.
Đến giai đoạn 2, tỷ lệ này đã giảm xuống, còn 40,1% doanh nghiệp khó và rất khó vay vốn (34,4% và 5,7% tương ứng). Trong giai đoạn 3, chỉ có 20,8% các doanh nghiệp thừa nhận khó (18,2%) và rất khó (chỉ còn 2,6%) vay vốn ngân hàng.
Tuy vậy, vẫn còn tồn tại nhiều nguyên nhân cản trở doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn này, trong đó lãi suất đứng hàng đầu, tiếp đến là khó khăn về điều kiện thế chấp, thủ tục vay, các điều kiện về thời hạn cho vay, phí dịch vụ…
Ở giai đoạn 1, mức lãi suất cho vay rất cao, mức cao trung bình lên tới 20,3%, thấp nhất trung bình cũng 15,6% và có 10,3% doanh nghiệp phải vay với lãi suất trên 21%! Tới giai đoạn 3, khi khoản cho vay hỗ trợ lãi suất được triển khai, mức lãi suất cao trung bình chỉ còn 12,5% và thấp nhất 10,8%, giảm đáng kể so với giai đoạn 1, thì vẫn còn một số doanh nghiệp tiếp tục phải đi vay với lãi suất 21%.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Sơn thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân - đồng tác giả cuộc điều tra, các doanh nghiệp có quy mô lao động và vốn lớn, của Nhà nước thường dễ tiếp cận vốn hơn các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Đường dài lắm chông gai
TS. Lê Quốc Hội, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, đồng tác giả nghiên cứu cho biết các doanh nghiệp trong nước rất nhạy cảm với sự thay đổi trong chính sách vĩ mô và các chính sách này có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.
Thủ tục hành chính, khó khăn của bạn hàng và sức ép cạnh tranh luôn có ảnh hưởng tiêu cực lên doanh nghiệp trong cả ba giai đoạn, trong đó thủ tục hành chính là yếu tố hoàn toàn có thể cải thiện được trong khi bộ máy hành chính công vẫn giậm chân tại chỗ suốt từ cuối 2007 đến 2/2009, theo đánh giá của 196 doanh nghiệp tham gia khảo sát.
“Đây vẫn là lĩnh vực rất chậm được cải thiện, nó cho thấy dường như cam kết của Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của quốc tế chưa tạo ra tiến bộ đáng kể nào”, GS. Kenichi Ohno, đồng Giám đốc VDF nói với báo chí.
Hầu hết các doanh nghiệp được hỏi đều tỏ ra bi quan trước biến động của thị trường nội địa ở cả ba giai đoạn, trong đó có đến 81% trong số 196 doanh nghiệp tin rằng thị trường trong nước sẽ tiếp tục suy giảm trong thời gian tới.
Đây là nỗi lo lắng lớn nhất của doanh nghiệp về dài hạn. Tiếp đến, 43% lo không tiếp cận được vốn ngân hàng, 38% lo chi phí thuê lao động gia tăng, 23% sợ thị trường nước ngoài giảm sút và 20% cho rằng lao động bỏ việc sẽ tăng.
Thận trọng
Trên thực tế, khả năng của các doanh nghiệp vay vốn từ nguồn kích cầu còn rất hạn chế do nhiều yếu tố tác động như đã phân tích ở trên. Trong khi đó, cần lưu ý khoản hỗ trợ lãi suất 4% chỉ cho vay bằng tiền đồng, vì vậy doanh nghiệp (được vay) phải chịu các rủi ro khi tỷ giá biến động.
Mức độ hiệu quả của nguồn vốn này cũng cần được nghiên cứu kỹ khi một số ý kiến lo ngại Chính phủ không có đủ điều kiện để tài trợ cho các nguồn vốn dạng này thông qua gói kích cầu với quy mô ngày càng lớn hơn và nợ xấu trong khu vực ngân hàng thương mại (có khả năng) ngày càng tăng lên.
Một lo ngại khác mà cả các chuyên gia VDF lẫn nhóm phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) đề cập là việc doanh nghiệp có thể đảo nợ cũ vay với lãi suất cao để chuyển sang vay vốn mới với mức lãi suất thấp hơn nhiều.
TS. Nguyễn Ngọc Anh thuộc DEPOCEN, phân tích: “Nếu khoản vay đến tay DNNVV thâm dụng lao động đang gặp nhiều khó khăn và hỗ trợ họ duy trì việc làm thì mục tiêu chính của gói kích cầu vẫn đạt được.
Nhưng, nếu khoản vay giúp doanh nghiệp lớn thâm dụng vốn đảo nợ, cấu phần này của gói kích cầu lại có tác dụng như gói giải cứu (bailout), chứ không còn là gói kích cầu nữa”.
Trên thực tế, theo phân tích của DEPOCEN, kích cầu đối với nền kinh tế trong ngắn hạn thông qua khuyến khích doanh nghiệp thường là khó khăn, bởi họ chỉ thực hiện mua sắm, đầu tư, tuyển dụng nhân viên mới nếu thấy có lợi và có nhu cầu đối với hàng hóa họ sản xuất ra.
Do vậy, một số giải pháp kích cầu doanh nghiệp khác có thể tham khảo theo đề xuất của DEPOCEN, là giảm bớt chi phí lao động của doanh nghiệp ở mức phù hợp và Nhà nước hỗ trợ ngắn hạn đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, với mục tiêu lớn nhất là để họ không sa thải người lao động trong giai đoạn khó khăn này.
Theo Thành Trung
Thời báo Kinh tế Sài Gòn