Doanh nghiệp Mỹ muốn “thoát Trung"? - Không dễ đến vậy

Hương Vũ

(Dân trí) - Cơ sở hạ tầng, mạng lưới cung ứng không phong phú và chi phí lao động cao khiến cho giấc mơ “thoát Trung" về nước của chính phủ Mỹ ngày càng gian nan hơn.

Nước Mỹ “thức tỉnh”

Doanh nghiệp Mỹ muốn “thoát Trung? - Không dễ đến vậy - 1
Về nước, Việt Nam hay Mexico? Đâu là điểm cập bến lý tưởng cho doanh nghiệp Mỹ muốn “tháo chạy” khỏi Trung Quốc? Ảnh: SCMP

Dịch Covid-19 đã làm nước Mỹ thức tỉnh về những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng và những áp lực đang đặt lên vai các doanh nghiệp của nước này khi muốn rời khỏi Trung Quốc, và có một sự thật đáng buồn rằng: hầu hết các doanh nghiệp Mỹ sẽ không lựa chọn hồi hương.

“Trở về Mỹ quả thật là một ý tưởng hay, tuy vậy, ý tưởng này nên áp dụng cho những doanh nghiệp chưa từng hợp tác với Trung Quốc.”, ông Renaud Anjoran- giám đốc điều hành của Sofeast có trụ sở tại Thâm Quyến, cố vấn cho các công ty sản xuất tại Trung Quốc và Việt Nam.

Bộ Quốc phòng cùng với Bộ Thương mại Mỹ đang gia tăng áp lực kêu gọi các doanh nghiệp nước nhà giảm mạnh hoặc chấm dứt nguồn cung và sản xuất từ Trung Quốc; Bộ Ngoại giao Mỹ đang hợp tác với Úc, Ấn Độ, Nhật Bản để định tuyến lại chuỗi cung ứng. Vào tháng 5 mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh chỉ đạo Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ tích cực đẩy mạnh ủng hộ các doanh nghiệp nước nhà.

“Mục tiêu của tôi là nước Mỹ có thể tự sản xuất những thứ chúng ta cần và thậm chí là xuất khẩu trên toàn thế giới”, ông Trump từng chia sẻ trong một chuyến thăm quan nhà máy tại Pennsylvania.

Về phần mình, Quốc hội Mỹ đã giới thiệu một số dự luật nhằm mục đích đẩy mạnh sản xuất và khôi phục các ngành công nghiệp Mỹ. Còn pháp luật - nhắm mục tiêu các ngành công nghiệp từ đất hiếm và các sản phẩm y tế đến máy bay không người lái, thép và chất bán dẫn - kêu gọi trợ cấp, giảm thuế, bảo vệ an ninh quốc gia và hạn chế đầu tư hoặc cấm đối với các công ty Trung Quốc.

Những khó khăn đặt ra

Doanh nghiệp Mỹ muốn “thoát Trung? - Không dễ đến vậy - 2
Tổng thống Donald Trump đặt mục tiêu nước Mỹ có thể tự sản xuất mọi thứ và thậm chí là xuất khẩu trên toàn thế giới. Ảnh: SCMP

Tuy vậy, tư duy lập luận của kinh tế và chính trị không phải lúc nào cũng tương đồng.

Các nhà sản xuất chuyển từ châu Á về Mỹ thường phải đối mặt với các nhà máy ọp ẹp, cơ sở hạ tầng lỗi thời, mạng lưới nhà cung cấp kém phát triển và lao động không phù hợp, các nhà phân tích cho biết.

“Tôi không tin có tồn tại một quốc gia với khả năng đào tạo lao động một cách nhanh chóng như chúng ta đang mong đợi”, ông Rafeal Salmi - Chủ tịch một công ty kỹ thuật công nghệ tại Geneva, Illinois cho hay.

Vào năm ngoái, Kitsbow - nhà sản xuất đồ thể thao cao cấp của Mỹ đã quyết định chuyển nhà máy về nước khi cho rằng sự thay đổi này sẽ có lợi ích lâu dài, cũng như giảm được khoảng cách về ngôn ngữ, địa lý như khi ở Trung Quốc. Họ chấp nhận những rủi ro ban đầu nhưng không ngờ chúng lại nhiều đến vậy.

Doanh nghiệp Mỹ muốn “thoát Trung? - Không dễ đến vậy - 3
Dây chuyền sản xuất đồ thể thao cao cấp trong nhà máy mới của Kitsbow tại Mỹ. Ảnh: Handout

“Trước khi quay trở về Mỹ, chúng tôi cũng xác định được rằng sẽ phải mất thêm thời gian đào tạo một vài thợ may. Nhưng chúng tôi cũng không lường trước rằng phải đào tạo cho hầu hết các lao động. May mắn thay, giờ đây máy móc hiện đại hơn, tự động hóa hơn”, Chủ tịch Kitsbow còn chia sẻ thêm rằng công ty của ông đã phải tốn “rất nhiều” tiền để đào tạo lao động.

Foxconn, nhà sản xuất Đài Loan sản xuất các sản phẩm của Apple tại Trung Quốc, đã công bố kế hoạch ngay sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 cho một nhà máy sản xuất màn hình phẳng trị giá 10 tỷ USD ở Wisconsin, một dự án mà Trump gọi là kỳ quan thứ 8 của thế giới.

“Đầu tư nhiều, hàng tỷ USD, ngay tại Mỹ, tạo ra hàng ngàn việc làm”, ông Trump cho biết tại một buổi lễ tháng 7/2017 tại Nhà Trắng. “Và ý tôi là, việc làm của người Mỹ, đó là những gì chúng ta muốn.”

Ba năm sau, hầu hết các bộ phận thuộc “kỳ quan thứ tám của thế giới” không đi vào hoạt động. Công ty đã chuyển trọng tâm sang sản xuất khẩu trang y tế trong đại dịch Covid với tình trạng hỗn loạn về các khoản trợ cấp gắn liền với các công việc đã hứa hẹn.

“Phải mất 2-3 thập niên”

“Chúng ta cần đợi đến 2-3 thập niên để kế hoạch giảm phụ thuộc vào Trung Quốc được hoàn thiện. Sẽ mất khoảng 10 năm hậu đại dịch để thực hiện và bắt đầu xây dựng các nhà máy sản xuất mới ở Mexico, Costa Rica, Việt Nam, Malaysia,…”

Doanh nghiệp Mỹ muốn “thoát Trung? - Không dễ đến vậy - 4
Một nhà máy sản xuất hàng may mặc tại Trung Quốc. Ảnh: AFP

Clive Greenwood, trưởng nhóm chuyên gia tư vấn sản xuất Wilson, Weedman, Moscioni & Greenwood, hy vọng 20 đến 25% các công ty nước ngoài sẽ chuyển sản xuất từ Trung Quốc trong thập kỷ tới.

“Đối với một số doanh nghiệp có chỉ thị của chính phủ, quá trình tái định cư sẽ được diễn ra nhanh chóng hơn rất nhiều. Đối với số còn lại thì áp lực chính trị sẽ là điểm mấu chốt”, ông Greenwood chia sẻ.

Chủ sở hữu Trung Quốc thường có cổ phần trong các nhà máy của nước thứ ba, và những nhà máy này phụ thuộc vào một số bộ phận của Trung Quốc khiến họ có nhiều điểm yếu.

“Giờ đây, dường như các doanh nghiệp đều đang xem xét Việt Nam. Nhưng Việt Nam thậm chí còn không lớn bằng một tỉnh của Trung Quốc”, ông Greenwood nhấn mạnh.

Kể cả Đài Loan - một trung tâm công nghệ phát triển với những cơ sở hạ tầng đạt điều kiện - vẫn mắc phải những vấn đề chính trị nhạy cảm khi chủ nghĩa dân tộc đã thúc đẩy Bắc Kinh lan rộng tầm ảnh hưởng.

Ông Clive nhấn mạnh: “Khi các doanh nghiệp tiếp tục tập trung vào một chuỗi cung ứng trên một lãnh thổ thì sẽ vẫn gặp nhiều rủi ro. Một trận động đất hay một cuộc chiến tranh nổ ra tại Đài Loan cũng có thể đánh sập mọi ngành công nghiệp chất bán dẫn trên toàn thế giới chỉ trong một đêm”.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong khi các sự kiện toàn cầu gần đây đã làm nổi bật các lỗ hổng tìm nguồn cung ứng và thúc đẩy giấc mơ về sự phục hưng sản xuất của Mỹ, chuỗi cung ứng phải đối mặt với áp lực chi phí không ngừng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm