Doanh nghiệp lớn phải có “tinh thần công dân”

(Dân trí) - Không chỉ tập trung vào phát triển hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp lớn phải có “tinh thần công dân” và trách nhiệm xã hội tương xứng với quy mô kinh tế của mình…

Đây là vấn đề được đưa ra tại Diễn đàn VNR500 với chủ đề: Doanh nghiệp lớn và vai trò lãnh đạo và cũng là buổi công bố 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2010 diễn ra vào ngày 15/1.
 
Theo điều tra của McKinsey, “CEOs as public leaders”, có tới trên một nửa số lãnh đạo doanh nghiệp của Hoa Kỳ cho rằng các doanh nghiệp lớn cần có vai trò lãnh đạo quan trọng và tích cực trong việc giải quyết những vấn đề xã hội như giáo dục, y tế và chính sách ngoại giao.
 
Không chỉ tập trung vào phát triển hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp lớn phải có “tinh thần công dân” và trách nhiệm xã hội tương xứng với quy mô kinh tế của mình. Doanh nghiệp lớn không nên né tránh, mà nên chủ động tham gia vào các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Kinh nghiệm của các doanh nghiệp lớn ở Trung Quốc được đưa ra trong cuốn sách "CEO ở Trung Quốc" của Juan Antonio Fernadez và Lauria Underwood thì cho thấy, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn dành đến 30-40% thời gian của mình để làm việc với Chính phủ và các cơ quan công quyền. 
 
Steve Schneider - Tổng giám đốc General Electric China - thậm chí dành tới 65% thời gian để làm việc với chính quyền, trong đó có ít nhất 10% thời gian, để xây dựng những mối quan hệ, để phát triển những nền tảng để có thể tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.
 
Còn ở Việt Nam, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn đều đồng ý rằng doanh nghiệp là một bộ phận của xã hội, và sự phát triển doanh nghiệp phải đồng hành với sự phát triển của xã hội. Trong đó, quan hệ minh bạch giữa doanh nghiệp và chính quyền là hết sức quan trọng, không chỉ với doanh nghiệp mà với sự tiến bộ của xã hội.
 
Tuy nhiên, đây mới là lần đầu tiên kinh nghiệm xây dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp lớn với chính quyền tại Việt Nam được chia sẻ và bàn luận một cách chính thức thông qua diễn đàn VNR500 với chủ đề: Doanh nghiệp lớn và vai trò lãnh đạo.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, việc bàn luận công khai và minh bạch mối quan hệ có đôi chút “tế nhị” này sẽ giúp làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh của Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp lớn, cũng như đóng góp của các doanh  nghiệp lớn cho tiến bộ chung của xã hội.
 
Diễn đàn lần  này có sự tham gia của Giáo sư Stephen M. Walt đến từ đại học Harvard, Hoa Kỳ, chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực quan hệ lobby (vận động  hành lang) và ông Alex Malley, Tổng giám đốc điều hành toàn cầu của Hiệp hội Kế toán Công chứng Australia (CPA Australia).
 
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng thảo luận về vấn đề định hình phong cách lãnh đạo với sự chia sẻ của các chuyên gia nước ngoài. Phong cách lãnh đạo và phát triển tiềm năng con người là vấn đề luôn mới bởi ở mỗi thời điểm, bối cảnh khác nhau, lại có những yêu cầu và đòi hỏi mới trong cách thức lãnh đạo doanh nghiệp.
 
Trong khi nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến động khó lường, ông Malley chia sẻ quan điểm lãnh đạo của riêng ông là: “khơi dậy những gì tốt nhất của tổ chức và con người”.
 
Lan Hương