Doanh nghiệp lại "nhấp nhổm" đòi tăng giá xăng dầu
Trước xu hướng biến động của thị trường thế giới thì một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước đang kiến nghị liên bộ Tài chính - Công thương cho phép được điều chỉnh giá bán lẻ.
Doanh nghiệp kêu lỗ 500-900 đồng/lít
Theo ông Lê Xuân Trình, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil) cho biết, hiện giá xăng dầu thế giới biến động rất thất thường. Ngay sau khi điều chỉnh giá bán lẻ trong nước ngày 20/7 thì hôm sau giá bán lẻ đã thấp hơn tương đối nhiều so với giá cơ sở.
"Chúng tôi đang cân nhắc con số chuẩn xác để trình liên bộ xem xét ngay trong chiều nay," ông Trình cho hay.
Còn theo ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), trong 10 ngày qua, bình quân giá xăng dầu thành phẩm vẫn đứng ở mức rất cao. Nhưng theo quy định, thì sau 10 ngày/lần doanh nghiệp lại báo cáo liên bộ tài chính-công thương về giá các mặt hàng xăng dầu.
Cụ thể, giá sản phẩm xăng dầu tại thị trường Singapore trung bình 10 ngày qua đối với xăng RON 92 là 114,71 USD/thùng; dầu DO 0,05S 122,72 USD/thùng; DO 0,25S 121,90 USD/thùng; Dầu hỏa 121,23 USD/thùng và dầu FO 180 cst 647,42 USD/tấn.
"Như vậy, so với giá bán lẻ hiện nay thì mặt hàng xăng đang chênh với giá cơ sở 900 đồng/lít, còn với các mặt hàng dầu là trên 500 đồng/lít," ông Năm cho biết.
Quyết định trong tay liên bộ
Mới đây, ngày 30/6/2012, liên Bộ Tài chính-Công Thương đã có văn bản cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối quyền quyết định giá trong biên độ và tần suất điều chỉnh giá theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Theo quy định này, doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi mười hai phần trăm (≤ 12%) so với giá bán lẻ hiện hành và ngược lại, nếu giá cơ sở tăng trong phạm vi bảy phần trăm (≤ 7%) thì thương nhân đầu mối được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng...
Đặc biệt, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày với trường hợp tăng giá, tối đa là 10 ngày đối với trường hợp giảm giá, thay vì 30 ngày so với quy định trước.
Mặc dù vậy, theo ông Lê Xuân Trình, ngay sau khi nhận được văn bản của liên bộ thì giá xăng dầu thế giới lại có xu hướng nóng trở lại và điều này gây khó cho doanh nghiệp cũng như có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm việc trao quyền sẽ khiến giá xăng chỉ tăng mà không giảm.
Ông Trình giải thích, việc đề nghị điều chỉnh giá xăng dầu của mỗi doanh nghiệp có thể khác nhau, phụ thuộc vào chi phí quản lý, đầu tư và thời điểm nhập hàng, kích thức tàu mà các đơn vị nhập hàng về...
"Tuy nhiên, chúng tôi không lạm dụng việc này để tăng giá, mọi việc kê khai vẫn phải thông qua ban điều hành của liên bộ, nếu làm sai doanh nghiệp chắc chắn sẽ bị tuýt còi," ông Trình nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, theo ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, trước khi điều chỉnh thì các doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đăng ký giá với liên Bộ Tài chính-Công Thương để xem xét lựa chọn phương án xử lý hài hòa việc điều hành thuế, phí, quỹ Bình ổn và giá xăng dầu cho phù hợp.
Hiện giá bán lẻ đang áp dụng đối với vùng 1 là xăng A95 giá 21.500 đồng/lít, xăng A92 giá 21.000 đồng/lít, dầu điêzen 0,05S giá 20.300 đồng/lít, dầu điêzen 0,25S giá 20.250 đồng/lít, dầu hỏa dân dụng giá 20.150 đồng/lít.
"Chúng tôi có nghĩa vụ báo cáo, còn việc điều chỉnh giá tại thời điểm hiện nay thế nào sẽ do liên bộ Tài chính-Công thương xem xét," ông Trần Ngọc Năm nói./.
Theo Đức Duy
Vietnam+