1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Doanh nghiệp kiến nghị cho nhập vàng gấp

Tính theo tỉ giá ngân hàng Nhà nước 19.100 đồng/USD, giá vàng trong nước hiện đắt hơn thế giới gần 500.000 đồng/lượng. Theo giới kinh doanh vàng, mức chênh lệch này kéo dài gần 10 ngày qua là cơ hội hiếm có để kiếm lãi từ nhập khẩu vàng.

Doanh nghiệp kiến nghị cho nhập vàng gấp - 1
Mùa hè là cơ hội để mua vàng do tiêu thụ toàn cầu đều ở mức thấp.

Ngày 9/7, giá vàng mở cửa lúc 8h30 tại các tiệm mua vào và bán ra trong khoảng 28,17 - 28,23 triệu đồng/lượng. Đến cuối buổi sáng, giá vàng giảm thêm 10.000 đồng/lượng ở cả mức giá mua vào lẫn bán ra.

Như vậy, từ đầu tuần đến nay giá vàng vẫn chỉ dao động trong biên độ mua bán khoảng 28,1 - 28,3 triệu đồng/lượng, giá thế giới tăng giảm quanh ngưỡng 1.200 USD/ounce.

Trong khi đó, tỉ giá USD trên thị trường tự do liên tục tăng, đạt đỉnh cao là 19.220 đồng/USD, hôm 9/7 tỉ giá đã giảm xuống với mức bán ra là 19.170 - 19.180 đồng/USD. Tỉ giá của các ngân hàng thương mại gần như không thay đổi trong cả tuần qua.

Doanh nghiệp kiến nghị cho nhập vàng

Bà Nguyễn Thị Cúc, phó tổng giám đốc công ty kinh doanh vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết: “Hôm 6/7 chúng tôi đã gửi văn bản kiến nghị xin ngân hàng Nhà nước cho phép nhập vàng, một số doanh nghiệp kinh doanh vàng khác cũng đã gửi đơn cho ngân hàng Nhà nước về vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào được cấp phép nhập”.

Trong khi đó, theo nhận định từ bộ phận kinh doanh vàng công ty TNHH một thành viên SJC, hiện nay nhu cầu mua vàng của người dân tương đối thấp (các công ty SJC, PNJ chỉ bán ra khoảng 1.000 lượng/ngày), nhưng nhu cầu mua vàng để bảo toàn vốn, cân đối kinh doanh từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn đang khá cao.

Bởi lẽ trong tháng 5 và tháng 6, họ đã bán ra khối lượng vàng khá lớn (tương đương 36 tấn - theo tổng cục Thống kê), và bán “được giá” ở thời điểm giá thế giới trên 1.260 USD/ounce và trong nước trên 28,7 triệu đồng/lượng. Nay giá vàng giảm xuống 1.200 USD/ounce và trong nước chỉ còn 28,2 triệu đồng/lượng là mức tốt để mua vào.

Thêm vào đó, nhận định từ hội đồng Vàng thế giới, thì mùa hè là cơ hội để mua vàng do tiêu thụ toàn cầu đều ở mức thấp, các chuyên gia kinh tế dự báo giá sẽ tăng dần từ mùa thu đến mùa đông. Hiện Ấn Độ và Trung Quốc đang mua vào.

Trước mức cầu đang tăng, giá trong nước lại cao hơn giá thế giới, thì việc nhập vàng qua đường tiểu ngạch kiếm lãi cả chục triệu đồng/kg vàng là khó tránh khỏi. Ông Huỳnh Trung Khánh, phó chủ tịch hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng: “Từ đầu năm 2010 đến nay, Việt Nam đã xuất khẩu gần 40 tấn vàng, thì lượng nhập vào cũng tương đương, bởi nếu chỉ xuất ra thì giá vàng trên thị trường sẽ biến động rất lớn”.

Vàng nhập lậu có thể làm tỉ giá USD tăng

Tác động từ việc nhập vàng thể hiện khá rõ qua biến động tỉ giá USD trên thị trường tự do. Vào chiều 7.7, thời điểm giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới khoảng 700.000 đồng/lượng thì tỉ giá USD bán ra ở các tiệm vàng tại TPHCM đã vọt lên mức 19.220 đồng/USD, trong lúc tỉ giá của các ngân hàng thương mại chỉ ở mức 19.100 đồng/USD, và các ngân hàng thương mại cho rằng không có cơ sở để tăng tỉ giá.

Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng vẫn mong muốn ngân hàng Nhà nước “mở cửa” thị trường vàng, cho phép doanh nghiệp được quyền xuất nhập khẩu vàng dễ dàng hơn.

Việc “mở cửa” thị trường vàng không chỉ để hạn chế xuất khẩu lậu, làm giá vàng trong nước không còn chênh lệch với giá thế giới mà dưới góc nhìn của nhà kinh doanh - đầu tư, đó còn là cơ hội để họ tham gia vào thị trường vàng toàn cầu. Cơ quan quản lý nhà nước thì lo ngại cho nhập khẩu vàng sẽ tăng nhập siêu, nhưng lại không quản được việc nhập vàng tiểu ngạch như hiện nay.

Theo M.T
Báo SGTT