Đà Nẵng:
Doanh nghiệp kêu giá đất tăng không kịp trở tay
(Dân trí) - Giá đất Đà Nẵng đang tăng chóng mặt, tăng đến 74%. Doanh nghiệp tính toán ở thời điểm giá đất chưa tăng thì làm ăn hiệu quả, nhưng khi đổ hàng tỷ đồng đầu tư vào rồi, giá đất lại tăng, hiệu quả kinh doanh không được như tính toán ban đầu nữa, không kịp trở tay.
Trên đây là ý kiến được nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng tán đồng, khi nói về những khó khăn của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong buổi làm việc với đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 vừa diễn ra hôm qua (20/3). Buổi làm việc do ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì
Giá đất Đà Nẵng đang quá “hot”
Theo ông Trần Văn Lĩnh - Phó Chủ tịch Công ty CP Thương mại và Thủy sản Thuận Phước thì một trong những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp Đà Nẵng đang gặp phải là theo đà tăng của thị trường, giá đất ở Đà Nẵng đang tăng chóng mặt, có lúc tăng đến 74%. Doanh nghiệp tính toán ở thời điểm giá đất chưa tăng thì làm ăn hiệu quả, nhưng khi đổ hàng tỷ đồng đầu tư vào rồi, giá đất lại tăng, hiệu quả kinh doanh không được như tính toán ban đầu nữa, không kịp trở tay.
Ông Đỗ Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Đà Nẵng - đồng ý với ông Lĩnh và đưa ra dẫn dụ, một trong hai yếu tố khiến doanh nghiệp thất bại là đầu tư sai và hụt vốn giữa chừng. Khi doanh nghiệp đã đầu tư xong rồi thì giá đất lại tăng nhanh đột ngột giữa chừng khiến doanh nghiệp mất cân đối tài chính. Một điểm khó khăn nữa với các DNNVV, những người mới khởi nghiệp, là bỏ tiền thuê đất 50 năm một lần mới được thế chấp ngân hàng để vay vốn là quá khả năng của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp kiến nghị cần có một lộ trình nhất định về tăng giá đất, ví dụ bao nhiều năm thì tăng, và tăng bao nhiêu phần trăm, để doanh nghiệp có kế sách lâu dài như thế nào mới đạt được hiệu quả kinh doanh. Về mở rộng ra, không chỉ có giá đất, vốn vay, mà chính sách nói chung, khi có sự thay đổi, cần mở rộng tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp chứ không chỉ gói gọn trong một phạm vi hẹp nào đó
Cần quy hoạch, phân tầng doanh nghiệp để hỗ trợ
Nhiều DNNVV kêu để tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng là rất khó, do vướng quy định tài sản thế chấp, trong khi các doanh nghiệp mới khởi nghiệp thì hầu như là chưa có gì như ý kiến của ông Trần Anh Đông - một chủ doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Hòa Cầm (Đà Nẵng).
Thế nhưng, nhiều ý kiến cũng đồng tình rằng ngân hàng cần phải bảo toàn vốn như là bảo toàn số phận của họ, nên vay ngân hàng tất nhiên phải có tài sản thế chấp. Cần là cần về mặt hỗ trợ về chính sách, ví dụ có nguồn hỗ trợ bảo lãnh doanh nghiệp. Và không thể cào bằng, doanh nghiệp nào cũng được hỗ trợ, mà phải quy hoạch, phân tầng dựa trên những tiêu chí cụ thể để lựa chọn và công khai danh sách những doanh nghiệp được hỗ trợ để phát triển. Các doanh nghiệp cũng đưa ra “hiến kế” như ở một số nước là với những dự án tiềm năng thì ngân hàng tham gia vào doanh nghiệp như một phần của doanh nghiệp đảm bảo nguồn lực vốn hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đưa ra mộttrong những chủ đề cần doanh nghiệp cho ý kiến thẳng thắn là sau Nghị quyết 35 thì doanh nghiệp có được giảm chi phí hay chưa? Nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp chưa cảm thấy được giảm các chi phí cả chính thức và không chính thức, mà thậm chí còn tăng. Điển hình như chi phí vận tải hiện nay là quá cao, đã có lệnh giảm phí đường bộ qua các trạm thu phí BOT nhưng có nhiều trạm vẫn chưa giảm.
Ông Lê Mạnh Hà chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp những khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, và tình hình giá đất đang tăng rất cao đối với doanh nghiệp. Và qua đó, cho thấy tinh hình thực hiện nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp chỉ mới chuyển động về mặt tinh thần, còn về chất lượng triển khai nghị quyết thì cần phải đánh giá lại. Riêng với Đà Nẵng, ông Hà đánh giá cao về các hiệu quả trong cải cách hành chính, thu hút đầu tư hiệu quả không chỉ thể hiện ở chỉ số năng lực cạnh tranh - PCI - dẫn đầu cả nước, mà còn ở mức độ hài lòng cao của doanh nghiệp đối với các dịch vụ hành chính công trong thực tế.
Tâm An