Doanh nghiệp giấy: Tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế tuần hoàn

(Dân trí) - Những khó khăn về bài toán “hụt” công nghệ và nguồn lực cho ngành công nghiệp tái chế chất thải đòi hỏi mô hình kinh tế tuần hoàn cần phải có sự “dấn thân” của một số doanh nghiệp đi đầu, điển hình là doanh nghiệp giấy.

Quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải, bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn (KTTH) hiện là mô hình kinh tế phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới và được nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm. Trong Hội thảo “Thúc đẩy triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” vừa qua, ông Patrick Chung – TGĐ công ty Lee & Man, một trong những doanh nghiệp giấy vốn ngoại lớn nhất Việt Nam đã có những chia sẻ tâm huyết xoay quanh vấn đề này.

Doanh nghiệp giấy: Tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế tuần hoàn - 1

Ông đánh giá thế nào về khả năng phát triển mô hình KTTH của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam?

KTTH là xu thế phát triển tất yếu, nhất là khi chúng ta đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên và khan hiếm nguyên liệu sản xuất. Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ về thuế, hỗ trợ vốn, đất đai để xây dựng cơ sở tái chế chất thải, việc hướng tới nền KTTH trong lĩnh vực công nghiệp gồm tái chế, tái sử dụng chất thải công nghiệp làm nguyên liệu cho sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, sản xuất giấy… đang cần được ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế rằng khả năng thu gom, tái sử dụng rác thải tại Việt Nam còn chưa tương xứng, nhất là khi chúng ta vẫn chưa thực hiện phân loại rác thải từ nguồn do thiếu công nghệ, nguồn lực cũng như ý thức người dân.

Theo ông, vì sao doanh nghiệp sản xuất giấy được xem như một nhân tố thúc đẩy sự phát triển của mô hình KTTH tại Việt Nam?

Không chỉ là một ngành sản xuất nguyên liệu quan trọng có liên hệ mật thiết với nền kinh tế quốc dân và sự phát triển của xã hội, ngành sản xuất giấy từ giấy phế liệu còn có sự phù hợp tự nhiên với mô hình KTTH. Bởi các thách thức từ môi trường khiến doanh nghiệp giấy không ngừng cải thiện bộ máy vận hành và triết lý phát triển nếu muốn phát triển bền vững, tức là không thể đứng ngoài tư duy. Ngoài ra, khi các doanh nghiệp giấy tích cực phát triển theo mô hình này sẽ mang đến hiệu ứng lan toả đến nhiều ngành công nghiệp sản xuất khác.

Doanh nghiệp giấy: Tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế tuần hoàn - 2

Ông Patrick Chung nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp sản xuất giấy với mô hình KTTH

Lee & Man Việt Nam đã và đang ứng dụng thành công mô hình KTTH như thế nào?

Kim chỉ nam của chúng tôi là tận dụng tối đa “phế thải” từ đầu vào đến đầu ra. Lee & Man hiện sử dụng đến 95% nguyên liệu là giấy tái chế để sản xuất, giúp giảm thiểu áp lực cho môi trường. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác từ phế thải trong sản xuất. Chất thải rắn trong quá trình xử lý giấy phế liệu sẽ được tái chế, sản xuất các sản phẩm khác. Phần tro bụi từ chất thải không tái sử dụng sẽ được các công ty khác thu mua để sản xuất xi măng hoặc gạch không nung. Công ty cũng đầu tư vào công nghệ xử lý nước thải, khí thải tiên tiến để chất lượng nước thải, khí thải luôn được kiểm soát trước khi đưa ra ngoài môi trường.

Doanh nghiệp giấy: Tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế tuần hoàn - 3
Bên trong nhà máy sản xuất giấy quy mô lớn Lee & Man

Phát triển theo mô hình KTTH đòi hỏi đầu tư tốn kém. Điều này khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn “ngại” theo đuổi mô hình này?

Khi tham gia vào thị trường Việt Nam, chúng tôi đã đầu tư đến 650 triệu USD cho dây chuyền sản xuất giấy bao bì hiện đại nhất thế giới của Lee & Man. Tuy nhiên, đầu tư phát triển mô hình KTTH ngoài tiềm lực tài chính còn quan trọng ở cái tâm và cái tầm của doanh nghiệp liệu họ có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng hay không. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thiếu vốn, nhưng tôi tin, phát triển sản xuất theo mô hình KTTH vẫn hoàn toàn trong tầm kiểm soát của các doanh nghiệp này nếu họ chọn quy mô vừa sức hơn.

Lợi ích của mô hình KTTH với môi trường là rất lớn, còn doanh nghiệp sẽ được lợi gì khi phát triển mô hình này?

Chính là sự phát triển bền vững. Đó là lợi ích lớn nhất, lâu bền nhất của bất kỳ doanh nghiệp sản xuất nào. Thách thức môi trường khi chúng tôi vận hành thử nhà máy Hậu Giang sẽ luôn là bài học “xương máu”, và để nhắc nhở bản thân doanh nghiệp chúng tôi luôn xem xét cẩn trọng khâu sản xuất và xử lý chất thải.

Doanh nghiệp giấy: Tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế tuần hoàn - 4
Chú thích: Hồ sinh học nhà máy giấy Lee & Man

Sắp tới, doanh nghiệp sẽ có những kế hoạch gì để giúp thúc đẩy mô hình KTTH không chỉ riêng với doanh nghiệp giấy mà còn với những ngành sản xuất khác?

Chúng tôi đang lên kế hoạch xây dựng thêm một hệ thống công nghệ xử lý các thành phần tạp chất còn tồn lại nhằm mục tiêu phát thải bằng 0. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ luôn tìm kiếm đối tác nhằm tái tận dụng tối đa nguồn rác thải, biến chúng thành nguyên liệu cho nhiều ngành sản xuất quan trọng khác. Ở quy mô kinh tế, Lee & Man sẽ tiếp tục tích cực đóng góp tiếng nói của mình vào các hội nghị phát triển ngành giấy, bảo vệ môi trường.

Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ!